Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tại Hội thảo – tọa đàm khoa học với chủ đề Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu CNH,HĐH và hội nhập quốc tế do ĐH Đà Nẵng tổ chức vào ngày 26.12. Ngoài các CB,GV đến từ ĐH Đà Nẵng, hội thảo còn có sự tham dự của đại diện ĐH Huế, Ban Tuyên giáo TW, các Vụ, Cục của Bộ GD&ĐT và đại diện một số doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
PGS-TS Trần Văn Nam, GĐ ĐH Đà Nẵng cho biết: “ĐH Đà Nẵng đang triển khai kế hoạch phát triển đội ngũ với cơ chế, giải pháp năng động đa dạng, vừa mềm dẻo vừa quyết liệt, vừa động viên vừa bắt buộc: Những năm vừa qua, ĐH Đà Nẵng đã cử gần 100 GV đi đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ, trong đó chủ yếu gửi đi đào tạo ở nước ngoài.
Ngoài việc hoàn thiện CSVC, nguồn học liệu, giáo trình, con người cho công tác quản lý hệ thống đào tạo theo tín chỉ…, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng bắt đầu triển khai mạnh mẽ công tác kiểm định chất lượng, đặc biệt là kiểm định ngoài. ĐH Đà Nẵng sẽ củng cố và tăng cường thêm các nhóm TRT tại các trường thành viên khác. Mặt khác, ĐH Đà Nẵng cũng chủ trương thành lập Trung tâm Công nghệ cao ĐH Đà Nẵng, nơi ươm tạo công nghệ, phát triển những công trình nghiên cứu của CB,GV ĐH Đà Nẵng để áp dụng trong thực tiễn.
Các đại biểu tham dự hội thảo nêu nhiều ý kiến cho thấy hiện nay, Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản liên quan đến việc từng bước trao quyền tự chủ cho các cơ sở GD ĐH. Tuy nhiên, các trường cũng phải quen dần với việc tự chủ bởi tự chủ phải đi liền với tự chịu trách nhiệm. Trước mắt, các trường phải xúc tiến thành lập Hội đồng trường vì đây là công cụ không thể thiếu một khi Bộ GD&ĐT tiến hành giao nhiều hơn nữa quyền tự chủ cho các cơ sở GD. Hội đồng trường là thiết chế quan trọng không thể thiếu, thay mặt Bộ giám sát các hoạt động của nhà trường trong quá trình thực hiện quyền tự chủ. Lúc đó, các cơ sở GD ĐH phải đổi mới về cơ cấu tổ chức bởi có thể Chủ tịch Hội đồng trường không nhất thiết là Hiệu trưởng hoặc GĐ ĐH. Vấn đề kiểm soát chất lượng GD phải được các cơ sở GD ĐH thực hiện một cách nghiêm ngặt và liên tục. Về các chương trình tiên tiến, ngoài hướng phát triển theo quan điểm Chất lượng cao – học phí cao, các trường, dựa vào khả năng của mình, có thể tính đến việc triển khai chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao với mức học phí được tài trợ để thu hút SV giỏi, đào tạo mũi nhọn về nhân lực cho xã hội. Đây cũng là một cách hình thành động lực học tập cho SV và để nhà trường đi sâu vào hướng đổi mới cơ bản và toàn diện. Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý với ĐH Đà Nẵng và các ĐH khác rằng tuyển dụng và đào tạo CB, GV cũng là một thông số để đảm bảo chất lượng và căn cứ để xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh. Do vậy, ĐH Đà Nẵng, với định hướng trở thành ĐH nghiên cứu, cần cân nhắc những ngành nào là thế mạnh thì nên ưu tiên để tập trung chỉ tiêu cho đào tạo sau ĐH.
Phát biểu cuối hội thảo Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng muốn đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT trong đó có GD ĐH thì trước hết cần phải đổi mới tư duy ở cán bộ quản lý và giáo viên. Đó có thể là tư duy về mục tiêu GD, mối quan hệ giữa nhà trường – doanh nghiệp, tư duy quản lý, nghiên cứu khoa học.v.v…
Theo Hà Ánh Ngọc
(GD&TĐ)
Bình luận (0)