Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đổi mới giáo dục – Kỳ vọng vào năm con rắn

Tạp Chí Giáo Dục

Nhìn lại một năm vừa qua, có thể thấy, giáo dục Việt Nam đã có những bước chuyển mình. Tuy nhiên, với nhiều nhà giáo dục thì sự chuyển biến đó vẫn chưa đáp ứng được sự mong mỏi của xã hội. Sang năm con rắn – năm 2013 – được coi là năm bản lề để giáo dục chuẩn bị bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện sau năm 2015, các nhà giáo dục kỳ vọng gì ở ngành của mình?
Những nỗi buồn năm cũ
Nhìn lại một năm đã qua, có thể thấy còn quá nhiều băn khoăn. Mặc dầu đã gần hai năm trôi qua, từ khi nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 xác định phải “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục”, nhưng hình như trạng thái của giáo dục vẫn là “bình chân như vại”, không nhúc nhích được chút nào gọi là có. Bạo lực học đường vẫn xảy ra như thế. Học thêm học nếm vẫn tràn lan như thế. Lạm thu tiền đầu năm học vẫn nhiều như thế. Học hành, thi cử vẫn nặng nề như thế. Tiêu cực trong thi cử vẫn tồn tại như thế. Tiếng chuông ở Đồi Ngô cho thấy đã đến lúc tiêu cực trong thi cử đi quá giới hạn cho phép của con người. Đời sống thầy cô giáo vẫn khó khăn như thế… 
Giáo dục ĐH vẫn còn quá nhiều vấn đề cần được giải quyết. Chất lượng đào tạo các trường, vấn đề liên thông, liên kết. Các cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo tại Việt Nam. Có rất nhiều cơ sở đã bị đình chỉ hay tước giấy phép hoạt động tại Việt Nam nhưng vẫn còn rất rất nhiều các cơ sở khác, không những tồn tại độc lập mà còn tồn tại dưới dạng liên thông, liên kết với các trường. Bỗng một ngày, các học viên tự nhiên rơi vào cảnh bơ vơ vì trung tâm ngừng hoạt động. Quyền lợi của người học ai sẽ bảo vệ, ai sẽ nhận trách nhiệm về việc này.
Vấn đề nghiên cứu khoa học, chất lượng đội ngũ cũng cần phải bàn tới.
Và những hy vọng vào năm con rắn
Tôi mong rằng trong năm nay là năm con rắn – mãng xà ngẩng cao đầu – chí ít phải thông qua được đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”. Phải lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lí. Đồng thời những việc gì thấy cần thay đổi thì phải có biện pháp thay đổi ngay chứ không chờ đến sau năm 2015. 
Có người cho rằng, năm 2013 – năm con rắn – giáo dục sẽ hết lạc đường. Tôi nghĩ, lạc đường hay đúng đường còn phải chờ đợi xem dự án về “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” được hoạch định như thế nào. Khoảng giữa tháng 12 năm 2012 đã có những hé mở đầu tiên của một vài nội dung của dự án được trình bày ở một vài hội thảo. Theo đó, một số vấn đề được công bố  như sau:
+  Đổi mới cơ bản của chương trình sau năm 2015 là chủ trương hướng tới sự hình thành năng lực người học thay vì tập trung vào nội dung kiến thức như hiện nay.
+ Chuẩn giáo dục không đong đếm bằng lượng kiến thức văn hóa mà được xét trên ba phương diện: Phẩm chất, kĩ năng học tập phổ quát và kĩ năng thuộc các lĩnh vực học tập.
+ Đánh giá năng lực học sinh không quy về nội dung đã học mà được quy chuẩn theo mức độ phát triển năng lực người học. Việc đánh giá năng lực tập trung vào sự tiến bộ của người học hơn là để xếp hạng giữa các người học với nhau.
+ Dạy học tích hợp: Trước kia mỗi môn học có một cuốn SGK, nay có thể đưa ra những môn học tích hợp, nguyên liệu(?) được tập trung để giáo viên và học sinh dễ nắm bắt(?).
+ Dạy học theo logic phát triển đơn tuyến từng lĩnh vực, từng môn học là sai lầm lớn và phổ biến ở nhà trường Việt Nam. Cần khắc phục bằng dạy học tích hợp để tạo thành một cấu trúc vốn có của năng lực nhận thức con người về thế giới khách quan(?)
+ Hệ thống giáo dục phổ thông vẫn là 12 năm, bao gồm: Tiểu học 5 năm, THCS 4 năm và THPT 3 năm.
+ Sẽ xóa bỏ độc quyền viết sách giáo khoa. Chương trình thì thống nhất toàn quốc, còn SGK thì tùy mỗi nơi có thể dùng SGK phù hợp.
Tất cả những chủ trương đó đều được trình bày với những thuật ngữ rất “đao to búa lớn”, rất lí thuyết và rất khó hiểu đối với đại đa số giáo viên… Tôi hết sức lo lắng và mong rằng các “nhà cải cách” cần thực tế hơn, cần nhớ rằng “mọi lí thuyết đều màu xám…” . Cần thận trọng vì đổi mới không đúng thì có thể vẫn lạc đường, và thậm chí còn tệ hại hơn.
Đối với giáo dục phổ thông, theo tôi, thi tốt nghiệp phổ thông nên thay đổi theo hướng không phải là một kì thi cấp quốc gia. Không cần phải chung ngày thi, chung đề thi, cùng với những biện pháp căng thẳng như thi theo cụm, chấm chéo, thanh tra ủy quyền… Hãy xem thi tốt nghiệp chỉ ở mức độ cao hơn một ít so với các kì thi lên lớp. Kì thi nên được tiến hành ở các sở GD-ĐT, do các sở hoàn toàn chịu trách nhiệm và chủ động.
PGS. Văn Như Cương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)