Để đáp ứng yêu cầu của đổi mới chương trình, SGK thì bản thân GV phải thay đổi nhận thức, nâng cao tri thức |
“Chương trình SGK mới không chỉ thực hiện bởi giáo viên, giảng viên có năng lực cao mà vấn đề là phải đổi mới nhà trường phổ thông. Nhà trường phải được dân chủ mới thực hiện được đổi mới”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên (GV) đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và SGK” do CLB Giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh, thành phía Nam tổ chức ngày 24-3 tại TP.HCM.
Trong quá trình thực hiện đổi mới chương trình và SGK, ngành GD-ĐT gặp không ít khó khăn, trong đó việc đổi mới tư duy cho đội ngũ CBQL và GV luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Ông Hiển cho rằng: “Quan trọng nhất là đổi mới tư duy cho đội ngũ CBQL và GV, nếu cứ suy nghĩ theo kiểu cũ thì không thể nào giải quyết được những yêu cầu trong tình hình mới. Muốn đổi mới tư duy phải phát triển văn hóa đọc. Hiện nay đội ngũ GV, thậm chí cả CBQL cũng rất ít đọc hoặc đọc không đến nơi đến chốn. Chúng ta đang đổi mới, GV có nhiều bức xúc nhưng nếu không đọc thì không biết được những phương hướng giải quyết đã có”.
Trách nhiệm này không chỉ thuộc về bản thân GV, CBQL mà nhiều đại biểu cho rằng cần có sự hướng dẫn của các cơ sở đào tạo sư phạm. Ông Phạm Ngọc Thanh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – chia sẻ: “Khi đưa ra một vấn đề, một thông tư mới nhưng nếu nhận thức của đội ngũ không ổn, đội ngũ có ý kiến khác thì các trường sư phạm, cơ quan quản lý phải giải tỏa ngay những thắc mắc trong nhận thức của đội ngũ GV”.
Tuy nhiên, một số đại biểu tỏ ra băn khoăn về mối quan hệ giữa các trường sư phạm với trường phổ thông. “Nhiều GV phát biểu về giáo dục phổ thông nhưng sự hiểu biết của họ không đúng với tình hình giáo dục hiện tại. Trong khi đó mối quan hệ giữa các trường đào tạo sư phạm và sở GD-ĐT chưa được thường xuyên”, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho hay.
Ông Hồng cũng cho biết thêm: “Phần lớn luận án của các trường ĐH, học viện được Bộ GD-ĐT giao đào tạo thạc sĩ quản lý giáo dục là thực trạng quản lý ở các trường phổ thông. Tuy nhiên, các luận án này chỉ được lưu ở thư viện quốc gia, các trường ĐH mà lại không được phổ biến tại các sở GD-ĐT”…
Theo ông Hiển, để đổi mới chương trình và SGK, sắp tới nhà trường phải được dân chủ hơn, học sinh được dân chủ hơn. Đổi mới theo hướng dân chủ là phải phân cấp, phân quyền, tự chủ và tự chịu trách nhiệm. CBQL phải phân cấp, phân quyền đúng đối tượng, chức năng; giao quyền tự chủ phải đảm bảo tính thống nhất. Đồng thời, người giao quyền phải giám sát, cố vấn chứ không làm thay. Về phía GV, cần được tự chủ thực hiện chương trình giáo dục, chủ động chọn SGK phù hợp…
Đồng quan điểm này, ông Phan Đoàn Thái – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận – đề xuất: “Cần trao quyền tự chủ cho GV nhiều hơn. Thay vì đưa ra phân phối chương trình quy định số tiết cụ thể cho mỗi bài học, CBQL nên để GV chủ động phân phối thời gian giảng dạy”.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Tế – Hiệu trưởng Trường Quản lý Cán bộ Giáo dục TP.HCM – thì: “Việc đổi mới nội dung chương trình, SGK lần này sẽ chi phối tất cả các thành tố của quá trình dạy học, trong đó có cả con người. Sẽ có không ít khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện nhưng để thành công thì ngay từ bây giờ bản thân mỗi CBQL, GV trước hết phải tự đổi mới bản thân, thay đổi nhận thức, nâng cao tri thức, không ngừng bồi dưỡng, rèn luyện về mọi mặt…”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)