Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đổi mới giáo dục ở TP.HCM: Không chờ đến khi thực hiện Chương trình GDPT 2018

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm đầu đổi mới giáo dục, TP.HCM đối diện với nhiều thách thức của xã hội. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, những năm 2014, bản thân “rất áp lực” khi duyệt đề thi ngữ văn vì đề rất lạ, khác hẳn với những đề đơn thuần…


TP.HCM thực hiện đổi mới giáo dục từ sớm, với lộ trình trước khi Chương trình GDPT 2018 đi vào triển khai

Nhìn lại hành trình đổi mới giáo dục TP.HCM từ những năm 2014, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM bày tỏ, bản thân rất “áp lực” khi duyệt các đề văn của TP.HCM. Chuyên viên phụ trách môn văn của thành phố khi đó đưa rất nhiều đề “lạ”, khác hẳn những đề đơn thuần mà ông đã đọc trước khi bước vào duyệt đề. Thế nhưng, chuyên viên Sở kiên quyết phải làm như thế này thì học sinh mới yêu thích môn văn, còn nếu học văn mà cứ phải nhớ bài này, học thuộc tác phẩm kia thì sẽ thui chột sự sáng tạo của học sinh.

“Từ áp lực của xã hội, mỗi lần ra đề đều có những ý kiến khen, chê. Nhưng với định hướng vì học sinh, làm sao giúp việc dạy và học đi vào thực chất, đến thời điểm này những đổi mới của TPHCM đã trở thành điểm sáng của cả nước. Thậm chí, từ những phản ứng ban đầu đến nay những đổi mới của TP.HCM đang dần trở thành xu hướng của đổi mới. Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo đến năm 2025, ngữ liệu trong đề thi ngữ văn sẽ không nằm trong sách giáo khoa…” – ông Hiếu vui mừng nói.

Đánh giá việc đổi mới Chương trình GDPT 2018, từ năm học 2020-2021 cho năm lớp 1 đến nay thực hiện cho các khối lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8 và 10, 11, ông Nguyễn Văn Hiếu nhận định, trong quá trình thực hiện đổi mới ngành vướng phải 2 trở lực lớn: là cán bộ quản lý giáo dục và giảng viên các trường đại học.

Ông phân tích: Với Chương trình GDPT 2006 trước đây thì lấy kiến thức là trọng tâm, song sang Chương trình GDPT 2018 thì chuyển quá trình dạy học tiếp cận kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Do vậy, cán bộ quản lý là hiệu trưởng, hiệu phó có thể lại chính là cản trở lớn của đổi mới bởi nhiều hiệu trưởng, hiệu phó không đi tập huấn, dẫn đến tình trạng còn đánh giá giáo viên chưa đạt yêu cầu khi chưa dạy hết sách giáo khoa.

“Để đổi mới thành công, trước hết phải thay đổi tư duy của cán bộ quản lý. Dám thực hiện đổi mới, sáng tạo, trao quyền, tạo điều kiện cho giáo viên chủ động thực hiện đổi mới sáng tạo, hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thông qua chính những trải nghiệm trong hoạt động dạy và học…” – ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Nhớ lại cách đây 3 năm khi đưa giáo dục STEM vào trường học cho học sinh tiếp cận đã gặp không ít khó khăn, đến nay, STEM lại trở thành môn học mà học sinh rất hứng thú khi học, thầy cô rất sáng tạo…

Thầy Trần Tấn Tài – Hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong (quận 5) đúc rút: Trong đổi mới giáo dục, quan trọng nhất là sự kiên định. Khi kiên định với những sáng tạo thì mới có “trái ngọt”.


Học sinh được phát huy phẩm chất, năng lực trong Chương trình GDPT 2018

“Trong quá trình thực hiện đổi mới, chắc chắn không tránh khỏi những bàn ra tán vào, đôi khi là của đội ngũ và của phụ huynh. Vai trò của hiệu trưởng lúc này là phải làm sao để cho đội ngũ hiểu, đồng hành, làm sao giúp phụ huynh chia sẻ. Muốn vậy thì phải đổi mới một cách thực chất, mang lại những thụ hưởng cho chính học sinh…”.

Trong khi đó, cô Lê Thị Tuyết Lan – giáo viên ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú) nhận định, TP.HCM đã thực hiện đổi mới theo hướng phát huy phẩm chất năng lực học sinh từ rất sớm, chứ không phải chờ đến khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Ở môn ngữ văn, giáo viên đã mạnh dạn dạy học không đóng khung vào trang sách mà trao hướng mở cho học sinh.

“Với Chương trình GDPT 2018, với hướng mở, phát huy năng lực phẩm chất học sinh với nhiều hoạt động khi dạy học để hướng học sinh bám sát vào yêu cầu cần đạt. Do vậy, chỉ khi mạnh dạn đổi mới, mạnh dạn sáng tạo, khi làm mới biết mình đang ở đâu, trong quá trình làm mới có kinh nghiệm, còn nếu không làm thì sẽ rất mơ hồ…” – cô Lan chia sẻ.

Yến Hoa

Bình luận (0)