Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới chương trình – sách giáo khoa lớp 12: Sách giáo khoa chưa phải là tất cả

Tạp Chí Giáo Dục

Thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, năm học này là năm học cuối đối với công tác thay sách. Nhiều vấn đề được rút ra trong việc thay sách từ lớp 1 đến lớp 11.

SGK là cần thiết

Một tiết vănĐổi mới nội dung sách giáo khoa (SGK) là một yêu cầu tất yếu trong đổi mới chương trình nội dung giáo dục THPT cũng như các cấp học khác. Ngoài định hướng về phương pháp và kế hoạch giáo dục, chương trình cấp THPT trước hết phải đề cập tới những yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng và thái độ trên các lĩnh vực học tập mà học sinh (HS) có thể đạt được sau khi hoàn thành cấp học. Dựa vào các yêu cầu chuẩn về kiến thức và kỹ năng, SGK khi được biên soạn phải thể hiện một cách cụ thể nội dung phương pháp giáo dục của từng môn học trong chương trình giáo dục phổ thông nói chung.

SGK ngoài việc giúp HS nâng cao năng lực tự học phải đảm bảo yêu cầu phân hóa, chú ý tới đặc điểm lứa tuổi HS và điều kiện dạy học cụ thể của cấp học. Đây là vấn đề từ nhiều năm trước vẫn chưa thực hiện được. Tại đợt tập huấn bồi dưỡng giáo viên cốt cán thực hiện chương trình – SGK lớp 12 THPT, TS.Nguyễn Trọng Hoàn – Phó vụ trưởng Vụ GD phổ thông đánh giá, chương trình thay SGK cấp TH và THCS đã hoàn thiện tương đối tốt, quá trình thực hiện có nhiều điều kiện thuận lợi và kết quả đã thể hiện được sự đổi mới rõ rệt. Riêng chương trình đổi mới cấp THPT mới thực hiện được hai năm nhưng từ năm học 2003-2004 bộ đã có chương trình thí điểm THPT phân ban nên những khó khăn bất cập của chương trình, nội dung SGK đã được tiên lượng trước. Theo TS.Hoàn dư luận đánh giá chương trình thay SGK lớp 10 nói chung ổn định. Riêng chương trình lớp 11 do là năm đầu tiên thực hiện, nhiều vấn đề tương đối mới mẻ nên đã có nhiều ý kiến trao đổi và bàn cãi hơn. Ông đã đưa ra một số dẫn chứng đối với bộ môn ngữ văn như: vẫn có ý kiến chưa nắm chắc tên gọi môn học này, hiện còn hai ý kiến khác nhau về cách thức giảng dạy: dạy phân tích hay dạy giảng văn? Tuy nhiên theo tinh thần chung dù dạy cách nào đi nữa cũng đều hướng tới mục đích phát triển năng lực đọc – hiểu và làm văn cho HS. Đây chính là căn cứ pháp lý định hướng việc giảng dạy bộ môn của giáo viên. Ngoài việc bám sát chương trình môn học, SGK trong biên soạn phải bảo đảm tính liên môn và tính kế thừa. Có thể thấy chương trình liên thông của bộ môn văn cấp THPT thể hiện qua trục thể loại và các mốc lớn của lịch sử. Sự liên thông đó giúp cho người học ngoài việc tiếp nhận bài giảng của thầy biết tự học, tự nghiên cứu. Vì thế khi tìm hiểu chương trình – SGK, giáo viên phải nắm chắc mạch kiến thức từ cấp TH đến THCS và THPT như vậy mới có cái nhìn bao quát và hệ thống.

Nhưng SGK không phải là tất cả

Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận là SGK không phải là tất cả trong chương trình, nó chỉ mang tính lý thuyết mà thôi. Hiện nay SGK mới được viết theo hai hướng: chuẩn và nâng cao. Khác với những năm trước đây Bộ không ban hành phân phối chương trình cụ thể cho tất cả các trường mà chỉ đưa xuống khung chương trình để các sở tự lựa chọn tùy theo đối tượng. Các địa phương sẽ giao quyền cho các trường THPT chủ động bố trí chương trình dạy học làm sao cho phù hợp với đối tượng từng địa phương. Đây là một chủ trương mới sát tình hình thực tế vùng miền tinh thần chung sẽ được Bộ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa. Nếu chương trình chuẩn tất cả các môn học thể hiện những yêu cầu mang tính tối thiểu mọi HS cần và có thể đạt thì chương trình nâng cao chỉ đặt ra đối với tám môn phân hóa (toán, lý, hóa, sinh, ngữ văn, sử, địa và ngoại ngữ). Bên cạnh đó, nội dung tự chọn gồm các chủ đề tự chọn, môn tự chọn lại cung cấp cho HS những cơ hội để củng cố, luyện tập ôn kiến thức, kĩ năng có trong chương trình các môn học hoặc mở rộng, nâng cao đáp ứng nhu cầu HS.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT mặc dù đổi mới chương trình, SGK nội dung giáo dục THPT khởi đầu đã có nhiều điểm tiến bộ nhưng về đổi mới phương pháp dạy học vẫn chưa đáp ứng được với chương trình thay SGK. Do đổi mới phương pháp dạy học có nhiều yêu cầu cao và không thể thực hiện trong ngày một ngày hai được nên nó chưa thực sự theo kịp với tầm đổi mới SGK. TS.Nguyễn Trọng Hoàn đánh giá, nhìn một cách thẳng thắn đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có giáo trình, chuyên luận nào đáp ứng được tương xứng với tầm đổi mới SGK. Về đổi mới kiểm tra đánh giá theo xu thế các nước trên thế giới, công cụ phương tiện chủ yếu của đánh giá là kiểm tra và hình thức thông dụng là trắc nghiệm. Kiểm tra đánh giá không chỉ tái hiện kiến thức mà quan trọng phải biết vận dụng kiến thức đã học thành cái của mình, biết cách triển khai mạch kiến thức vận dụng vào thực tế cuộc sống. Muốn như vậy chúng ta phải chú trọng nội dung hướng dẫn học sinh tự học.

Phan Ngọc Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)