Ông Bill Gates đã bỏ ra khoảng 5 tỷ USD để nghiên cứu và cải cách hệ thống giáo dục của Mỹ. Ảnh: I.T |
Trong thời gian qua, chúng ta ai cũng kinh ngạc về cuộc đời của Steve Jobs, con nuôi của một gia đình lao động, bỏ học đại học, trở thành một trong những kỹ thuật gia và doanh nhân lớn nhất của thời đại chúng ta. Làm sao ông ta làm được như vậy? Dĩ nhiên ông ta là một người xuất chúng, điều này giải thích được một phần sự thành công của ông. Tuy nhiên, môi trường cũng đóng góp vào sự thành công đó. Một phần của môi trường chính là giáo dục. Đáng chú ý là ông Jobs đã được hấp thụ chương trình giáo dục tuyệt vời ở bậc trung học. Trường Trung học Homestead ở Cupertino, là một trường công lập hàng đầu của tiểu bang California. Trường đã cung cấp cho ông những kiến thức căn bản cả về văn hóa lẫn kỹ thuật. Đó cũng là trường của Steve Wozniak, kỹ thuật gia đồng sáng lập Công ty Apple mà ông Jobs đã gặp lúc học cùng trường.
Ngày nay, hệ thống giáo dục ở California là một thảm họa. Tiểu bang này bị xếp hạng chót trên nước Mỹ, cũng giống như nước Mỹ đang ở hạng chót khi so sánh với những quốc gia kỹ nghệ khác về hầu hết những thành công trong giáo dục. Hiệp hội Kinh tế thế giới xếp hệ thống giáo dục của Mỹ ở hạng 26, đi sau các quốc gia như Đức, Phần Lan, Hà Lan, Đan Mạch, Canada và Singapore. Về lĩnh vực khoa học và toán thì điểm còn tệ hơn nữa.
Nhu cầu được giáo dục tốt hơn chưa bao giờ trở nên cấp bách như hiện nay. Trong khi nước Mỹ “ngủ quên” thì cả thế giới đang phát triển tài năng của họ. Các quốc gia thuộc châu Âu và châu Á đang cố gắng tăng thêm tỷ lệ những người tốt nghiệp đại học, trong khi nước Mỹ, trước đây có tỷ lệ này cao nhất, hiện đang “bão hòa”. Các nước khác quan tâm đến toán và khoa học thì bằng cấp ở Mỹ càng ngày càng thiên về những ngành như thể thao và giải trí.
Giải pháp nằm ở đâu? Có một giải pháp đơn giản và đã được thử nghiệm nhiều lần là “Làm việc tốt hơn”. Ông Thomas Edison đã nhấn mạnh “Thiên tài gồm 1% cảm hứng và 99% mồ hôi”. Ông Malcolm Gladwell khám phá ra phía những thiên tài về âm nhạc là nhiều giờ tập dượt – theo những tính toán của ông khoảng 10.000 giờ tập dượt. Học sinh ở Mỹ đến trường ít giờ hơn những học sinh các quốc gia khác, học ít giờ hơn mỗi ngày và ít ngày hơn mỗi năm. Đến khi tốt nghiệp trung học, tính trung bình thời gian những đứa trẻ ở Hàn Quốc đến trường nhiều hơn 2 năm so với những đứa trẻ ở Mỹ, điều này không gây ngạc nhiên khi điểm bài thi của học sinh Hàn Quốc cao hơn.
Nếu Hàn Quốc dạy học sinh sự quan trọng của việc chăm chỉ, thì Phần Lan đứng đầu trong các cuộc thi quốc tế, không như học sinh Á Châu là chỉ học, học và học thôi. Họ chú trọng đến sự sáng tạo và tránh không thi cử gì suốt cả năm. Thay vào đó Phần Lan xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi. Giáo viên được trả lương cao và được kính trọng ngang hàng với bác sĩ và luật sư. Các giáo viên được tuyển lựa qua những phương pháp thật khắt khe. Tất cả giáo viên đều phải có bằng thạc sĩ và cứ 10 người nộp đơn thì chỉ có 1 người được chọn vào chương trình huấn luyện để trở thành giáo viên. So sánh với Mỹ thì sự khác biệt thật rõ ràng. Một nửa số giáo viên ở Mỹ ra trường nằm trong số 1/3 xếp hạng cuối lớp.
Ông Bill Gates đã bỏ ra khoảng 5 tỷ USD để nghiên cứu và cải cách hệ thống giáo dục của Mỹ. Mọi người đặt trường hợp ông là người điều hành một khu học chính và có cây đũa thần thì ông sẽ làm gì? Câu trả lời của ông là: Thuê những giáo viên giỏi nhất. Đó là cách đem lại kết quả tốt nhất cho học sinh, hơn cả số học sinh trong lớp hay tài chánh hay chương trình học nữa. Ông nói “Vì vậy chúng tôi đầu tư nhiều nhất vào những nghiên cứu về phương pháp dạy học”.
Tôi được đào tạo bởi hệ thống giáo dục châu Á đang được thế giới khâm phục. Hệ thống đó đã cho tôi một căn bản hiểu biết sâu sắc và đã dạy tôi cách học nhanh và tốt. Khi tôi vào trường đại hoc ở Mỹ, tôi nhận ra hệ thống giáo dục châu Á đã không dạy tôi cách tư duy. Phần hay nhất của hệ thống giáo dục của Mỹ dạy chúng ta cách giải quyết vấn đề, thực sự hiểu bài, đặt câu hỏi, tự tư duy và biết sáng tạo. Hệ thống này còn dạy chúng ta học những gì chúng ta yêu thích và yêu thích những gì chúng ta học. Đây là những giá trị rất quan trọng và là lý do tại sao nước Mỹ có thể giữ được vị trí hàng đầu về việc sáng tạo và những kỹ nghệ chuyên về sáng tạo.
Nước Mỹ nên điều chỉnh lại hệ thống giáo dục bằng cách chú trọng trở lại điều căn bản – làm việc tốt hơn – và cũng quay lại với những cá tính hoàn toàn Mỹ. Người Mỹ thành công không phải vì trở nên giống châu Á nhưng trở nên, như nhà văn James Fallows đã nói, “Giống chúng ta hơn”.
(LYN – dịch)
LTS: Giáo dục luôn là vấn đề quan trọng trong sự hưng thịnh của một quốc gia. Việc đổi mới giáo dục đang là yêu cầu cấp thiết không phải chỉ ở nước ta mà còn ở các nước phát triển như Mỹ. Giáo Dục TP.HCM xin lược dịch và giới thiệu bài viết về vấn đề này của tác giả Fareed Zakaria tiến sĩ người Mỹ gốc Ấn, ông là nhà báo, biên tập viên thực hiện chương trình ăn khách “Fareed Zakaria GPS”, chuyên bình luận về các vấn đề liên quan đến quan hệ quốc tế, thương mại và chính sách đối ngoại của Mỹ của kênh truyền hình CNN. |
Bình luận (0)