Vừa qua, Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục (CBQLGD) TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Đổi mới cơ chế quản lý phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Giám đốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT của 27 tỉnh thành khu vực phía Nam.
Đổi mới quản lý bằng nhiều hình thức
PGS.TS Nguyễn Xuân Tế, Hiệu trưởng Trường CBQLGDTP.HCM nhận định: Quản lý giáo dục (QLGD) nước ta đang đứng trước thời cơ, thách thức lớn. Do đó, đổi mới quản lý là việc làm quan trọng và được xem là khâu đột phá trong quá trình nâng cao chất lượng nền giáo dục nước nhà, cũng như thực hiện đổi mới toàn diện nền giáo dục.
Tham dự hội thảo, GS.TS Nguyễn Lộc – Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, cần phải xác định rõ bản chất, nội dung, cách thức và những vấn đề liên quan đến đổi mới giáo dục. Việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đòi hỏi phải có những nghiên cứu sâu sắc kinh nghiệm của quốc tế, qua đó góp phần định hướng cụ thể từ điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.
Trong khi đó, TS. Trần Thị Tuyết Mai – GV Khoa QLGD Trường CBQLGD TP.HCM lại đưa ra hai hướng tiếp cận hiện đại trong đổi mới giáo dục khi đề nghị cần chuyển từ cơ chế hành chính tập trung sang cơ chế phân cấp, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và lấy nhà trường làm cơ sở, thay đổi cấu trúc tổ chức nhà trường trên nhiều phương diện.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc đổi mới không thể tách rời chính sách tuyển dụng. Bởi như vậy mới có thể thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm. Song song đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, hoàn thiện cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ với nhà giáo cần phải làm song song và mạnh mẽ với công tác đổi mới QLGD. Bản thân người hiệu trưởng nên nhận thấy “tính đa dạng về trách nhiệm” của mình trong công cuộc đổi mới to lớn này. Từ đó không ngừng bồi dưỡng, rèn luyện để có thêm nhiều kỹ năng mới (kỹ năng quyết định, lập kế hoạch chiến lược, quản lý sự thay đổi…).
Xác định rõ mục tiêu đổi mới
Theo TS. Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, công cuộc đổi mới thời gian qua vẫn khá chung chung, chưa cho thấy một sự chuyển biến mang tính đột phá, bước ngoặt nào. Chính vì thế, cần xác định thật rõ việc đổi mới từ khâu nào để không chỉ Bộ GD-ĐT, Chính phủ thiết lập được các giải pháp, văn bản mang tính hiệu lệnh, nhằm thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả. “Chúng ta muốn đổi mới căn bản và mạnh mẽ nền giáo dục nhưng các ý tưởng vẫn chỉ được nêu trong nghị quyết mà không thực hiện trong điều kiện thực tế, không ai mạnh mẽ triển khai thực hiện thì làm sao có sự chuyển biến mang tính bước ngoặt?”, ông Minh đặt câu hỏi. Theo ông Minh, muốn đổi mới toàn diện nền giáo dục thành công, cần đổi mới mạnh mẽ từ con người khoa bảng thành con người thực tế. Chuyển từ cơ chế độc quyền với từng hoạt động đơn lẻ sang mục tiêu phục vụ xã hội, đa dạng, cạnh tranh với tinh thần hợp tác, thân thiện. Trong đó, việc đổi mới phải được thực hiện theo nguyên tắc đồng thời và đồng bộ trên tất cả các yếu tố cấu thành của hoạt động giáo dục, từ mục tiêu giáo dục, nội dung chương trình đến phương pháp dạy học, cơ chế tổ chức quản lý và phương thức đánh giá.
Thời gian qua, quá trình phát triển của giáo dục nước ta rất tốt so với điều kiện hoạt động cả về quy mô và chất lượng. Nhưng thực tế vẫn bộc lộ rất rõ tính thiếu ổn định, căn cơ cũng như bền vững. Do đó, trong quá trình đổi mới QLGD, các đơn vị giáo dục cần được xác lập trên những điều kiện mang tính nền tảng là tư duy, đầu tư và tổ chức quản lý.
Đồng quan điểm, TS. Trần Thị Tuyết Mai nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, việc đổi mới QLGD ở nước ta bằng cách áp dụng phương pháp quản lý chất lượng tổng thể trong nhà trường (phạm vi hẹp) với triết lý “cải tiến liên tục”, “cải tiến từng bước” là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định rõ mục tiêu cũng như chiến lược cụ thể.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Mạnh Hùng, Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT đánh giá rất cao hoạt động của CLB Giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh thành phía Nam trong việc phối kết hợp thực hiện tốt công tác đổi mới quản lý, đổi mới hoạt động dạy và học ở địa phương.
Lê Quang huy
Bình luận (0)