Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đổi mới CT phổ thông: Bắt đầu từ đời sống GV

Tạp Chí Giáo Dục

Quyết định sự thành, bại của chương trình đổi mới sách giáo khoa (CT-SGK) sắp tới chính là ở đội ngũ hiệu trưởng và đội ngũ các nhà giáo. Đó là khẳng định của các chuyên gia khi tham gia hội thảo Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) tổng thể từ tầm nhìn đến hiện thực do Trung tâm Nghiên cứu phát triển truyền thông và Bộ Ngoại giao thương mại Canada tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Điều kiện cần và đủ của CT mới

Bà Phạm Thị Ly – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu, Viện Đào tạo quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết: Chúng ta chưa có bất cứ nghiên cứu nào được thực hiện một cách độc lập, có hệ thống và dựa trên những phương pháp đáng tin cậy để đánh giá mức độ hài lòng của phụ huynh đối với chất lượng giáo dục ở phổ thông hiện nay, trong đó có chất lượng người thầy. CTGDPT mới sẽ không thể thành công nếu người thầy không thay đổi phương pháp dạy và học.  Để thay đổi phương pháp, ngoài tự lực của GV, các trường ĐH sư phạm cũng phải vào cuộc và đóng một vai trò quan trọng. Hiện các trường sư phạm chủ yếu dạy kiến thức, có một số môn gọi là giáo học pháp nhưng rõ ràng các trường vẫn không thể trang bị đủ cho GV để thực hiện đổi mới vì lần này thay đổi rất cơ bản. Do đó, các trường sư phạm phải thay đổi lại cách dạy, thiết kế lại CT dạy giáo sinh so với hiện nay. Quá trình này cũng đã được khởi động. “CT của chúng ta từ trước đến nay chưa tạo được điều kiện để GV thay đổi phương pháp dạy và học” – bà Ly khẳng định. Tuy nhiên, bà Ly cũng cho hay, khi nào chúng ta tạo được cho GV động lực để họ ở lại với nghề, chính bản thân họ thấy được nhu cầu phải thay đổi thì việc đổi mới này mới có kết quả. Ngoài ra, phải thay đổi cách đánh giá hiệu quả việc làm của GV. Cách đánh giá GV hiện nay vẫn chỉ dựa vào kết quả học tập của học sinh, trong khi đó, lẽ ra phải đo mức độ tiến bộ của người học. “Giống như muốn thay đổi cách học của học sinh thì phải thay đổi cách đánh giá. Chúng ta không thể  thay đổi cách làm việc của GV nếu không thay đổi cách đánh giá” – bà Ly nhận xét.

Hãy bắt đầu từ lương cho GV

Cũng theo bà Ly việc thực hiện CTGDPT mới không thể tách rời bài toán tài chính giáo dục. Trong điều kiện nguồn lực công còn hạn hẹp thì vấn đề tiền lương cho GV cần được ưu tiên hàng đầu, trước khi đầu tư cơ sở vật chất hay trang thiết bị giáo dục. Khi thu nhập chính thức của GV không đủ sống và thấp hơn nhiều ngành nghề khác, thì phần lớn tâm trí của họ phải đặt vào việc kiếm sống, trong đó có những việc tổn hại tới tư cách người thầy. Chính vì vậy, cần phải xem tiền lương GV như một ưu tiên hàng đầu, trước khi đầu tư cho cơ sở vật chất hay trang thiết bị. Từ đó mới nghĩ đến việc tăng cường “xã hội hóa” bằng cách khích lệ nguồn vốn nhân dân đầu tư cho việc mở trường”. Hiện nay, cách ngân sách cấp nhỏ giọt không đủ bù chi và tiền lương GV quá thấp đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường giáo dục. Nếu ngân sách không thể tăng thì phải thay đổi cách cấp phát ngân sách. Nhà nước có thể chọn xây dựng một hệ thống trường công, trường bán công và trường tư, trên nguyên tắc trường công không thu học phí, được Nhà nước bao cấp đầy đủ cho đội ngũ GV và trang bị cơ sở vật chất ở mức tối thiểu có thể chấp nhận được.

Nhà nước đảm bảo những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, và tối đa khả dĩ về điều kiện sống của người thầy, của chất lượng chương trình. Tuy nhiên, trả lời về khuyến nghị này, ông Đỗ Ngọc Thống – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Phó trưởng ban Đổi mới CT-SGK, Bộ GD-ĐT – cho rằng  lương GV bộ không được phép quyết định.

Nghiêm Huê

Bình luận (0)