Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đổi mới giáo dục cần có xã hội hóa chung tay

Tạp Chí Giáo Dục

Không dám vận động tài trợ giáo dục, không dám xã hội hóa giáo dục là câu chuyện không hiếm ở nhiều trường học hiện nay. Không phải vì kế hoạch vận động tài trợ giáo dục khó thực hiện mà bởi vì nhiều trường e ngại, lo sợ về việc có thể bị… phụ huynh phản ánh, gọi tên trên mạng xã hội bất cứ khi nào dù nhà trường làm đúng.

Giờ học “số hóa” của học sinh lớp 6 Trường THCS Chu Văn An (Q.11) trong năm học này

Xã hội hóa giáo dục – cụm từ không mới, đặc biệt là trong lộ trình đổi mới giáo dục – nhưng bao năm qua thực hiện xã hội hóa giáo dục vẫn là bài toán khó với mỗi nhà trường. Điều đáng nói rào cản lại không đến từ các thông tư, nghị định…

Hiệu trưởng bỏ tiền cá nhân… làm sân cỏ nhân tạo

Năm học trước, một trường THPT tại TP.HCM đã gây tiếng vang khi “chơi lớn” trang bị sân cỏ nhân tạo để phục vụ học sinh nhà trường trong các hoạt động rèn luyện thể thao. Đáng chú ý, toàn bộ kinh phí để trang bị sân cỏ này do hiệu trưởng nhà trường tự bỏ tiền cá nhân ra thực hiện.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi tại sao nhà trường không thực hiện vận động tài trợ giáo dục theo Thông tư 16/2018 của Bộ GD-ĐT để phụ huynh cùng chung tay với nhà trường trang bị cơ sở vật chất, nâng cao môi trường giáo dục, phục vụ nhu cầu chính đáng của các em học sinh, hiệu trưởng nhà trường thở dài đầy tâm tư, cho biết: Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT cho phép nhà trường được xây dựng kế hoạch vận động tài trợ giáo dục cho các hạng mục phục vụ chính cho học sinh nhà trường, thế nhưng nhà trường “rất sợ” vận động từ phụ huynh. “Tinh thần vận động tài trợ giáo dục đều là tự nguyện, không bắt buộc. Song, nếu phụ huynh không chia sẻ, không thấu hiểu, không đồng hành thì sẵn sàng gán mác lạm thu cho nhà trường và sẵn sàng “đấu tố” trường trên mạng xã hội không thương tiếc. Lúc đó, dù nhà trường làm đúng cũng thành ra làm sai, thậm chí là phải làm báo cáo, làm giải trình, rất mệt mỏi không còn thời gian lo cho các hoạt động chuyên môn khác. Vì vậy, cái gì bỏ tiền túi ra được thì hiệu trưởng bỏ ra, có khi âm thầm vận động thêm từ bạn bè, chung quy lại cũng vì lợi ích tốt nhất cho các em học sinh”, hiệu trưởng này bày tỏ.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn Q.7 lại chia sẻ câu chuyện thực tế của trường, khi thực hiện đổi mới giáo dục gắn với chuyển đổi số, tối thiểu mỗi lớp học cần phải có ti vi hoặc máy chiếu kết nối với internet, hỗ trợ giáo viên đổi mới giờ học và hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, việc trang bị ti vi thông minh hoặc bảng tương tác cho toàn bộ các khối lớp trong trường là rất khó trong bối cảnh hiện nay. “Trong Thông tư 16/2018 của Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho cơ sở giáo dục đã có hướng dẫn rất rõ ràng về vận động tài trợ giáo dục. Thế nhưng, nếu nhà trường huy động nguồn lực xã hội hóa từ phía phụ huynh thông qua tài trợ giáo dục để trang bị ti vi, máy chiếu thì rất khó thực hiện, bởi e ngại từ phản ứng của phụ huynh. Dù tinh thần tự nguyện, không cào bằng, thế nhưng, chỉ cần một phụ huynh không chia sẻ thì cho rằng nhà trường đang lạm thu, phản ánh lên mạng xã hội là rất mệt mỏi”, hiệu trưởng trường này chia sẻ.

Do đó, cách thức được trường tiểu học này triển khai đó là nhà trường trang bị cuốn chiếu từng năm, hiệu trưởng vận động từ các mạnh thường quân ngoài nhà trường. Đến nay, nhà trường đã trang bị đầy đủ ti vi cho các lớp học mà không huy động nguồn lực từ phía phụ huynh.

Đổi mới giáo dục rất cần xã hội hóa

Mỗi năm, TP.HCM dành từ 20-25% ngân sách đầu tư cho GD-ĐT. Một con số quá lớn và kinh phí này đa phần để trang bị thêm về cơ sở vật chất, xây dựng mới trường, lớp; mua trang thiết bị dạy học tối thiểu; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, với đặc thù của một đô thị lớn khi tốc độ đô thị hóa nhanh, dân nhập cư đông đã kéo theo đó là số học sinh của TP.HCM không ngừng biến động qua từng năm. Trung bình mỗi năm thành phố tăng thêm 25.000 học sinh, điều này khiến những đầu tư về cơ sở vật chất, phòng ốc không theo kịp. Ở nhiều địa phương, sĩ số học sinh/lớp còn cao, số lớp/trường còn lớn… Nói như vậy để thấy rằng, dù thành phố chi ngân sách hàng năm rất lớn cho giáo dục, nhưng đặt trong bối cảnh phát triển chung của thành phố nói chung và ngành giáo dục nói riêng thì vẫn cần thêm sự chung tay, hỗ trợ đồng hành từ nguồn lực xã hội hóa từ phía phụ huynh, xã hội để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đáp ứng những yêu cầu mới. Thực tế cho thấy, khi có nguồn lực từ phụ huynh cùng chung tay không chỉ thay “áo mới” cho nhà trường mà trước tiên mang đến môi trường giáo dục tốt nhất cho chính các em học sinh được thụ hưởng.

Năm học này, Trường THCS Chu Văn An (Q.11) đưa vào sử dụng 3 lớp học thông minh ở khối 6. Điều đặc biệt, công trình này đến từ sự ủng hộ, chung tay của phụ huynh học sinh mỗi lớp, đã mang đến một diện mạo mới cho nhà trường khi thực hiện đổi mới giáo dục. Các tiết dạy trên lớp, giáo viên của trường được chủ động thiết kế với sự góp mặt của công nghệ, khiến giờ học trở nên sinh động, thu hút học sinh. Riêng học sinh, ngoài chủ động tìm hiểu kiến thức, các em còn được trang bị thêm kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin phục vụ cho việc học một cách hiệu quả.

Năm rồi, cũng từ sự ủng hộ của phụ huynh, nhà trường đã trang bị được công trình là các phòng tin học, phục vụ cho học sinh học tin học và đẩy mạnh giảng dạy tin học quốc tế. Cô Nguyễn Thị Tuyết Nga (Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An) đánh giá, các công trình đã góp phần đáng kể trong thay đổi diện mạo của nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường giáo dục đầy hứng khởi cho học sinh và giáo viên mỗi ngày đến trường. “Để thực hiện thành công đổi mới giáo dục, nếu chỉ từ phía giáo viên nỗ lực thôi là chưa đủ mà còn cần hơn nữa sự đồng hành, chia sẻ, thấu hiểu của phụ huynh. Chính sự thấu hiểu, chia sẻ của phụ huynh sẽ cùng với nhà trường tạo ra môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh, hướng tới đáp ứng được mục tiêu của đổi mới giáo dục”, cô Nga khẳng định.

Điều quan trọng, theo cô Nga, khi thực hiện xã hội hóa giáo dục, nhà trường phải đánh giá đúng thực tế, xác định đúng nhu cầu của học sinh, phù hợp với đặc thù đối tượng học sinh nhà trường và yêu cầu của giáo dục, chứ không phải vận động tùy tiện, tràn lan.

Theo ông Trần Khắc Huy (Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM), các hoạt động muốn làm cho nhà trường thì hiệu trưởng cần áp dụng theo Thông tư 16 vận động tài trợ, có sự bàn bạc, trao đổi, thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Việc vận động chỉ để phục vụ sửa chữa nhỏ và các hoạt động giáo dục thiết thực cho học sinh. Kế hoạch vận động phải được Sở GD-ĐT phê duyệt trước khi nhà trường tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt, khi xây dựng kế hoạch vận động thì nhà trường phải có mục tiêu rõ ràng, không xây dựng kế hoạch vận động tràn lan.

Ông Huy lưu ý các trường tuyệt đối không lợi dụng điều lệ trong Thông tư 55 để vận động tài trợ. Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động kinh phí là để có kinh phí hoạt động phục vụ chính học sinh chứ không phải có kinh phí hoạt động cho trường. Nhà trường không dùng ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động thu.

Bài, ảnh: Thành Nam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)