Chương trình học phổ thông hiện nay là quá nặng và quá tải với học sinh. Vì vậy việc đổi mới là cần thiết. Trong ảnh: Giờ học ôn thi tốt nghiệp THPT tại một trường ở TP.HCM. Ảnh: A.K |
Bộ GD-ĐT kết hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo quốc tế đổi mới CT giáo dục phổ thông: Từ khái niệm đến tổ chức thực hiện. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS. Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, thành viên Ban chỉ đạo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) phổ thông xung quanh vấn đề CT-SGK trong thời gian tới.
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết lý do tổ chức hội thảo lần này?
Hội thảo này không phải lần đầu tiên, nằm trong seri rất nhiều hội thảo. Để đổi mới CT-SGK phổ thông, ngoài kinh nghiệm của nước ta, do yêu cầu hội nhập chúng ta không thể không có trao đổi, học tập quốc tế, nhất là các nước phát triển. Với định hướng đó thì chúng tôi tổ chức hai hướng: Một là cử đoàn chuyên gia đi thực tiễn ở nước ngoài, hai là mời các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam để trao đổi. Những hội thảo như thế này đã làm nhiều lần.
Trong những hội thảo như thế, chúng ta đã tiếp thu được gì từ kinh nghiệm của thế giới đối với đổi mới CT-SGK của chúng ta?
Các hội thảo vừa qua rất bổ ích, các chuyên gia quốc tế mang đến nhiều thông tin của các nước phát triển để Việt Nam học hỏi, lựa chọn những thông tin phù hợp với mình. Nhưng không có nghĩa là bê nguyên xi. Có một thực tế là qua các hội thảo, chúng tôi thấy ít nhất đã làm các chuyên gia Việt Nam thay đổi nhận thức, thay đổi quan niệm cũ. Một trong những khó khăn nhất của lần đổi mới này là thay đổi sức ì quán tính, sức ì trong suy nghĩ cũ của trước hết là đội ngũ làm CT-SGK, sau đó là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Những hội nghị như thế này mở rộng tầm nhìn, đổi mới quan niệm đối với đội ngũ chuyên gia và cán bộ quản lý, giáo viên. Khi họ quay lại làm CT-SGK thì sẽ phát huy điều đó.
Để thay đổi tư duy của giáo viên hiện nay rất khó, ông nghĩ sao về nhận xét này?
Tôi thấy đó là thử thách lớn nhất. Do đó, phải bằng nhiều con đường. Có thể nhờ các chuyên gia của thế giới trao đổi. Vì mình nói có thể giáo viên không tin nhưng nếu các chuyên gia thế giới nói thì chắc chắn họ sẽ tin. Tôi thấy có tác dụng rất rõ là đầu tiên nói về CT phát triển năng lực, đầu tiên các nhà giáo của chúng ta rất dị ứng. Nhưng dần dần, chính những người đó thay đổi rất nhiều. Bộ Giáo dục cũng xác định đấy là thách thức lớn nhất. Nhưng đừng có thổi phồng quá đáng. Chúng ta thấy khó khăn đó để mà khắc phục, tìm giải pháp nhưng cũng đừng biến nó thành ngáo ộp để đi dọa. Chúng ta nói CT phát triển năng lực nhưng chúng ta vẫn kế thừa phát triển từ những cái cũ, các thầy cô giáo vẫn tận dụng được những cái tốt đẹp cũ. Chủ yếu lần này là thay đổi cách dạy và cách học, còn kiến thức cơ bản, giảng những cái khó lại không ngại. Tôi nghĩ sẽ vượt được với sự cố gắng của đào tạo lại và cố gắng của giáo viên hiện nay.
Có ý kiến cho rằng việc đổi mới có hay đến mấy nhưng giáo viên không thay đổi cũng bằng không?
Cái đó về lý thuyết thì rất đúng. Giống như chúng ta cứ nói soạn kinh Phật cho hay nhưng nhà sư tồi thì không ăn thua gì. Cái đó rất đúng trên lý thuyết. Còn chúng ta cũng phải nhìn thấy chuyện này. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường ĐH sư phạm vào cuộc. Thứ hai là các trường sư phạm cũng chuẩn bị CT bồi dưỡng giáo viên. Thay đổi hàng triệu giáo viên đứng lớp mới khó khăn. Hai ba năm nay, Bộ GD-ĐT đã chú ý đến 7 trường ĐH sư phạm trọng điểm, dựa vào lực lượng này để sau này đào tạo lại giáo viên theo CT mới.
Theo ông, để phục vụ CT-SGK mới cũng như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, các trường sư phạm phải thay đổi như thế nào?
Đó là vấn đề rất lớn. Trong nghị quyết 44 của Chính phủ kèm theo CT hành động đã nói rất rõ về đào tạo lại đội ngũ giáo viên. Nói trong một hai câu về một nghị quyết lớn rất khó. Nói vắn tắt thì đổi mới theo tinh thần nghị quyết 29.
Trong quá trình đổi mới CT-SGK đâu là nhiệm vụ trọng tâm?
Chương trình tốt, phù hợp với Việt Nam, phù hợp với thực tế. Đào tạo lại để đội ngũ giáo viên sẵn sàng đủ năng lực thực hiện. Chính sách cho nhà giáo. Tôi nghĩ đấy là các nhiệm vụ trọng tâm.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê
Bình luận (0)