Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới dạy học từ hoạt động thực tế

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết dạy tiếng Anh đầy sinh động của cô Đỗ Thị Dung

Lập web, dùng mạng xã hội để dạy tiếng Anh, tới doanh nghiệp tìm hiểu thực tế để đưa kiến thức mới vào chương trình dạy…, đó là những công việc giúp hai giảng viên trẻ ở Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức luôn đổi mới phương pháp giảng dạy.

Nhờ những đổi mới này mà cô Đỗ Thị Dung (giảng viên Khoa Ngoại ngữ) và cô Trần Thị Tùng (giảng viên Khoa Tài chính – Kế toán) giành giải nhất tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi TCCN toàn quốc lần thứ X năm 2015.

Dùng mạng xã hội… dạy học

Với yêu cầu chuẩn đầu ra của sinh viên (SV) bậc CĐ (của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) là TOEIC 350, nếu giảng viên không đổi mới phương pháp giảng dạy thì SV rất khó đạt yêu cầu này. Vì thế, cô Đỗ Thị Dung đã tích cực học hỏi những ưu điểm của CNTT để ứng dụng vào giảng dạy.

Được sự tư vấn của giảng viên Khoa CNTT, đầu năm 2014, cô Dung đã cho ra đời trang web TOEIC online 1 trong giảng dạy tiếng Anh bậc CĐ. Với công cụ này, cô đã tạo được sự tương tác về nghe, nhìn rất tốt nên thu hút SV học tập. “Những bài giảng trên trang web được thiết kế trong vòng 90 tiết, SV không còn gò bó thời gian ở lớp mà có thể học ở mọi lúc mọi nơi. Vì thế, trang web là một công cụ hỗ trợ học tập, giúp các em phát huy được năng lực tự học của mình để rèn luyện tiếng Anh theo chuẩn TOEIC 350”, cô Dung cho biết.

Trước đó, nắm bắt xu thế của giới trẻ sử dụng mạng xã hội để kết nối, trò chuyện với nhau, cô Dung liền tìm hiểu các trang mạng xã hội học tập. Năm 2012, cô tìm đến mạng xã hội học tập Edmodo và thấy thật sự cuốn hút vì giao diện và các tính năng chia sẻ của nó cũng không khác gì facebook. Tuy nhiên, thay vì những hội thoại dông dài, không có chủ đích thì mạng xã hội này lại tích cực hóa người học ngoài phạm vi lớp học. Với mạng xã hội học tập Edmodo, giảng viên tải bài giảng lên để SV tham khảo và thiết lập các bài tập trên mạng để hệ thống chấm điểm ở dạng trắc nghiệm. Cô Dung chia sẻ: “Lúc đầu SV khá ngỡ ngàng vì trước nay đã thành thạo với việc sử dụng facebook. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, các em đã thành thạo và khá tích cực khi vào mạng xã hội này để học tập”.

Đó là những công cụ giúp SV nâng cao tinh thần tự học ngoài nhà trường, còn những lúc trên lớp, cô vẫn tích cực ứng dụng CNTT để tiết học sinh động hơn. Cô Dung chia sẻ: “Trong các tiết dạy, nếu giảng viên áp dụng những hình ảnh sinh động qua việc ứng dụng PowerPoint và thiết kế các game show thì SV rất hứng thú, sự tương tác giữa thầy và trò nhiều hơn. Vì thế, không chỉ riêng tôi mà nhiều giảng viên trẻ khác ở trường đã tích cực ứng dụng công nghệ này”.

Đi thực tế để đổi mới chương trình

Trước khi về trường đảm nhận công tác giảng dạy, cô Trần Thị Tùng đã có kinh nghiệm thực tế khi làm việc ở vài doanh nghiệp. Tuy nhiên, những kiến thức đó theo thời gian cũng trở nên lỗi thời, còn nếu chỉ giảng dạy những kiến thức trong giáo trình thì SV tốt nghiệp khó đáp ứng được yêu cầu mới của doanh nghiệp. Bởi vậy, ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, cô Tùng luôn cố gắng sắp xếp thời gian đến các doanh nghiệp tìm hiểu thực tế. Cô Tùng chia sẻ: “Giảng viên chỉ lên trường khi có giờ giảng, còn giờ trống chúng tôi được ở nhà nghiên cứu, làm sổ sách, tiếp cận với doanh nghiệp để đổi mới chương trình. Bởi vậy, mỗi khi sắp xếp được thời gian, tôi và các giảng viên trong khoa đều đến doanh nghiệp để tìm hiểu thực tiễn”.

Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT trao bằng khen cho cô Trần Thị Tùng tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi bậc TCCN toàn quốc vừa qua

Theo cô Tùng, việc đến doanh nghiệp tìm hiểu thực tế không chỉ giúp cô tiếp cận với những cái mới mà còn lắng nghe những phản hồi từ phía doanh nghiệp để có những điều chỉnh phù hợp trong chương trình giảng dạy. Đặc biệt, cô cùng với đồng nghiệp trong khoa xây dựng thành công các phòng mô phỏng (mô tả theo công việc thực tế tại các doanh nghiệp) đưa SV vào những phòng này làm việc như những phòng kế toán thực. “Tại phòng này, giảng viên cung cấp cho SV các chứng từ có liên quan đến nghiệp vụ, các em sẽ tự giải quyết các nghiệp vụ phát sinh (như kế toán viên thực thụ tại các doanh nghiệp) từ khâu tiếp nhận chứng từ, xử lý nghiệp vụ, lập chứng từ, mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lên các báo cáo có liên quan theo quy định hiện hành. Những nghiệp vụ đưa vào phòng mô phỏng thường xuyên được cập nhật theo quy định mới nhất và sát với tình hình thực tế tại doanh nghiệp nhằm giúp cho SV tiếp cận với thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, cô Tùng cho hay.

Nếu chỉ cung cấp kiến thức cho SV thôi thì chưa đủ mà các em cần được trang bị nhiều kỹ năng khác. Cô Tùng chia sẻ: “Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, tôi và đồng nghiệp biết được các SV còn những hạn chế gì để về góp ý cho các em. Hiện nay, ngoài đào tạo về mặt chuyên môn, giảng viên còn hướng dẫn SV sử dụng một số thiết bị văn phòng thông dụng như máy in, máy photo… Bên cạnh đó chúng tôi còn rèn cho SV tác phong làm việc, các kỹ năng mềm phục vụ cho công việc của SV sau khi ra trường”.

Bài, ảnh: D.Bình

Bình luận (0)