Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành giáo dục và đào tạo đặt ra mục tiêu đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục. Việc đổi mới này được bắt đầu từ giáo viên với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa cao. Trước thềm năm học mới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này…
PV: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục và đào tạo lựa chọn trong năm học mới 2011-2012 là tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Tại sao có sự lựa chọn này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (TT NVH): Trước hết, chúng ta đang tiến hành học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi cá nhân, tổ chức. Đặc biệt là trong ngành giáo dục thì việc giáo dục đạo đức càng phải được nêu cao.
Thứ hai, ngành giáo dục và đào tạo đang thực hiện đổi mới giáo dục nói chung, trong đó yêu cầu giáo viên đổi mới phương pháp dạy học. Do đó, các thầy, cô giáo phải tự học rất nhiều.
Trước đây, giáo viên vẫn quen dạy theo phương pháp truyền thụ, một chiều. Bây giờ họ phải thực hiện nhiệm vụ khơi dậy, tổ chức các hoạt động học tập để các em tự chiếm lĩnh kiến thức. Cái này rất khó. Mấy năm vừa rồi ta cũng quyết tâm làm, nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Muốn đạt được hiệu quả cao hơn thì giáo viên không có cách nào khác là phải tự học, vận dụng và rút kinh nghiệm.
Yêu cầu mới về vận dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy cũng bắt buộc giáo viên phải tự học. Thí dụ như phải học ngoại ngữ, tin học để vừa ứng dụng trong quá trình giảng dạy, lại vừa dạy cho học sinh.
Mặt khác, ta đang xây dựng xã hội học tập, ai cũng phải học tập suốt đời. Kiến thức trong trường có giới hạn, trong khi tri thức nhân loại liên tục phát triển, nếu không học tập thì sẽ trở thành lạc hậu. Vậy nên giáo viên phải tự học để hướng dẫn học sinh tự học.
Thứ ba, nếu giáo viên không biết sáng tạo thì không thể dạy cho học sinh sáng tạo. Ngay việc vận dụng phương pháp dạy học mới cũng đòi hỏi giáo viên phải biết sáng tạo cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và từng đối tượng học sinh, không phải chỉ cứng nhắc áp dụng theo lý luận.
Bên cạnh đó, đồ dùng dạy học không bao giờ là đủ. Do vậy, đòi hỏi giáo viên phải biết sáng tạo hoặc cải tiến đồ dùng, thiết bị dạy học và sử dụng chúng một cách có hiệu quả nhất.
PV:Thời gian qua, mặc dù chúng ta kỳ vọng giáo viên sẽ thay đổi phương pháp dạy để đạt hiệu quả cao hơn, nhưng thực tế thì không như mong muốn. Vướng mắc do đâu, thưa Thứ trưởng?
TT NVH: Vướng mắc nhất là thói quen thầy giáo truyền đạt một chiều do ảnh hưởng của Nho giáo. Không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều nước phương Đông khác cũng thế. Thói quen truyền đạt một chiều thậm chí vẫn tồn tại trong các trường sư phạm, nơi đào tạo ra giáo viên. Vậy nên đổi mới phải là việc lâu dài, không phải là chuyện một sớm một chiều. Bây giờ phải kết hợp đồng bộ giữa việc huấn luyện lại, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên đang dạy trong các nhà trường. Cùng với đó, phải đổi mới cả quá trình đào tạo sư phạm. Mặt khác cũng phải quan tâm đến đội ngũ quản lý, đội ngũ thanh tra chuyên môn. Những bộ phận này mà không đổi mới, không khuyến khích được giáo viên đổi mới thì sẽ gây cản trở những yếu tố mới. “Vạn sự khởi đầu nan”, khi thấy giáo viên áp dụng phương pháp mới mà chưa mang lại hiệu quả cao thì phải biết giúp đỡ để giáo viên tiếp tục làm theo hướng ấy. Tuyệt đối tránh vì thế mà vùi dập sáng kiến của giáo viên.
Muốn đổi mới phương pháp dạy học thì cần phải có thời gian nhiều hơn cho một khối lượng kiến thức nhỏ. Thời gian học trên lớp của học sinh ta là nửa ngày, trong khi ở các nước có nền giáo dục tiên tiến thì thời gian đó là cả ngày. Bên cạnh đó, điều kiện về thiết bị của chúng ta cũng còn nhiều khó khăn.
Đó là những trở ngại chính khiến việc đổi mới phương pháp dạy học chưa đạt như mong muốn.
PV: Việc đổi mới phương pháp dạy học có vẻ gặp khó khăn đối với các môn xã hội, thưa Thứ trưởng?
TT NVH: Để đổi mới phương pháp dạy học các môn xã hội thì giáo viên phải có trình độ vận dụng, sáng tạo cao. Chẳng hạn, trong môn Lịch sử, giáo viên có thể bắt đầu từ sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi được báo chí nhắc đến nhiều, trong đó có những đánh giá về chiến thắng Điện Biên Phủ, sau đó liên hệ với bài học trong sách giáo khoa thì bài học sẽ sinh động hơn. Hoặc như trong môn Địa lý, giáo viên có thể gắn với những danh lam thắng cảnh, di tích của địa phương, kết hợp ngoại khóa với nội khóa để gây hứng thú cho học sinh. Hay trước khi đưa học sinh đi bảo tàng thì giáo viên phải biết gợi mở, hướng dẫn học sinh ghi chép, chụp hình để về làm bài tập nhỏ, tổ chức thành những cuộc triển lãm kết quả của chính các em. Hoặc hướng dẫn học sinh vào thư viện, lên internet để tìm tư liệu theo đề tài được phân công, sau đó lên lớp thảo luận… Có nhiều cách để đổi mới phương pháp dạy những môn này.
PV: Thứ trưởng có nói rằng yêu cầu giáo viên phải tăng cường tính sáng tạo và tự học đã được đưa ra từ cách đây vài năm nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Vậy, trong năm học mới, Bộ sẽ có những giải pháp như thế nào cho vấn đề này?
TT NVH: Để giải quyết vấn đề, vừa rồi Nhà nước đã có một số đổi mới về chế độ, chính sách để giáo viên yên tâm hơn với nghề. Bộ cũng tạo ra nhiều phong trào thi đua, những cuộc vận động để khuấy động giáo viên tham gia, trong đó có tổ chức các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Ví dụ thi giáo viên dạy giỏi cũng phải có những nội dung cụ thể hơn để yêu cầu giáo viên cao hơn, hay tạo ra thang bậc chuẩn giáo viên đánh giá theo từng năm làm căn cứ đề bạt hoặc tăng lương.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Trường Giang – Minh Thắng (thực hiện)
Theo QĐND

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)