Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới giáo dục từ tiết học ngoài nhà trường

Tạp Chí Giáo Dục

LTS:  Năm học 2017-2018, các tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường được ngành giáo dục TP.HCM khuyến khích đẩy mạnh trong các trường phổ thông trên địa bàn nhằm phát huy tối đa khả năng tiếp thu của học sinh, giúp các em có những trải nghiệm thú vị trong giờ học, gắn môn học với thực tế. Giáo dục TP.HCM xin giới thiệu loạt bài về chủ đề này.

Kỳ 1: Gắn môn học với thực tế

Trên thực tế, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường đã được ngành GD-ĐT TP.HCM triển khai từ năm học 2014-2015 nhằm thực hiện yêu cầu đổi mới hoạt động dạy và học ở các trường phổ thông. Từ những tiết học này, học sinh và giáo viên đã bước ra khỏi khuôn khổ lớp học với cách học thầy giảng – trò nghe kiểu truyền thống hiện nay.

Học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) với tiết học văn chứng minh về làm đèn trung thu tổ chức bên ngoài lớp học. Ảnh: Linh Vy

Thầy và trò cùng học

Ông Lê Duy Tân (Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định: Tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường hoàn toàn khác với các hoạt động ngoại khoá, tham quan được nhiều trường tổ chức hiện nay. Nếu như tham quan, ngoại khoá là hoạt động không nằm trong chương trình học, thường được các trường tổ chức vào thời gian trống tiết hoặc các buổi sinh hoạt nhằm củng cố lại kiến thức cho học sinh thì tiết học trải nghiệm lại nằm trong phân phối chương trình như một tiết học chính thống mà ở đó các em được tiếp cận kiến thức môn học thông qua hoạt động trải nghiệm. Các tiết học được xây dựng thành các chuyên đề dạy học phù hợp với nội dung chuẩn kiến thức, kỹ năng nằm trong kế hoạch giáo dục của bộ môn và nhà trường. Và đặc biệt, các tiết học này được xây dựng theo quy trình đổi mới kiểm tra đánh giá dạy học.

Học sinh được trải nghiệm, tiếp xúc với môi trường thực tế, khiến cho những kiến thức được học gần gũi với thực tế hơn, từ đó kích thích tinh thần ham học hỏi, sáng tạo của các em.

Học sinh được trải nghiệm, tiếp xúc với môi trường thực tế, khiến cho những kiến thức được học gần gũi với thực tế hơn, từ đó kích thích tinh thần ham học hỏi, sáng tạo của các em. Nhưng, điều thú vị mà các tiết học trải nghiệm này mang lại chính là giúp học sinh bớt bỡ ngỡ hơn khi bước ra môi trường thực tế. Ông Tân kể câu chuyện vui khi ông đi chung chuyến xe với một em học sinh THCS. Xe chạy trên đường, bỗng em này nhìn ra cửa và nói: “Bố ơi! Sao bên ngoài nhiều trâu thế?”, trong khi đó là những con bò. Tương tự, ông Nguyễn Minh Tiến (Hiệu trưởng Trường THCS Dương Bá Trạc, Q.8) nhớ lại: “Trong một lần dẫn học sinh đi trải nghiệm, một em nhìn con ngỗng và bảo: “Thầy ơi, con vịt bự quá thầy” khiến tôi và các giáo viên khác vừa bật cười, vừa thấy lo lắng cho mức độ hiểu biết của các em với đời sống hiện nay”.

Chuyện học sinh không phân biệt được con vật, không biết đến các loại cây là điều vẫn thường thấy ở nhiều trường học tại các thành phố. Ngay bản thân một số giáo viên cũng chưa từng thấy một số loại cây nông nghiệp khác. Vì vậy, các tiết học đến với bảo tàng, khu di tích lịch sử, thảo cầm viên, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ… chính là những giờ học để cả thầy lẫn trò cùng trải nghiệm, khám phá và học hỏi thêm những điều mới.

Không giới hạn không gian, môn học

Theo ông Lê Duy Tân, tiết học trải nghiệm không nhất thiết phải đưa học sinh ra khỏi không gian trường học. Căn cứ theo tình hình, điều kiện cụ thể, tiết học trải nghiệm có thể được xây dựng trong hoặc ngoài khuôn viên trường học, cũng có thể kết hợp với nhiều mô hình dạy học khác như viện bảo tàng, các cơ sở văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, kinh tế địa phương. “Tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường được Sở GD-ĐT phối hợp với Thảo Cầm viên Sài Gòn xây dựng và thực hiện trong năm học vừa qua đối với môn sinh chỉ là mô hình tiết học mẫu, các trường có thể căn cứ theo mô hình này để xây dựng nội dung, kế hoạch tiết học trải nghiệm cho học sinh. Không chỉ riêng môn sinh, tất cả các môn học khác đều có thể áp dụng theo hình thức trải nghiệm này”, ông Tân cho biết.

Nếu được thuyết trình, khả năng nhớ của học sinh là 90%

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP.HCM, tiết học trải nghiệm là một hoạt động học có đầy đủ về chương trình, nội dung, tài liệu học tập, sản phẩm học và đặc biệt có kiểm tra đánh giá. Tháp đánh giá mức độ nhận thức của học sinh cũng chỉ rõ: Dạy học dùng lời nói thuyết trình theo kiểu thầy giảng – trò nghe truyền thống thì tỷ lệ ghi nhớ của học sinh sau 24 giờ chỉ  là 5%; học sinh đọc và giáo viên giảng đạt 10%. Ngay việc sử dụng thêm các thí nghiệm, hình ảnh chứng minh, minh họa cũng chỉ đạt 30%, thảo luận theo nhóm đạt 50%. Thế nhưng, nếu học sinh được thực hành, hành động thì khả năng ghi nhớ sẽ tăng lên 75% và nếu được giảng dạy, thuyết trình lại thì sẽ đạt 90%. Và tiết học trải nghiệm được xây dựng để đạt được mục tiêu giáo dục cao nhất cho học sinh.

Tuy nhiên, ông Tân cũng lưu ý quy trình xây dựng và thực hiện tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường cần được Sở GD-ĐT đánh giá và thẩm định vì đây là nội dung nằm trong chương trình học. “Nhiều người cho rằng, quy trình thẩm định tiết học ngoài nhà trường chính là rào cản gây khó khăn cho các trường. Đây là quan điểm không đúng. Tiết học ngoài nhà trường là nội dung nằm trong chương trình học do Bộ GD-ĐT quy định nên quy trình thẩm định chỉ nhằm mục đích đánh giá, định hướng xem tiết học đó có phù hợp với đối tượng học tập hay không, có đạt yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng theo quy định của bộ hay không, địa điểm tổ chức đủ những nội dung theo yêu cầu bài học chưa, quy trình đánh giá, kiểm tra học sinh sau tiết học liệu đã thỏa đáng, quy trình thực hiện liệu đã đảm bảo an toàn cho học sinh hay chưa… Đây là yêu cầu bắt buộc nhằm giúp các trường đạt hiệu quả cao nhất khi thực hiện các tiết học ngoài nhà trường”, ông Tân khẳng định.

Ngọc Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)