Thiết kế sản phẩm infographic (đồ họa trực quan), giới thiệu sách bằng hình thức trực tuyến là những hoạt động dạy học văn sáng tạo được cô Mai Thu Thủy (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM) tổ chức cho học sinh 2 lớp 12A2 và 12A4.
Tác giả Quang Dũng qua cách thể hiện một tờ báo
“Học tập sáng tạo”
Đây là tên gọi chung cho hoạt động thiết kế sản phẩm infographic và giới thiệu sách được cô Mai Thu Thủy triển khai cho các em học sinh. Trong đó, thiết kế sản phẩm infographic là hoạt động nhóm và giới thiệu sách là hoạt động cá nhân. “Dạy và học bằng hình thức trực tuyến buộc các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cũng phải được thay đổi theo để phù hợp. Thay vì tổ chức các dự án học tập lớn như dạy học trực tiếp thì dạy học trực tuyến, các hoạt động sẽ được thu nhỏ lại. Chủ yếu là thay đổi không khí lớp học, giúp việc học văn trực tuyến được nhẹ nhàng hơn”, cô Thủy chia sẻ.
Cụ thể, với hoạt động thiết kế sản phẩm infographic, học sinh mỗi lớp được chia thành 6 nhóm, tìm hiểu các tác giả, tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 12 học kỳ I. Rất nhiều hình thức sáng tạo đã được học sinh 2 lớp thể hiện. Không chỉ đơn thuần khái quát nội dung về tác giả, tác phẩm, nhiều nhóm đã thành lập tờ báo, vẽ tranh, tập sách, hình ảnh. Diện mạo tác giả, tác phẩm xuyên suốt môn ngữ văn học kỳ I được truyền tải đầy đủ, đặc sắc. Đơn cử, chỉ riêng tác giả Tố Hữu với tác phẩm “Việt Bắc”, nhóm của Lê Nguyễn Nhật An (lớp 12A4) đã thể hiện qua 11 trang infographic theo hình thức một tập sách, khái quát về tác giả, tác phẩm, phân tích các đoạn thơ tiêu biểu trong tác phẩm. Trong khi đó, một nhóm học sinh lớp 12A2 lại thể hiện tác giả Quang Dũng với tác phẩm “Tây Tiến” bằng hình thức một tờ báo. Tương tự, tác phẩm “Sóng” của tác giả Xuân Quỳnh lại được nhóm của Phó Ngọc Song Khuê (lớp 12A4) thể hiện ấn tượng qua thiết kế 3D… “Ý tưởng và hình thức thể hiện của học sinh rất đẹp. Các em vận dụng CNTT hết sức linh hoạt, thuần thục, thiết kế các sản phẩm khiến tôi rất ấn tượng. Chương trình Ngữ văn lớp 12 học kỳ I chỉ có 6-7 tác giả nhưng có đến 12 nhóm thực hiện, vì vậy có nhiều tác giả được các nhóm thể hiện trùng nhau. Tuy nhiên, qua góc nhìn cùng với cách thức vận dụng CNTT để lên ý tưởng, thiết kế, các em đã mang đến một diện mạo mới cho từng sản phẩm”, cô Thủy đánh giá.
Ở hoạt động giới thiệu sách, các em học sinh chọn cuốn sách mà mình yêu thích, qua video hoặc audio để thể hiện về cuốn sách đó, giới thiệu tác giả, nội dung khái quát, bài học rút ra từ cuốn sách. Đăc biệt là đọc và cảm nhận một đoạn văn trong cuốn sách mà mình yêu thích nhất. “Nếu lựa chọn giới thiệu bằng hình thức quay video, tôi khuyến khích học sinh tận dụng chính không gian trong nhà để tìm góc quay phù hợp có sự xuất hiện của các em trong những thước phim. Còn đối với hình thức audio thiên về giọng đọc các sản phẩm cần có âm nhạc kèm theo, khuyến khích các em tự chơi một loại nhạc cụ trong chính sản phẩm của mình”, cô Thủy cho hay.
Kết quả, có 79 sản phẩm giới thiệu sách của học sinh 2 lớp, mỗi sản phẩm mang một thông điệp và màu sắc riêng, xoay quanh tình yêu thương, tình cảm bạn bè, gia đình, niềm tin vào cuộc sống… “Dù là năm đầu tiên lựa chọn hình thức giới thiệu sách bằng video và audio, học sinh cũng không thể ra ngoài để ghi hình sản phẩm do hạn chế bởi dịch bệnh nhưng sự thể hiện của các em qua mỗi sản phẩm lại cực kỳ sáng tạo. Chỉ từ các góc học tập, sân vườn, sân thượng… nhưng các em đã sáng tạo những góc quay rất gần gũi, nghệ thuật. Thậm chí các em còn sử dụng chính công nghệ để cập nhật xu hướng mới, đóng 2 vai tạo cuộc đối thoại, phỏng vấn để chia sẻ về cuốn sách…”, cô Thủy bổ sung.
Trưng bày trực tuyến
Ở cả 2 hoạt động nhóm và cá nhân, các sản phẩm đều được thể hiện qua hình thức trực tuyến. Sau khi hoàn thành, sản phẩm được đưa lên trang padlet mỗi lớp giống như một khu trưng bày trực tuyến. Giáo viên đánh giá, nhận xét và chấm điểm ngay trên khu trưng bày trực tuyến, bên dưới mỗi sản phẩm. “Từ khu trưng bày này, từng nhóm, từng cá nhân đều nhìn thấy sản phẩm của nhau. Qua đó, một lần nữa các em tự hệ thống lại kiến thức môn học, học hỏi sự sáng tạo của bạn bè và nhất là biết thêm được nhiều cuốn sách hay, ý nghĩa, xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường. Ngoài đánh giá trực tiếp dưới mỗi sản phẩm, tôi còn dành riêng một tiết online để đánh giá chung thêm cho mỗi lớp, lựa chọn các sản phẩm xuất sắc để học sinh giới thiệu, chia sẻ lại”, cô Mai Thu Thủy nói.
Tác phẩm “Sóng” của Xuân Quỳnh được thể hiện bằng hình ảnh 3D
Việc cùng lúc triển khai 2 hoạt động, cô Thủy cho rằng sẽ giúp phát huy tối đa khả năng của học sinh, từ việc nắm bắt kiến thức bài học, sự sáng tạo cho đến khả năng làm việc nhóm, thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá. Không chỉ thế, sự sáng tạo của học sinh còn tác động ngược lại giáo viên, giúp giáo viên đổi mới hơn nữa trong cách thức giảng dạy.
Lựa chọn tác phẩm “Mắt Biếc” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh làm cuốn sách giới thiệu, Xuân Nhiên (lớp 12A2) đã tự chơi đàn Piano cũng như tự thể hiện bài hát để chèn vào. Với Nhiên, đây là cơ hội để em thể hiện khả năng của mình. “Em rất thích cách học văn này. Bằng các hoạt động cụ thể, thực tế, chúng em được trải nghiệm, thể hiện bản thân. Học văn nhưng không đơn thuần chỉ là học văn mà còn học thêm về cách thức làm việc nhóm, cách sử dụng CNTT, kỹ thuật quay, ghi hình, cách viết câu cho uyển chuyển, cảm xúc… Hình thức này giúp việc học văn dù trực tuyến nhưng không còn đơn điệu, nhàm chán”, Nhiên bày tỏ.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, các sân chơi trải nghiệm bị hạn chế, cô Thủy nhận định, việc đưa sách vào môn học đã mở ra thêm cho học sinh một hình thức để các em giải tỏa áp lực. Ngoài ra, việc học với các hình ảnh infographic sẽ giúp học sinh ôn lại kiến thức một cách nhẹ nhàng. “Bản thân học sinh thích ứng rất nhanh. Chỉ cần giáo viên trao cho học sinh cơ hội, tận dụng CNTT để phát huy lợi thế của các em thì dù là học trực tuyến, các em vẫn thể hiện được năng lực và sự sáng tạo”, cô Thủy đánh giá.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)