Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới chương trình theo hướng tiếp cận năng lực

Tạp Chí Giáo Dục

Theo chinhphu.vn, Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực GD-ĐT đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch này là đảm bảo tất cả trẻ em hoàn thành giáo dục tiểu học, giáo dục THCS miễn phí, công bằng, có chất lượng; tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non được chăm sóc, giáo dục có chất lượng để phát triển toàn diện, chuẩn bị sẵn sàng vào tiểu học; đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận giáo dục sau phổ thông có chất lượng, với chi phí học tập phù hợp với mức sống và thu nhập. Cụ thể, để tăng tiếp cận giáo dục cho mọi người, theo Bộ GD-ĐT cần thay đổi chính sách về học phí bậc THCS và THPT, tiến đến miễn phí hoàn toàn cho bậc THCS. Đồng thời có cơ chế hiệu quả hỗ trợ người dân đưa con trong độ tuổi đến trường, đặc biệt là trẻ khuyết tật, trẻ sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Thực hiện giáo dục hòa nhập, giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật. Đối với mục tiêu chăm sóc, giáo dục trẻ có chất lượng, kế hoạch đặt ra là xây dựng và thực hiện đề án huy động nguồn lực cho phát triển hệ thống giáo dục mầm non, trong đó chú trọng mở rộng mạng lưới trường lớp nhất là ở vùng sâu, vùng xa; tăng cường lực lượng giáo viên được đào tạo, phát huy vai trò của khu vực tư nhân trong cung ứng dịch vụ giáo dục mầm non; huy động các thành phần kinh tế đầu tư hệ thống nhà trẻ, trường, lớp mầm non. Theo Bộ GD-ĐT, để phát triển giáo dục ĐH có chất lượng, cần nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục ĐH thông qua đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng gắn với thị trường lao động. Đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH theo quan điểm dựa trên cơ sở chất lượng, đảm bảo một hệ thống giáo dục ĐH có hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới.

Nhằm thực hiện những nhiệm vụ trên, Bộ GD-ĐT đưa ra những giải pháp chủ yếu để thực hiện như sau: Lồng ghép, tích hợp vào các hoạt động để nâng cao nhận thức của nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên trong toàn ngành về phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Cùng với đó triển khai hiệu quả việc đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực; nội dung chương trình GD-ĐT hướng tới nâng cao nhận thức và hành động của học sinh, gia đình, xã hội về công bằng trong giáo dục, bình đẳng giới, giáo dục giới tính toàn diện, kỹ năng sống và công dân toàn cầu. Đặc biệt là đổi mới công tác đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng đánh giá việc hình thành các năng lực, kỹ năng và thái độ bên cạnh tiếp thu kiến thức…

L.Phương

Bình luận (0)