Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới giảng dạy ở đại học: Tít mù lại vòng quanh

Tạp Chí Giáo Dục

Sau nhiều năm phát động phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm, cách thức giảng dạy ở bậc đại học (ĐH) – cao đẳng (CĐ) vẫn không thoát khỏi tình trạng đọc – chép. Đến đây lại có nhà quản lý giáo dục đề xuất quay lại với phương pháp lấy người dạy làm trung tâm.

Ảnh minh họa.
Đề xuất trên được đưa ra tại hội thảo "Sử dụng các phương pháp giảng dạy hiệu quả tại các trường ĐH-CĐ Việt Nam" do ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 3- 12. ThS Lê Hoàng Giang, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Giáo dục phân tích: Người dạy là nhân vật trung tâm bởi xét về trình độ chuyên môn, giảng viên là nhà khoa học có khả năng thiết kế kế hoạch dạy học; về phương pháp giảng dạy, giảng viên là nhà nghiên cứu và thực hiện nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học tiên tiến.
ThS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Học viện Quản lý Giáo dục cũng cho rằng, vị trí của giảng viên trong thời đại thông tin hiện nay không hề giảm, thậm chí tăng lên. Trong từng lĩnh vực, từng môn học có rất nhiều nội dung để dạy, giảng viên phải biết chọn những nội dung dạy giúp người học rèn luyện năng lực tư duy cao cấp, được học cách học tốt nhất.
Theo TSKH Phạm Đức Chính, ĐH Kinh tế Luật, ĐHQG TPHCM, khác với bậc phổ thông, ở bậc ĐH khác có nhiều phương pháp truyền thụ kiến thức. Tuy nhiên, vì đặc thù đa dạng của các ngành học nên không có một phương pháp nào chuẩn nhất, phù hợp với tất cả các loại ngành, khóa và môn học.
Các trường ĐH ở các nước tiên tiến đang áp dụng ba phương thức truyền thụ tri thức cơ bản: truyền thụ một chiều từ người dạy sang người học; nội hóa tri thức; phương pháp giải quyết vấn đề thông qua tình huống, tức là tương tác trực tiếp giữa người học và người dạy để giải quyết vấn đề.
Một trong những phương pháp được các trường đặc biệt chú ý là phương pháp làm việc nhóm hay dạy học theo hướng cộng tác. ThS. Nguyễn Thị Trang Thanh, ĐH Vinh cho biết, trong đào tạo theo hệ tín chỉ, thời gian dành cho học tập trên lớp của sinh viên giảm đi. SV học trên lớp 50%, thời gian còn lại dành cho các hoạt động: làm việc nhóm, thực hành, đọc tài liệu, hoàn thành các bài tập lớn, bài thu hoạch…
Vì thế ở trên lớp, giảng viên phải chọn lọc kiến thức trọng tâm, nổi bật, biết tổ chức, hướng dẫn sinh viên phương pháp tự học, tự nghiên cứu và tiếp cận tri thức, đồng thời giải đáp những vấn đề mà sinh viên đặt ra.
Theo ThS Huỳnh Xuân Nhựt, Viện Nghiên cứu Giáo dục, dạy học theo hướng cộng tác đòi hỏi người học tự chủ, độc lập và biết phối hợp với bạn bè, giảng viên để thực hiện những công việc, nhiệm vụ được giao. Người học cũng sẽ tìm thấy được ý nghĩa của bài học trong các hoạt động của mình và biết cách làm gì để lĩnh hội được kiến thức cả trong nhà trường và ngoài xã hội.
Quang Phương / TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)