Trước sự quan tâm đặc biệt của dư luận đối với nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT vừa được Trung ương thông qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Chúng ta sẽ có sự thay đổi cả trong quan điểm, mục tiêu, phương pháp và trong nguyên tắc chỉ đạo, điều hành hoạt động giáo dục của nhà trường.
Chúng ta sẽ chuyển từ cách dạy, cách học hiện nay là “nặng” về truyền thụ kiến thức của thầy cho học trò, sang phương thức chú trọng hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh. Chúng ta sẽ chuyển từ phương pháp dạy các kiến thức khoa học hiện nay sang phương thức dạy cho học sinh tự học và từng bước tập dượt nghiên cứu.
Chúng ta sẽ tích hợp nhiều ở những lớp học và cấp học dưới, đồng thời phân hóa mạnh ở những lớp học và bậc học cao. Chúng ta sẽ chuyển từ việc đánh giá “học sinh tính toán nhanh, tính toán đúng, tính toán nhiều là giỏi sang phương thức hướng dẫn để học sinh sáng tạo”.
Thay vì dạy học sinh thành “nhà văn” thành “nhạc sĩ” sẽ dạy cho học sinh năng lực cảm thụ cái hay, cái đẹp của những bài thơ, bài văn. Học sinh sẽ có cảm xúc lành mạnh trước những bản nhạc, bức tranh, đồng thời có năng lực từ chối những sản phẩm độc hại, không có lợi cho quá trình hình thành nhân cách, phẩm chất của mình.
Chúng ta sẽ tạo dựng một thế hệ tự chủ, tự tin, biết trình bày diễn đạt và bảo vệ ý kiến của mình, đồng thời có khả năng lắng nghe tiếp thu cái hay, cái tốt của đồng nghiệp, của bạn học, của những người xung quanh – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước những băn khoăn của giáo viên, những người thực thi phương pháp mới, Bộ trưởng cho biết: Đổi mới lần này là đổi mới căn bản, cách thức tư duy sẽ khác, vị trí người thầy sẽ khác, vai trò, nhiệm vụ người học sẽ khác, phương pháp dạy, phương pháp học, phương pháp kiểm tra sẽ khác. Như vậy chúng ta phải từ bỏ một cách nghĩ, cách làm vốn đã “bám rễ” sâu từ nhiều thế hệ thầy, cô giáo, nhiều thế hệ học sinh trước đây sang một cách làm mới.
Theo Bộ trưởng, chúng ta không có lựa chọn khác, bởi vì đây là con đường, cách thức mà hầu hết các nước, trong đó có những nước phát triển cả về KT-XH, cả về khoa học giáo dục đang đi.
B.Minh
Bình luận (0)