Các học sinh Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức trong giờ thực hành. Ảnh: V.M |
Sáng 3-12, Sở GD-ĐT và Báo Giáo Dục TP.HCM đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm: “Đổi mới & Phát triển giáo dục chuyên nghiệp TP.HCM”. Tại buổi tọa đàm nhiều đại biểu cho rằng hiện nay ngành TCCN đang còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chương trình đào tạo; chưa gắn kết được giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp… Điều này làm ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo và việc phân luồng ở bậc phổ thông.
Nhiều bất cập trong đào tạo
TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nêu vấn đề: “Hiện nay, TP.HCM có 41 cơ sở đào tạo hệ TCCN, chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm khoảng 40.000. Các trường được phân bố đều ở các khu vực trên địa bàn TP.HCM, điều đó đã giải quyết được bài toán học nghề của học sinh trên địa bàn và ở khu vực lân cận. Tuy vậy, vấn đề đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần phải được đổi mới và phát triển theo sự phát triển của xã hội. Vậy làm cách nào để đổi mới, đổi mới cái gì để hạn chế yếu kém? Ngành GD-ĐT thành phố phải duy trì sự tiên phong trong đổi mới giáo dục, đồng thời thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp”.
Vấn đề của Giám đốc Sở GD-ĐT nêu ra đã nhận được sự đồng tình của nhiều cán bộ quản lý giáo dục. Thầy Đỗ Văn Hùng, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng cho rằng: “Hiện nay ngành TCCN còn bất ổn về nhiều mặt như: đầu vào chủ yếu là các em có học lực trung bình và yếu ở bậc THCS, THPT; đặc biệt là hệ “THCS + 3,5” các em vừa học nghề vừa học văn hóa trong khoảng thời gian chỉ có 3,5 năm thì rất “căng”. Hiệu suất đào tạo rất thấp (dưới 40%), cụ thể trường được giao chỉ tiêu đào tạo khoảng 1.000, nhưng người theo học ra trường chỉ 400 em, các em học sinh nghỉ học giữa chừng vì nhiều lý do khác nhau”. Cùng quan điểm với thầy Hùng PGS.TS Bùi Ngọc Oánh, Hiệu trưởng Trường TC KT-KT Tây Nam Á cho rằng, những trường công lập được thành lập lâu năm và cơ sở vật chất tốt nhưng vẫn khó tuyển học sinh thì những trường tư thục cơ sở phải… thuê, thầy thì… mượn chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Mặt khác, mục tiêu đào tạo của các trường chưa rõ ràng; phần lý thuyết và thực hành chưa phù hợp. Chạy theo chương trình đào tạo mà quên kỹ năng của người học. Kết quả là sản phẩm “ra lò” bị nhiều doanh nghiệp chê vì không đáp ứng được công việc. Kéo theo đó là việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. PGS.TS Bùi Ngọc Oánh lấy ví dụ, khoảng 8 năm trước nguồn tuyển vào học trung cấp dồi dào, các trường chọn mười lấy một, nhưng nay việc tuyển sinh khó khăn, các trường phải nâng niu từng em học sinh một.
Thầy Nguyễn Đình Minh, Phó hiệu trưởng Trường TC KT- KT NV Nam Sài Gòn thẳng thắn: “Hiện nay nhà trường đào tạo chưa theo kịp với phát triển của doanh nghiệp. Các trường đua nhau thành lập, mở các ngành để thu hút càng nhiều học sinh càng tốt, trong khi đó sản phẩm đào tạo ra thì phó mặc cho học sinh tự bơi tìm kiếm việc làm”. Thầy Minh nhấn mạnh, ngành công nghệ cao cần đòi hỏi máy móc và kỹ năng, thời gian thực hành nhiều nhưng điều đó lại chưa được nhiều trường chú trọng. Không ít nơi mở ngành nhưng máy móc cũ kỹ trong khi đó máy móc ở các doanh nghiệp nhập về thì hiện đại hơn rất nhiều so với trường. Điều này tạo nên sự khập khiễng ngay trong khi đào tạo. “Nhiều người bảo trường không đưa học sinh vào các doanh nghiệp thực tập và trường không liên kết với doanh nghiệp để đào tạo. Nhưng chúng tôi đi gõ cửa doanh nghiệp thì đều bị từ chối, vì doanh nghiệp cho rằng sợ bị lộ công nghệ…” – ông Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường TC KT-KT NV Nguyễn Hữu Cảnh tâm tư.
Giải pháp nào?
Học sinh Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng đang thực hành |
Vấn đề đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục chuyên nghiệp từ lâu đã được các trường TCCN rất chú trọng. Tuy nhiên theo ông Đỗ Hữu Khoa, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Công nghệ Thông tin TP.HCM thì đối với các trường tư thục vấn đề phát triển gặp rất nhiều khó khăn. Về quỹ đất mua để xây dựng trường hiện nay cực kỳ nan giải; còn về đội ngũ giáo viên thì không thích làm việc ở các trường tư vì với tâm lý “ngoài biên chế”. Nhiều giáo viên bỏ trường tư thục đến các trường công lập dạy học, rồi một thời gian quay về làm thỉnh giảng, vấn đề này rất phổ biến hiện nay. Ông Khoa kiến nghị để đổi mới giáo dục chuyên nghiệp phải có sự phối hợp đồng bộ, từ các trường, Sở GD-ĐT, UBND quận (huyện) và TP thì mới làm tốt được. Tuy nhiên dưới góc độ nhà trường, chúng tôi vẫn không ngừng đổi mới, xem trường học là nhà nên đã đầu tư cơ sở, trang thiết bị tốt nhất để đáp ứng sự phát triển.
Thầy Nguyễn Thanh Ký, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM chia sẻ: “Mỗi trường phải có sự vận động riêng theo “quỹ đạo” chung của Bộ GD-ĐT. Các trường không thể đứng chờ cơ chế, mà phải phát triển, tìm hướng đi của từng ngành, từng khoa của trường mình”. Trường CĐ Kinh tế TP.HCM đi lên từ trường TCCN nhưng hiện nay đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường chiếm đến 43% có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Phải giải bài toán chất lượng giáo dục từ đội ngũ nguồn nhân lực tại trường. Tôi vẫn khẳng định rằng có thầy giỏi, tâm huyết với nghề mới có thể đào tạo nên học sinh, sinh viên giỏi.
Th.S Tạ Văn Doanh, Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM chia sẻ: “Liên kết giữa trường và doanh nghiệp là vấn đề cốt lõi để đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp hiện nay. Các đơn vị nên tham khảo ý kiến doanh nghiệp về mục tiêu chương trình đào tạo và đánh giá học sinh, sinh viên theo góc nhìn doanh nghiệp; đồng thời mời các doanh nghiệp tham gia hướng dẫn thực hành, tham quan thực tế. Song song đó phải trang bị kiến thức nền và kỹ năng mềm để khi ra trường học sinh, sinh viên có thể thích ứng nhanh với yêu cầu thực tế và sự thay đổi của doanh nghiệp”.
TS. Huỳnh Công Minh tổng kết: “Các ý kiến nêu ra trong buổi tọa đàm làm nổi lên bức tranh toàn cảnh về thực trạng đào tạo trung cấp chuyên nghiệp hiện nay. Các ý kiến cũng đã hé mở nhiều biện pháp tháo gỡ năng động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trung cấp phù hợp nhu cầu xã hội. Các vấn đề sẽ còn tiếp tục nghiên cứu, tìm câu trả lời thích hợp. Sắp tới Sở GD-ĐT phối hợp với Báo Giáo Dục TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức một số buổi tọa đàm để tiến tới một cuộc hội thảo tầm quốc gia vào ngày 22-1- 2010”.
Văn Mạnh
Kế hoạch nhằm đổi mới & phát triển giáo dục chuyên nghiệp của Sở GD-ĐT TP.HCM: Ngày 10-12 tọa đàm “Đổi mới & Phát triển GDCN” đối tượng là trưởng phó khoa, giáo viên trực tiếp giảng dạy tại các trường TCCN;
Ngày 19 và 20-12 Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp với Báo Lao Động, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức và Trung tâm việc làm Thanh niên tổ chức “Ngày hội việc làm – hướng nghiệp”, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên, tổ chức tọa đàm “Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp” và ký kết đào tạo giữa trường và doanh nghiệp; tư vấn hướng nghiệp, phân luồng đào tạo cho học sinh phổ thông trên địa bàn quận 9, quận 2 và quận Thủ Đức. Tổ chức lấy ý kiến học sinh về vấn đề học TCCN.
22-1-2010 Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học – thực tiễn “Đổi mới & phát triển giáo dục chuyên nghiệp tại TP.HCM”, hội thảo có quy mô lớn tầm quốc gia.
|
Bình luận (0)