Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới giáo dục: Đột phá từ quản lý

Tạp Chí Giáo Dục

Một số kỳ vọng đã định đúng hướng, nhiều sáng kiến hay, nhưng cần lượng hóa những giải pháp cụ thể để triển khai vì "đích đến" 2020 chỉ còn hơn 10 năm. Nên chăng, ngành giáo dục đi trước một bước, đột phá hẳn trong hệ thống bổ nhiệm, sử dụng cũng như quy trách nhiệm rõ ràng với người đứng đầu để có cơ chế bổ nhiệm đúng, tuyển chọn đúng người. 

> Chiến lược phát triển giáo dục 2008-2020: Hội nhập với giáo dục thế giới

Các ý kiến trao đổi trong buổi gặp lãnh đạo báo chí của Bộ GD-ĐT, góp ý cho dự thảo phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2020 diễn chiều 18/12 tại Hà Nội.

Chủ trì buổi  công bố, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, dự thảo chiến lược mới nhất này đã phản ánh 6 thành tựu, 5 yếu kém, 6 nguyên tắc vận hành, 3 mục tiêu , 11 giải pháp đột phá đối với GD 2009 – 2020. Nhóm xây dựng làm việc dưới sự cố vấn của nguyên Bộ trưởng Giáo dục Chi-lê.

 

"Đầu kéo" tốt sẽ có cơ sở tốt 

TBT báo Dân Trí Nguyễn Huy Hoàn: Nếu đã đặt mục tiêu "nối mạng Internet 100% trường phổ thông" thì nên đặt mục tiêu nối mạng cho 100% các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Như vậy, sẽ có 9.000 TTHTCĐ được nối mạng và chúng ta muốn chương trình đào tạo nghề cho nông dân thì thông qua Internet sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn. 

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Mục tiêu đến giữa năm 2009 thì 100% trường phổ thông được nối mạng. Hiện, Viettel đang kết nối miễn phí Internet cho các trường phổ thông. Do vậy, báo có bàn cụ thể với Bộ để kêu gọi nguồn hỗ trợ, có thể là Bưu chính viễn thông kết nối Internet miễn phí cho các TTHTCĐ.  

Vấn đề này, Bộ sẽ ký công văn kêu gọi đầu tư. Hiện, Viettel kết nối Internet cho các trường phổ thông, 1 năm tốn khoảng 300 tỷ.    

TBT VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn: Với những mục tiêu đề ra, nên xem xét để tìm cách thực hiện vì từ nay đến năm 2020 chỉ còn hơn 10 năm. Trong khâu quản lý GD, tại sao không đột phá hẳn vào vấn đề bức xúc để có đề xuất lãnh đạo Đảng và Nhà nước? Chẳng hạn, ghép khoa học công nghệ vào giáo dục.  

Bộ GD-ĐT nêu vai trò quan trọng của giáo viên nhưng tôi có ý kiến hơi ngược: những nhà lãnh đạo của các cơ sở từ mầm non đến đại học rất quan trọng vì là “đầu kéo”. Có thể ở đâu đó, người tài vẫn chưa được tuyển dụng. Vấn đề này không phải chỉ của riêng của Bộ GD-ĐT mà của cả hệ thống. Nên chăng, ngành giáo dục đi trước một bước và đột phá hẳn trong hệ thống bổ nhiệm, sử dụng cũng như quy trách nhiệm rõ ràng với người đứng đầu để có cơ chế bổ nhiệm đúng, tuyển chọn đúng người. 

Kỳ vọng có 1 số trường ĐH lọt "top thế giới" đã định đúng hướng. Nhưng đâu là những tiêu chí để xây dựng? Đâu là điểm đột phá? Hệ thống các trường ĐH trên thế giới hiện nay đã có vị thế, tên tuổi. Chúng ta thành lập sau thì giá trị nào tạo sự khác biệt?  

Ngoài ra,  chúng tôi cũng mong muốn thấy được những giải pháp chi tiết cụ thể ở vấn đề XHH hợp tác quốc tế. Trước đây, khi các trường ĐH muốn hợp tác quốc tế đến, phải qua nhiều tầng lớp giải quyết.Nên chăng ban hành 1 cơ chế tự chủ khuyến khích các trường ĐH được chủ động hợp tác quốc tế, không cần thông qua cơ quan quản lý? 

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Vấn đề nhập giáo dục và khoa học – công nghệ thành 1 bộ quản lý”  ở Việt Nam, chúng tôi còn “yếu bóng vía” chưa nghĩ đến. Thực tế, nhiều nước đã thành lập bộ giáo dục đại học và khoa học. Trong quá trình tiếp thu ý kiến, Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe thêm.  

Trong đề án bồi dưỡng hiệu trưởng, chúng tôi có nêu vai trò cán bộ quản lý ở cơ sở nhưng lại không đề cập đến cán bộ quản lý của ngành. Trong quý 1 n năm 2009 sẽ có hội nghị toàn quốc về quy hoạch cán bộ giáo dục từ cấp phòng đến trường, sở, bộ…Sau đó, triển khai quy hoạch cán bộ trong cả nước trong thời gian tới.  

Hiện nay, nhiều nước đang đặt vấn đề xây dựng trường đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam. Đã có trường ĐH Việt Đức, sắp tới đây là Mỹ, Pháp, Nga…

Mỗi trường sẽ là một mô hình khác nhau nhưng vẫn là trường công lập, Nhà nước có tài trợ kinh phí.

Bộ GD-ĐT  đang hoàn thiện quy chế mới về hợp tác quốc tế. Khi ban hành những quy định mới, sẽ  thí điểm ở 1 số trường trong vòng 1 đến 2 năm, sau đó mở rộng ra. Đầu tuần tới, tôi sẽ vào TP.HCM nghe ĐH Kinh tế trình bày đề án tài chính mới để chuẩn bị cho việc thí điểm hiệu trưởng trả lương giáo viên. 

Phó TBT  báo Quân đội nhân dân, đại tá Phạm Văn Huấn: Nên đặt vấn đề “giáo viên tự học” thì giáo viên sẽ nhận thấy ngay cả về mặt nhận thức. Hoặc, thực hiện các chế độ luân chuyển cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng núi để tạo điều kiện cho mọi người yên tâm công tác. 

Lâu nay chúng ta có thói quen nghĩ, nói và làm thay cho các em, dẫn tới tâm lý ỉ lại. Nên chăng, có hình thức nào đó để cho HS tự phát biểu, nhận xét, đánh giá thầy cô; đồng thời, hướng HS đến trung tâm để có những đề xuất ngược với thầy cô: cần những trao đổi những nội dung gì? Cần hướng dẫn ra sao?  

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Trong ngành GD đang rất băn khoăn vì không đủ điều kiện chăm lo về đời sống vật chất cho các thầy cô giáo. Lúc nào cũng đòi hỏi thu – chi công khai, mà đã công khai thì không có tiền thưởng tết cho giáo viên.  

Chúng tôi cũng đang đặt vấn đề, có lẽ các địa phương nên dành kinh phí chăm lo cho các thầy cô giáo chứ đừng hỏi ngành, vì ngành lấy đâu ra tiền. Ngân sách nhà nước chỉ có vậy, nên đặt vấn đề với xã hội, với chính quyền địa phương.  

Về đề xuất lấy ý kiến của người học là sáng kiến hay. Bộ sẽ phối hợp hoặc thông qua TW Đoàn xem xét để có cách làm cụ thể. 

Giải pháp có "trên giấy", mục tiêu có… lãng mạn? 

Phóng viên VietNamNet: Bộ dự kiến từ năm 2010 khi tuyển mới nhà giáo sẽ thực hiện theo chế độ hợp đồng, mục đích để tạo cạnh tranh lành mạnh. Trong khi không thực hiện giảm biên chế, liệu đội ngũ tuyển mới từ 2010 đến 2020 có đủ lượng và lực để cạnh tranh với một bộ phận đội ngũ giáo viên biên chế  được Bộ đánh giá là "chưa đáp ứng được nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ mới" hiện nay? Và như vậy, giải pháp kỳ vọng là đột phá có thực sự đột phá?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Vấn đề không còn biên chế giáo viên đáng ra là phải làm từ bây giờ. Từ khi có Nghị định 43, các đơn vị hành chính sự nghiệp không còn biên chế, thay vào đó là hợp đồng dài hạn.

Chính ngành giáo dục đang làm chậm. Mặt khác, phải có hướng dẫn để các thầy cô và những giáo viên đang trong biên chế biết để  sắp xếp. Việc này không phải là sáng kiến của ngành GD mà là triển khai cho nhanh một chủ trương đã có. 

Hiện, ngành sắp xếp giáo viên theo 3 hướng: Nếu giáo viên trẻ nhưng năng lực không đủ đáp ứng, cơ sở giáo dục sẽ cử đi học để nâng cao trình độ; Nếu giáo viên vì bất cứ lý do gì đó không thể đi học được, ngành sẽ điều chỉnh để họ làm việc khác trong ngành; Hoặc giáo viên có thể ra khỏi ngành và được hưởng các chế độ chính sách.

2 năm gần đây, mỗi năm có hàng ngàn giáo viên đã ra khỏi ngành, hoặc làm việc khác. 

 

"Ngày 19/12: gặp Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Hội Khuyến học, Hội Cựu Giáo chức, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn, Hội Khoa học Lịch sử…

 

Tuần sau: Giới thiệu dự thảo với các Sở GD-ĐT cả nước, sau đó là các trường ĐH, CĐ.

Dự kiến thu nhận ý kiến trong 2 tháng, hết quý 1/2009 có thể hoàn chỉnh dự thảo" – Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân

Vấn đề thí điểm hiệu trưởng trả lương đã đặt ra từ đầu năm 2008 ở trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) nhưng đến cuối năm đã trở thành "nhiệm vụ bất khả thi". Ở dự thảo này lại đặt vấn đề thí điểm vào năm 2009, liệu sẽ "gỡ" như thế nào để không phải là giải pháp trên giấy?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Lương là 1 yếu tố của đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục. Tuy nhiên, Bộ Chính trị chưa thông qua. Việc đưa giải pháp cũng là quá trình chuẩn bị. Đến khi Bộ Chính trị thông qua, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn triển khai. Thời điểm này, trường nào triển khai có thể chưa tạo công bằng, mà nên xây dựng đề án. 

Theo Nghị định 43, Hiệu trưởng đã có quyền trả lương. Chỉ có điều nguồn thu ít. Trong đề án học phí có đề xuất tăng học phí ĐH. Nếu tăng thì việc trả lương cao mới có cơ sở. Đây được coi là giải pháp bình thường, chúng ta phải trả lương cho hiệu quả. 

Phóng viên báo Tuổi Trẻ: Giải pháp 11 có đưa mục tiêu cụ thể sẽ có 2 ĐH Việt Nam được xếp hạng trong số 200 trường ĐH hàng đầu của thế giới vào năm 2020. Tuy nhiên, trong chiến lược chưa xác định rõ lấy bảng xếp hạng nào làm tiêu chí phấn đấu? Liệu Bộ có định chọn theo bảng xếp hạng của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc)? 

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Các bảng xếp hạng quan niệm trọng số khác nhau. Chọn cái nào cũng không phải tốt nhất vì quan điểm của mỗi nước khác nhau. Vấn đề xếp hạng mới chỉ khởi động thôi, sẽ còn bàn bạc và trình với Chính phủ.  

Bộ đang dự kiến xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Sẽ có hiện tượng những HS đủ năng lực tài chính nhưng có thể chưa đủ khả năng đầu vào. Hoặc có những HS năng lực tốt thì vướng vấn đề tài chính. Đề án đổi mới cơ chế tài chính của Bộ dự kiến nâng mức học phí theo hướng thu đủ bù chi cho hoạt động đào tạo. Vậy việc đầu tư xây dựng 4 trường ĐH hàng đầu lớn, chi phí đào tạo lớn, đối tượng nào sẽ được học?  

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Đề án tài chính trình Bộ Chính trị không có mục tiêu “thu đủ”. Mục tiêu trước hết là bù đắp chi phí lương. Chi phí đào tạo gồm chi phí đầu tư và chi phí thường xuyên, gồm tiền lương và quỹ lương. Hiện nay, học phí bậc ĐH không đủ trả lương cho giáo viên, chưa kể chi phí khác. 

Do vậy, phải tăng dần đóng góp của học phí so với chi phí đào tạo. Giai đoạn 1 là bù được chi phí tiền lương. Giai đoạn 2 bù được chi phí thường xuyên. Khi tăng học phí, đồng thời cho tăng phần cho người học vay.

Tùng Linh – Hạ Anh (ghi)

Theo Vietnamnet

Bình luận (0)