Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đổi mới giáo dục ĐH: Đáng quan tâm và lo lắng

Tạp Chí Giáo Dục

Giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng hướng dẫn SV trong giờ học
Giáo dục (GD) nước ta được đánh giá chưa thành công trong sự nghiệp đổi mới, trong đó sự yếu kém của GDĐH là đáng quan tâm và lo lắng nhất vì khâu này quyết định chất lượng nguồn nhân lực. GS. Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) nhận định như trên tại hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH ở Việt Nam” do Trường ĐH Sài Gòn tổ chức ngày 7-1.
Chất lượng chưa đáng tin
GS. Nguyễn Minh Thuyết dẫn chứng, cho đến nay, chất lượng GDĐH mới chỉ được đánh giá thông qua điểm số của SV tại các kỳ thi. Trong khi đó, rất khó để tin tưởng kết quả thi khi người dạy vừa ra đề vừa chấm, nội dung thì lặp lại những điều đã dạy. Tỷ lệ SV tốt nghiệp và tốt nghiệp loại giỏi tại các trường thường quá cao. Còn phổ biến tình trạng dễ dãi, nể nang, thiếu thẳng thắn và khách quan trong đánh giá luận văn, luận án tốt nghiệp trong đào tạo sau ĐH. Tình trạng chạy điểm, học hộ, thi hộ, sao chép luận văn… ít được phát hiện và xử lý nghiêm. “Chỉ có thể đánh giá chất lượng đào tạo qua khả năng hòa nhập của nhân lực vào thị trường lao động. Đáng tiếc là đến nay, vẫn chưa có những khảo sát quy mô về vấn đề này”, ông Thuyết nói.
Về năng lực sáng tạo của các cơ sở GDĐH, số lượng sáng chế, phát minh có giá trị cũng như số lượng công bố quốc tế còn ít. Trong khi đó, đối với bất kỳ quốc gia nào, ĐH cũng là nơi đào tạo các nhà khoa học và góp phần lớn phát minh, sáng chế. Số lượng ít ỏi phát minh, sáng chế được đăng ký của nước ta cho thấy sự hạn chế năng lực sáng tạo của các cơ sở GDĐH và nhân lực mà hệ thống ấy đào tạo ra.
Quy mô đào tạo tăng quá nhanh, không tương xứng với điều kiện đảm bảo chất lượng; phương thức GD không phù hợp; ngân sách chưa đảm bảo yêu cầu tối thiểu của GDĐH mà còn dàn trải… là nhóm nguyên nhân được đề cập. Trong đó, phương thức GD không phù hợp được xem là nguyên nhân trực tiếp nhất nhưng khó khắc phục nhất vì sức ì của thói quen và tâm lý ngại thay đổi.
Ba bước chuyển cho đổi mới
Việc đổi mới phương thức GD theo GS. Nguyễn Minh Thuyết nằm ở điều chỉnh mục tiêu GD và xây dựng nền GD thực học, dân chủ. “Nước ta còn nghèo, lại đi sau, muốn nhanh chóng bắt kịp các nước đi trước thì không thể phát triển dàn trải. Trong 50 năm tới, cần tập trung đào tạo nhân lực cho những ngành trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, có khả năng tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các ngành khoa học cơ bản, chỉ cần đầu tư đào tạo số lượng ít những người thực sự có năng khiếu, sở trường để bồi dưỡng nhân tài”, ông Thuyết nói.
GS.TS Phùng Hữu Phú (Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương) cũng đưa ra quan điểm, quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH cốt lõi thực hiện 3 bước chuyển có ý nghĩa chiến lược. Cụ thể, chuyển từ quá trình GD chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ phát triển chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng, hiệu quả với số lượng hợp lý; từ hệ thống GD còn khép kín, cứng nhắc, biệt lập sang hệ thống mở, linh hoạt, liên thông.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương xóa bỏ tình trạng chia cắt, biệt lập về chương trình, nội dung trong từng trường và toàn hệ thống, tạo sự liên thông giữa các bậc học, các trình độ, giữa đào tạo trong nước và quốc tế. “Nền kinh tế thị trường nước ta đang trong quá trình hình thành, thị trường lao động vẫn còn sơ khai, nhu cầu việc làm còn rất lớn, người lao động chưa có điều kiện thay đổi công việc. Những yếu tố  khách quan này cùng với dấu ấn tư duy quản lý, điều hành GD theo kiểu hành chính đã tồn tại quá lâu khiến hệ thống GDĐH nước ta vẫn còn khép kín, biệt lập, khô cứng. Bước vào thời kỳ mới, kinh tế thị trường phát triển theo chiều sâu, quá trình hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng thì hệ thống GDĐH như thế không còn thích hợp nữa, không còn đủ sức đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao, đa dạng của thực tiễn” – ông Phú đánh giá.
Ngoài ra, vấn đề tăng học phí, tăng lương cho người dạy cũng được nhiều đại biểu đề cập đối với hoạt động đổi mới GD, cải tiến chất lượng. TS. Lê Đình Lục (Trưởng khoa GD chính trị Trường ĐH Sài Gòn) cho rằng, mức lương phải đảm bảo được đời sống thì giảng viên mới toàn tâm toàn ý giảng dạy và đầu tư nghiên cứu. Và mức lương tăng này sẽ được lấy từ nguồn học phí chứ không phải ngân sách, do vậy, học phí cũng cần được tăng lên. PGS.TS Võ Văn Sen (Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cũng đồng quan điểm khi cho rằng, mức học phí của các trường ĐH Việt Nam hiện rất thấp so với thế giới. Ngay tại trường, nếu học phí tăng lên 10 triệu đồng/SV thì mức lương cho giảng viên cũng sẽ tăng được 3 lần, theo đó chất lượng cũng sẽ được cải thiện.
Bài, ảnh: Mê Tâm
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Nước ta còn nghèo, lại đi sau, muốn nhanh chóng bắt kịp các nước đi trước thì không thể phát triển dàn trải. Trong 50 năm tới, cần tập trung đào tạo nhân lực cho những ngành trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, có khả năng tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các ngành khoa học cơ bản, chỉ cần đầu tư đào tạo số lượng ít những người thực sự có năng khiếu, sở trường để bồi dưỡng nhân tài”. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)