Tòa soạnThư đi – tin lại

Đổi mới GDNN sẽ “cứu” trường nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết thực hành của sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng

Năm 2015, các trường TC, CĐ có nhiều đổi mới khi sáp nhập thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ GD-ĐT lại “cởi trói” cho việc liên thông qua việc sửa đổi, bổ sung thông tư 55. Như vậy, mùa tuyển sinh năm nay các trường nghề khởi sắc hơn những năm gần đây?
Hiu hắt liên thông
Từ năm 2013 trở về trước, khi học sinh – sinh viên học liên thông chưa bị trói buộc bởi thông tư 55 như phải đợi đến 36 tháng mới được liên thông hay phải thi CĐ, ĐH theo hình thức 3 chung như học sinh tốt nghiệp THPT thì các trường ĐH, CĐ hay TC có liên kết đào tạo liên thông vẫn tuyển được đông đảo thí sinh liên thông. Tuy nhiên, 2 năm gần đây việc tuyển sinh liên thông gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có trường buộc phải “đóng cửa” liên thông vì một trong những lý do này.
Ông Thái Kim Trọng, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường TC Nghề Nhân Đạo cho biết: “Năm 2013 chúng tôi chỉ mở được 2 lớp liên thông lên CĐ, năm 2014 chỉ mở được 1 lớp. Trong khi đó, những năm về trước khi chưa có thông tư 55, trường thường tuyển được 3 lớp trở lên (mỗi lớp khoảng 20-25 học sinh”. Được biết, Trường TC Nghề Nhân Đạo hiện liên kết với Trường CĐ Nghề iSpace và một trường CĐ nghề khác ở Long An để đào tạo cho học sinh tốt nghiệp TC muốn học lên CĐ.
Trường TC Nghề Việt Giao trước đây có liên kết các trường ĐH, CĐ đào tạo liên thông nhưng từ năm 2012 trở lại đây đã ngưng tuyển sinh hệ liên thông. “Ngoài lý do về việc trường bổ nhiệm, thay đổi cơ cấu nhân sự, việc khó tuyển hệ liên thông trong những năm gần đây cũng khiến trường buộc phải dừng đào tạo hệ này”, ông Bùi Cao Trưởng, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường chia sẻ.
Bậc CĐ liên thông lên ĐH cũng nằm trong diện khó khăn này. Ông Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn cho hay: “Trường không đào tạo liên thông nhưng sau khi tốt nghiệp, một số sinh viên của trường học tiếp liên thông ở các trường ĐH khác. Tuy nhiên, 2 năm gần đây số lượng này giảm hẳn. Ngoài lý do là những “trói buộc” trong quy chế liên thông của thông tư 55 trước thì sinh viên ngành này chủ yếu thiên về thực hành nên cũng ít học lên cao”.
Ngay khi Bộ GD-ĐT “cởi trói” liên thông, ban giám hiệu trường nghề hết sức phấn khởi vì hi vọng mùa tuyển sinh này có thể tuyển được đông hơn không chỉ là thí sinh thi liên thông mà còn cả thí sinh nộp hồ sơ vào học TC, CĐ nghề. Bà Nguyễn Thị Thảo Loan (Phó hiệu trưởng Trường TC Nghề Lê Thị Riêng) chia sẻ: “Hiện trường có liên kết với một số trường CĐ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận để đào tạo liên thông lên CĐ. Nhưng 2 năm gần đây số thí sinh đăng ký thi liên thông giảm hẳn do quy định khắt khe về quy chế liên thông. Khi có những thay đổi trong quy chế liên thông, chúng tôi hi vọng nguồn tuyển sẽ đông hơn. Hơn nữa, số thí sinh nộp hồ sơ vào trường cũng có thể tăng lên vì các em không còn tâm lý lo ngại nếu muốn học liên thông”.
“Lấy ngắn nuôi dài”
Bên cạnh việc tháo gỡ “rào cản” liên thông, việc sáp nhập trường TC nghề, CĐ nghề với TCCN, CĐ thành một hệ thống được đại diện các trường nghề cho rằng là tín hiệu tốt để thu hút học sinh, sinh viên.
Phó hiệu trưởng một trường CĐ nghề tại TP.HCM phấn khởi: “Khi không còn gọi là TC nghề, CĐ nghề, TCCN, CĐ mà gọi chung là các trường CĐ, TC thì sẽ không còn có sự phân biệt trong tâm lý phụ huynh và học sinh về trường nghề và trường chuyên nghiệp”.
Sự đổi mới này sẽ kéo theo cả sự thay đổi về khung chương trình đào tạo, điều này khiến nhiều ban giám hiệu vui mừng. Ông Bùi Cao Trưởng cho biết: Chương trình đào tạo hệ TCCN và TC nghề trước khác nhau, TC nghề chú trọng phần thực hành khoảng 70%, TCCN khoảng 30%. Khi sáp nhập thành một hệ thống, các trường sẽ đào tạo theo chương trình khung giống nhau. Đồng thời, Luật GDNN cho phép các trường tự chủ trong chương trình đào tạo nên các trường có thể tự sắp xếp thời gian hợp lý cho học sinh, sinh viên học tập”.
Những thay đổi mới mẻ này phần lớn có lợi cho trường nghề nhưng theo đại diện nhiều nhà quản lý, trường nghề duy trì hoạt động được phần lớn là nhờ vào đào tạo ngắn hạn. Ông Thái Kim Trọng, Phó phòng Đào tạo Trường TC Nghề Nhân Đạo chia sẻ: “Những năm gần đây, trường đào tạo liên thông hay CĐ chỉ khoảng 350 học sinh – sinh viên/năm. Tuy nhiên, đào tạo ngắn hạn (sơ cấp nghề) có hơn 1.500 người học/năm. Vì thế, trường vẫn hoạt động tốt là nhờ vào nguồn tuyển này”.
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Thảo Loan, Phó hiệu trưởng Trường TC Nghề Lê Thị Riêng, nói: “Ưu thế của nhà trường nói riêng và các trường TC nghề nói chung là đào tạo sơ cấp. Hiện trường liên tục kết nối doanh nghiệp ở các địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… để đào tạo hàng ngàn lao động theo các lớp ngắn hạn từ 3-6 tháng, đặc biệt là bảo mẫu. Còn nếu chỉ trông chờ vào đào tạo TC thì trường rất khó để duy trì hoạt động”.
Bài, ảnh: DƯƠNG BÌNH

Bình luận (0)