“Đường ống thoát nước của lầu trên xảy ra sự cố nên nước dơ rò rỉ xuống các hộ lầu dưới. Tôi đề nghị phường có hướng hỗ trợ giải quyết để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của chúng tôi”, hộ dân khu nhà tập thể hẻm số 3 Yersin (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TPHCM) phản ánh khi đoàn lãnh đạo phường đi thực tế tại cơ sở. Từ phản ánh của người dân, ông Phạm Xuân Khánh, Bí thư Đảng ủy phường Cầu Ông Lãnh, đã chỉ đạo xử lý dứt điểm ngay hôm sau.
Uống cà phê, trò chuyện với dân
Chuyến đi thực tế ấy không phải sự kiện đặc biệt, mà là hoạt động hàng tuần của Ban Thường vụ Đảng ủy phường Cầu Ông Lãnh. Theo ông Phạm Xuân Khánh, để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như bức xúc của người dân, ngoài các buổi tiếp công dân định kỳ tại UBND phường, Đảng ủy phường còn tổ chức các buổi đi cơ sở, uống cà phê rồi trò chuyện với người dân.
“Việc đi cơ sở giúp địa phương mắt thấy, tai nghe những phản ánh của người dân, từ đó hiểu hơn để có phương án tháo gỡ nhanh chóng và phù hợp nhất”, ông Phạm Xuân Khánh chia sẻ.
Từ những buổi tiếp xúc ấy, nhiều câu chuyện được tỏ tường, đã có nhiều sự việc được lãnh đạo phường chỉ đạo giải quyết hiệu quả. Nổi bật là việc phường đã giải tỏa 8 hộ lấn chiếm hẻm trong chợ Cầu Muối.
Lãnh đạo phường Cầu Ông Lãnh (quận 1, TPHCM) trong một buổi đi thực tế tại cơ sở, uống cà phê trò chuyện cùng người dân
Theo ông Phạm Xuân Khánh, khi nâng cấp hẻm, các hộ này không đồng ý di dời, đòi phải đền bù thỏa đáng. Ban Thường vụ Đảng ủy phường Cầu Ông Lãnh nhiều lần xuống tận nơi trò chuyện, giải thích cho các hộ dân. UBND phường cũng tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân. Từ đó, phường nắm được những mong muốn của người dân và thống nhất các đề xuất hợp lý, vận động kinh phí từ mạnh thường quân để hỗ trợ người dân vận chuyển di dời.
Bằng sự quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo phường, 8 hộ đã đồng thuận di dời. Trước đó, bằng công tác tiếp xúc, đối thoại, phường đã hoàn tất việc chấm dứt hoạt động chợ lề đường Cô Giang vốn kéo dài nhiều năm qua mà không có vấn đề nào phát sinh.
Là một trong những địa phương sớm bàn giao mặt bằng cho Dự án tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương, đến nay, UBND phường 14 (quận Bình Tân) đã bàn giao 42/45 hộ (3 hộ còn lại vướng thủ tục pháp lý).
Ông Nguyễn Đức Hiếu, Chủ tịch UBND phường 14 cho biết, để có sự đồng thuận của các hộ dân, một phần nhờ công tác tiếp công dân được phường chú trọng quan tâm, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân.
Tương tự, lãnh đạo UBND phường Tân Thành (quận Tân Phú) cũng linh hoạt trong công tác tiếp công dân. Thay vì cố định lịch tiếp công dân vào một ngày trong tuần theo quy định, lãnh đạo UBND phường Tân Thành sẵn sàng tiếp bất cứ khi nào người dân có nhu cầu. Nhờ vậy, các phản ánh, bức xúc của người dân được giải quyết kịp thời, hiệu quả nên nhiều năm nay UBND phường Tân Thành không tiếp nhận đơn thư tố cáo, khiếu nại nào.
Xây dựng chỉ số hài lòng về tiếp công dân
Tại phường 14 (quận Tân Bình), công tác tiếp công dân được UBND phường chú trọng, quan tâm và tạo được sự đồng thuận của người dân. Dù vậy, ông Nguyễn Đức Hiếu cho rằng quy định tiếp công dân hiện nay chưa linh động. Cụ thể, Luật Tiếp công dân quy định người đứng đầu địa phương, đơn vị phải tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tuần.
Trên cơ sở đó, UBND phường 14 sắp xếp lịch tiếp công dân vào thứ sáu hàng tuần. Tuy nhiên, đôi khi phường phải dời lịch do Chủ tịch UBND phường tham dự các cuộc họp đột xuất hoặc xử lý các vụ việc phát sinh mà không thể ủy quyền cho cấp phó tiếp thay.
“Tiếp công dân để giải quyết những thắc mắc, bức xúc của người dân. Cho nên, việc thay đổi lịch dễ làm người dân càng bức xúc, vì họ cho là lãnh đạo né tránh trách nhiệm”, ông Hiếu phân tích.
Lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường Cầu Ông Lãnh (quận 1) chỉ vị trí từng bị 8 hộ dân lấn chiếm nhiều năm
Qua đó, ông Nguyễn Đức Hiếu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép cấp trưởng ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân trong một số trường hợp cụ thể hoặc giảm thời gian tiếp công dân của người đứng đầu. Nhất là hiện nay, UBND các phường đều linh hoạt, tiếp nhận phản ánh của người dân qua điện thoại hoặc cử lãnh đạo tiếp công dân bất cứ khi người dân yêu cầu.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Trung Châu Tuyên, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1, cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp công dân. Điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng eo hẹp về thời gian tiếp công dân của thủ trưởng các đơn vị.
Lâu nay nhiều địa phương, đơn vị tại TPHCM đang làm tốt công tác tiếp nhận phản ánh của người dân mọi lúc mọi nơi qua mạng Zalo, Viber hay các ứng dụng trực tuyến. Từ đó, nhiều phản ánh của người dân được chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Thạc sĩ Vũ Thế Truyền, nguyên Trưởng khoa Dân vận và Công tác xã hội, Học viện Cán bộ TPHCM bổ sung thêm, để công tác tiếp công dân đạt hiệu quả và ngày càng thực chất, đã đến lúc cần xây dựng và ban hành phương pháp đo lường, xác định chỉ số hài lòng, chỉ số hiệu quả của người dân, tổ chức đối với công tác tiếp công dân. Hàng năm, Ban Tiếp công dân Trung ương và các địa phương đều có báo cáo về số liệu tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, hầu như không nơi nào đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả tiếp xúc cũng như việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đó. Trong khi đó, dù có tiếp xúc, có giải quyết nhưng chỉ làm cho xong việc mà chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân thì vẫn chưa hiệu quả. Từ đây còn có thể phát sinh thêm nhiều vụ khiếu nại, tố cáo khác.
Năm 2020, trên địa bàn TPHCM đã tiếp 30.157 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị (giảm 13.470 lượt, tỷ lệ giảm 30,88% so với cùng kỳ năm 2019) và 36.881 đơn thư (giảm 9.545 đơn, tỷ lệ giảm 20,56% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, 27.850 đơn đủ điều kiện xử lý, hiện đã xử lý 27.237 đơn (đạt tỷ lệ 97,8%), 613 đơn đang tiếp tục xử lý.
|
THU HƯỜNG (theo SGGP)
Bình luận (0)