Hội nhậpGiáo dục phát triển

Đổi mới giáo dục tại trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II (VOV College)

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đổi mới để thích ứng là yêu cầu bắt buộc, nhưng đổi mới như thế nào để phát huy hiệu quả tối ưu lại là một câu hỏi lớn cần có lời giải đối với các Trường đào tạo nguồn nhân lực báo chí nói chung và Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II nói riêng.

Ths. Kim Ngọc Anh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phát thanh –
Truyền hình II phát biểu chúc mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam

35 năm một ngôi trường của đài anh hùng
Ngày 03/01/1978, Trường Nghiệp vụ Phát thanh – Truyền hình II chính thức trở thành thành viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình 35 năm xây dựng và phát triển của Trường. Năm 1998, Trường được nâng cấp thành Trường Trung cấp chuyên nghiệp và đến năm 2006 Trường được nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II (VOV College). Qua 35 năm, Trường đã đào tạo gần 30.000 công nhân, kỹ thuật viên, phóng viên, biên tập viên cho hệ thống Phát thanh – Truyền hình Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở vào. Nhiều trong số họ đã trở thành lãnh đạo Đài cấp tỉnh, cấp huyện. Có thể kể đến như bà Nguyễn Thị Thanh Tiếng, Phó Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Cần Thơ; ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Long An; ông Trần Văn Quảng, Phó Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Tiền Giang; ông Phan Văn Thảo, Phó Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Phước… Trường đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, Huân chương Lao động hạng 2 (năm 2009) và được Chính phủ cũng như Đài Tiếng nói Việt Nam tặng nhiều bằng khen khác. Đặc biệt, năm học 2012-2013, nhiều trường CĐ, ĐH trên cả nước gặp khó khăn trong tuyển sinh, thì Trường vẫn thực hiện tuyển sinh theo đúng chỉ tiêu Bộ GD-ĐT và Đài TNVN giao cho với chất lượng cao (điểm chuẩn NV2 cao đẳng chính quy của Trường là 18 điểm).
Tuy nhiên, thực tiễn báo chí đang có nhiều thay đổi, biểu hiện của nó là xu hướng số hóa và đa phương tiện nhờ sự phát triển của khoa học – công nghệ; xu hướng quốc tế hóa báo chí nhờ sự cộng tác của các “nhà báo công dân”. Xã hội hóa báo chí và toàn cầu hóa thông tin đang là xu hướng tất yếu… Những tác động đó ảnh hưởng sâu sắc tới công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí, Phát thanh – Truyền hình hiện nay. Đổi mới để thích ứng là yêu cầu bắt buộc, nhưng đổi mới như thế nào để phát huy hiệu quả tối ưu lại là một câu hỏi lớn cần có lời giải đối với các Trường đào tạo nguồn nhân lực báo chí nói chung và Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II nói riêng. Từ cơ sở lý luận và thực tiễn của công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống Phát thanh – Truyền hình thời gian qua của nhà Trường, cho thấy 3 yếu tố cơ bản cần tập trung đổi mới trong giai đoạn hiện nay là: Mô hình và triết lý đào tạo, Chương trình đào tạo và Đội ngũ giảng viên.

Ths. Kim Ngọc Anh – Hiệu trưởng trao bằng tốt nghiệp hệ cao đẳng cho sinh viên các lớp 09&10

Mô hình và triết lý đào tạo
Trước hết, cần hiểu rõ, nghề báo không chỉ đơn thuần là một nghề, mà còn là một thiết chế xã hội và hình mẫu văn hóa (Sức mạnh của Tin tức truyền thông, Michael Schudson, NXB CTQG, HN 2003). Vì thế nguồn nhân lực làm báo là nguồn nhân lực mang tính đặc thù. Đây là đặc điểm hết sức quan trọng giúp xác định một mô hình đào tạo báo chí tiên tiến, phù hợp và bám sát thực tiễn.
Nếu các nghề khác có thể dựa vào khuôn mẫu và thiết kế có sẵn để làm ra sản phẩm thì nghề báo luôn đòi hỏi sự sáng tạo, tìm yếu tố mới và tạo được tính hấp dẫn. Nghề báo tối kỵ sự lặp lại. Vì thế, tác phẩm báo chí phải là sản phẩm của quá trình lao động tổng hợp, chứa hàm lượng tri thức cao và tư tưởng quan điểm của nhà báo. Nhà báo vừa phản ánh hiện thực khách quan vừa thể hiện tư tưởng, lập trường, quan điểm của mình. Tư tưởng, lập trường, quan điểm này do đạo đức nghề nghiệp và đặc điểm của nền báo chí mà nhà báo phục vụ tác động, chi phối. Đạo đức báo chí cách mạng Việt Nam luôn đòi hỏi đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân làm ưu tiên lựa chọn hàng đầu như nhà báo lão thành Hữu Thọ khẳng định: nhà báo cách mạng Việt Nam cần phải có “mắt sáng”, “lòng trong”, “bút sắc”. Có thể thấy, kỹ năng nghề nghiệp chỉ đứng ở vị trí thứ 3, sau các yêu cầu về phẩm chất chính trị của nhà báo.
Sản phẩm của Trường đào tạo nguồn nhân lực báo chí, Phát thanh – Truyền hình nước ta không đơn thuần chỉ là những người có kỹ năng biết viết tin giỏi, phỏng vấn hay mà phải là Con người – có đủ nền tảng đạo đức, năng lực để thích ứng không chỉ trong môi trường truyền thông Việt Nam mà còn đáp ứng được yêu cầu trong môi trường truyền thông toàn cầu hóa.
Như vậy, mô hình đào tạo nguồn nhân lực của Trường phải được xây dựng theo triết lý: Không chỉ chú ý phát triển kỹ năng nghề nghiệp mà phải đặt việc đào tạo đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu; đồng thời trang bị tư duy, nhận thức và phương pháp luận để người học tự hoàn thiện trong môi trường thực tiễn.
Do đó, mô hình đào tạo cho Trường đào tạo nguồn nhân lực báo chí nói chung, Phát thanh – Truyền hình nói riêng phải là một Trường Chính trị – Nghề nghiệp; đào tạo Hồng trước, Chuyên sau; Lý luận đi đôi với Thực tiễn, không được coi nhẹ nội dung nào. Phương thức đào tạo phải gắn với thực tiễn của ngành. Vì thế, cần có mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà Trường và các Cơ quan báo chí, Đài Phát thanh – Truyền hình và các Tập đoàn truyền thông. Cần có chính sách để các Đài Phát thanh – Truyền hình, các đơn vị trực thuộc hai Đài quốc gia tham gia vào quy trình đào tạo của Trường một cách tích cực và chủ động.
Đổi mới chương trình đào tạo
Sau khi xác định được mô hình và triết lý đào tạo, việc xây dựng một chương trình đào tạo tiên tiến, phù hợp với mô hình là nhiệm vụ quan trọng tiếp theo.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin – Truyền thông, nguồn nhân lực Phát thanh – Truyền hình nước ta hiện nay từ Trung ương tới cơ sở gồm hơn 30.000 người. Trong đó, cấp tỉnh và cấp Trung ương là 15.000 người. Cơ cấu nhân lực gồm có: Nguồn nhân lực phụ trợ, nhân lực kỹ thuật và nhân lực nội dung. Nguồn nhân lực phụ trợ làm việc tại các đơn vị phụ trợ, giúp việc (văn phòng, tài chính, nhân sự, quản lý, kinh doanh,…), tuy không trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất chương trình nhưng đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của một Đài Phát thanh – Truyền hình. Nguồn nhân lực này thường chiếm 25% tổng số nhân lực của Đài. Hiện nay, cả 2 Trường chưa có chuyên ngành đào tạo nguồn nhân lực này. Vậy vấn đề là phải đổi mới như thế nào?
Ngoài việc định hướng, nghiên cứu mở thêm chuyên ngành mới sát với nhu cầu của ngành thì việc nghiên cứu thiết kế lại chương trình đào tạo là yêu cầu trước mắt. Chương trình khung đào tạo nguồn nhân lực Phát thanh – Truyền hình tiên tiến cần bao gồm 4 khối kiến thức sau: Kiến thức đại cương; Kiến thức cơ sở ngành; Kiến thức ngành và Kiến thức chuyên ngành. Quan điểm chỉ đạo thống nhất là sinh viên dù ở chuyên ngành nào cũng đều phải được trang bị kiến thức đại cương và kiến thức ngành. Bên cạnh đó, khi áp dụng hệ thống đào tạo theo học chế tín chỉ, chương trình đào tạo này sẽ tạo điều kiện giúp sinh viên thuận lợi để cùng lúc có thể theo học 2 chuyên ngành khác nhau. Hoặc việc liên thông giữa các chuyên ngành cũng được xác định rõ ràng vì sinh viên chỉ cần bổ sung một số học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành và các môn chuyên ngành khác để nhận được tấm bằng thứ 2.
Nâng cao chất lượng giảng viên
Khác với các ngành khác, ngành báo chí và Phát thanh – Truyền hình đòi hỏi giảng viên phải có kinh nghiệm làm báo. Do đó, song song với học tập nâng cao lý luận, kỹ năng sư phạm thì giảng viên báo chí, Phát thanh – Truyền hình cần phải thường xuyên tham gia vào quy trình sản xuất của cơ quan báo chí. Đây là hoạt động thường xuyên và liên tục đòi hỏi Trường phải tiếp tục duy trì và đẩy mạnh.
Thay cho lời kết
Toàn cầu hóa trở thành đặc điểm chi phối thời đại ngày nay. Xu thế này đã buộc mọi cá nhân, mọi tổ chức và mọi quốc gia phải nâng cao khả năng đổi mới. Đổi mới không ngừng để có thể thích nghi với những điều kiện thay đổi liên tục của công nghệ và xã hội. Khả năng đổi mới hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng học hỏi của từng cá nhân, từng tổ chức và từng quốc gia. Đổi mới là quá trình học hỏi và thích ứng. Không dừng lại và ngủ quên trên những thành tích đã đạt được của 35 năm xây dựng và phát triển, con thuyền VOV College đang chủ động và tích cực nghiên cứu đổi mới cách nghĩ, cách làm; tìm được hướng đi đúng, nhận diện những thuận lợi và khó khăn, đó là tiền đề cho việc gặt hái những thành công mới phía trước.
PV

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)