Giáo viên quen "đọc chép" đến nỗi khi có dự giờ, phải ghi lên bàn dòng chữ "không dạy đọc chép"; tài liệu bồi dưỡng giáo viên thì cẩu thả; nên thay các từ “giảng viên, báo cáo viên” bằng “hướng dẫn viên”.
> Giáo viên muốn đổi mới, nhưng…
> Dự thảo Chiến lược Giáo dục 2008-2020: Nhiều chỉ tiêu duy ý chí
Đây là những ý kiến đưa ra từ hội thảo bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 25/12.
Chưa có hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật dạy học
Cô Đỗ Thị Hồng Hà trình bày cách sử dụng đồ dùng dạy học trong hội thảo. Ảnh: Bảo Anh |
Cả nước có hơn 800 nghìn giáo viên phổ thông, số đông rất lúng túng khi vận dụng PPDH mới. Ông Phạm Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) nhận xét.
Ông Đỗ Cảnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình cho rằng việc đổi mới chỉ được thực hiện ở các tiết dạy có đoàn kiểm tra, dự giờ. Dạy đọc chép như là một thói quen của giáo viên không thể thay đổi được. "Khi dự giờ, có giáo viên phải ghi lên bàn dòng chữ "không dạy đọc chép", ông Cảnh ví dụ.
Từ năm 2002, toàn ngành giáo dục đã thay sách giáo khoa từ lớp 1-12, trong đó xác định trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều hình thức bồi dưỡng giáo viên được triển khai, nhưng hiệu quả đem lại không cao.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đánh giá, công tác bồi dưỡng chồng chéo, thời gian bồi dưỡng chưa đầy 1 tuần, chưa kể sách, thiết bị về muộn.
Theo quan sát của PGS.TS Đỗ Tiến Đạt, Viện Khoa học Giáo dục thì các lớp tập huấn mới chỉ tập trung giới thiệu nội dung của sách, nêu chung chung về định hướng đổi mới phương pháp mà chưa có hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật dạy học.
GS Trần Bá Hoành, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng chương trình bồi dưỡng giáo viên mà áp đặt “từ trên xuống” sẽ không hiệu quả, dù là do chuyên gia có trình độ soạn thảo. Nên thay các từ “giảng viên, báo cáo viên” bằng “hướng dẫn viên” để làm rõ chức năng của người dạy và vai trò chủ thể của người học.
Cho rằng cuốn "Tài liệu bồi dưỡng giáo viên từ lớp 10-12" cẩu thả, ông Đoàn Trần Hiệp, Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Điện Biên dẫn ra ví dụ: các thầy đưa ra 4 mô hình dạy học, nhưng giáo án mẫu lại không theo 4 mô hình này mà đưa theo phương pháp cũ, không phát huy sáng tạo học trò.
Hệ quả là, nhiều giáo viên chưa có chuyển biến đáng kể trong cách dạy, còn nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy cách học, cách tư duy.
Luẩn quẩn giữa đổi mới và tiền
Ông Trần Hiệp băn khoăn, chủ trương đổi mới là ưu việt nhưng các điều kiện không theo kịp, lý luận đi trước thực tiễn thì không thể đảm bảo được yêu cầu. Một trường được trang bị 2 phòng chức năng, 2 máy chiếu, nếu thực hiện chăm chỉ cũng có 20% thực hiện đổi mới được.
Thực tế, 1 tiết dạy cần giấy khổ A0, phiếu học tập, in bài trắc nghiệm…, giáo viên miền núi không thể bỏ tiền để lo nên vẫn hoàn dạy chạy học chay.
Cô Đỗ Thị Hồng Hà, giáo viên Toán Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) thừa nhận: "Chúng tôi muốn đổi mới nhưng lại lúng túng và không biết bắt đầu từ đâu". Tuy nhiên, từ kinh nghiệm bản thân, cô Hà thấy bản thân phải tự quyết tâm đổi mới. Cô mày mò học tin học để sáng tạo ra những bài giảng hình học không gian thu hút HS. Để làm được điều này, cô Hà đã phải tốn khá nhiều tiền bạc, công sức.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hiệu trưởng không ủng hộ, nhà trường không tạo điều kiện thì giáo viên không thể đổi mới PPDH.
"Không đổi mới PPDH, chương trình và SGK mới sẽ thất bại". Bởi vậy, theo ông Cảnh, cái gốc là phải thay đổi từ cách đào tạo giáo viên trong trường sư phạm.
Bảo Anh (Vietnamnet)
Bình luận (0)