Giúp cho học viên hiểu đúng về ngành nghề tại Trường TC Nghề Du lịch và khách sạn Khôi Việt. Ảnh: D.B
|
Trong nhiều năm qua, công tác hướng nghiệp ở bậc THPT đã đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp, đóng góp không nhỏ vào thành công trong công tác GD-ĐT của các trường TCCN, CĐ và ĐH.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, hướng nghiệp không chỉ dừng lại ở bậc THPT mà vẫn phải tiếp nối ở các bậc đào tạo sau đó. Và trách nhiệm của các trường TCCN, CĐ, ĐH trong công tác này là rất nặng nề. Bởi, chúng ta phải hướng nghiệp như thế nào để các em có “nghề” và có “nghiệp”.
1. Đầu tiên, xin đề cập về “nghề” và “nghiệp”. Chúng ta có sơ đồ “quy trình sự nghiệp” như sau: (Hình 1)
Chúng ta thử đặt ra các câu hỏi sau: Như thế nào là “nghề”? Thế nào là “giỏi nghề”? Tại sao phải “giỏi nghề”?… Đây là những vấn đề mang tính chiến lược trong công tác hướng nghiệp. Bởi, hướng nghiệp không chỉ là định hướng, phân tích cho học sinh hiểu về ngành nghề (đặc tính, điều kiện, mức độ “khó, dễ”…) hay học lực, “tỷ lệ chọi”… mà chúng ta còn phải chỉ ra cho học sinh một vấn đề rất quan trọng: Dù học ngành nghề nào, ở cấp độ nào, học vì mục đích gì – kết quả cuối cùng vẫn là: Các em có “chen chân” vào doanh nghiệp được không? Hay nói cách khác, các em có ứng dụng nghề mình đã học vào thực tiễn công việc và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường không?
Có nhiều quan điểm khác nhau về nghề. Theo Từ điển tiếng Việt (1998) thì “nghề là công việc chuyên làm, theo sự phân công của xã hội”, “nghề là công việc chuyên làm”. Chúng ta vẫn thường hỏi nhau: “Bạn làm nghề/ công việc gì? Cách trả lời thông dụng nhất là: Tôi làm… (bác sĩ, giáo viên, thợ hồ, lái xe…). Suy cho cùng, chúng ta đang quan tâm: Người đó có giỏi nghề không? để trao niềm tin, trao niềm hy vọng và hơn thế nữa.
Để giỏi nghề cần phải hội đủ ba yếu tố sau: Am tường chuyên môn (tài); tư duy tốt (tầm); quan điểm đúng đắn (tâm). Hay nói cách khác, giỏi nghề được thể hiện qua tiêu chí “tâm sáng, tầm cao, tài vượt trội”.
2. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8-2013 ước đạt 676.719 lượt, tăng 2,8% so với tháng 7-2013 và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2012. Trong 8 tháng đầu năm, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 4.875.447 lượt, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Du lịch trong nước cũng là lựa chọn ngày càng tăng với 29,3 triệu lượt trong 8 tháng đầu năm 2013. Tỉ lệ thuận với tăng trưởng của ngành du lịch là dịch vụ khách sạn. Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường phát triển bậc nhất cho ngành khách sạn khu vực châu Á.
“Trình độ ngoại ngữ hạn chế, kỹ năng nghiệp vụ thiếu khiến chúng ta không khai thác hết được nguồn nhân lực…”, TS. Lã Quốc Khánh – Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM – cho biết. |
Dự báo nhu cầu nhân lực của Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Trong khi đó, số lượng sinh viên chuyên ngành ra trường khoảng 15.000 người/năm. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch – khách sạn hiện đang thiếu hụt nhân lực giỏi mặc dù sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ rất đông. Tại hội thảo “Đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội” vừa được tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Đình Thành – Phó tổng giám đốc Công ty VITOURS – cho biết: “Công ty từng có chương trình hỗ trợ cho sinh viên ngành du lịch, “đặt hàng” các em xuất sắc tại một số trường nhưng không hiệu quả. Khi tuyển dụng, công ty vẫn phải đào tạo lại mới có thể đáp ứng nhu cầu thực tế, gây lãng phí rất lớn. Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Quyền – Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ lữ hành Bến Thành Tourist – cho biết Việt Nam đang bỏ ngỏ một thị trường vì ngoại ngữ yếu! Ông Quyền chia sẻ bằng chính thực trạng ở trung tâm mình: 30% thị trường khách du lịch nước ngoài cần hướng dẫn viên nói được tiếng Đức, Nhật, Hàn Quốc. Thế nhưng, do không tìm được lao động chuyên ngành đủ trình độ đáp ứng nhu cầu trên nên hiện trung tâm đành chấp nhận bỏ ngỏ thị trường này. Ông Tào Văn Nghệ – Giám đốc điều hành khách sạn Majestic (TP.HCM) – cũng cho biết: “Tiếng Anh là ngoại ngữ phổ biến nhất thế nhưng sinh viên vẫn rất yếu. Chúng tôi đã từng đưa ra những câu hỏi rất dễ để “thử trình độ” nhưng các em cũng không hề trả lời được…”.
Như vậy, do thiếu kỹ năng và tư duy làm việc thực tiễn nên hầu hết các em không đáp ứng nổi nhu cầu căn bản của doanh nghiệp, dù có đầy đủ trong tay bằng ĐH, CĐ…
Trước tình trạng này, doanh nghiệp cũng chỉ biết “kêu khổ” chứ chưa có những bước đột phá để tìm cho mình một nguồn cung ứng nhân lực giỏi. Và, họ cũng “ngại” tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp. Trong khi đó, đa phần các em cũng không biết vì sao mình không được tuyển dụng, thường nghĩ đơn giản “do mình mới tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm”. Điều này dẫn đến sự lãng phí nguồn nhân lực rất lớn.
3. Làm thế nào để khắc phục sự lãng phí không đáng có này? Làm thế nào để sau khi tốt nghiệp THPT hoặc ĐH, CĐ, TCCN, các em có đầy đủ kỹ năng và tư duy làm việc, hay nói cách khác – các em có nghề và giỏi nghề để không uổng phí công sức học tập, để được các doanh nghiệp uy tín đón nhận và trở thành những người thành đạt trong xã hội?
Theo chúng tôi, trong giai đoạn hướng nghiệp tại trường phổ thông chúng ta cần tăng cường phối hợp với các trường và giáo viên để tổ chức các hội thảo chuyên đề nhằm “định nghĩa” một cách thực tế nhất cho các em về các ngành nghề. Riêng trong giai đoạn đào tạo tại Trường Khôi Việt, chúng tôi thực hiện công tác hướng nghiệp chuyên sâu với sự tham gia của các chuyên gia, đồng thời thực hiện chiến lược đào tạo “rèn kỹ năng, luyện tư duy” ngay từ khi các em mới bắt đầu vào học theo định hướng bắt buộc. Theo định hướng này, các em phải hoàn thành các chương trình hướng nghiệp chuyên sâu tại trường; hoàn thành chương trình ngoại ngữ chuyên biệt và chương trình đào tạo lý thuyết về nghiệp vụ, kỹ năng – tư duy làm việc chuyên sâu tại trường (khoảng 20%); hoàn thành các chương trình thực hành (khoảng 80%)…
Với giải pháp này, chúng tôi khẳng định rằng, để giải quyết thực trạng khó khăn về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp hay “rút ngắn con đường đến với doanh nghiệp” cho các em học sinh sau khi tốt nghiệp là điều không khó.
Nguyễn Thị Hồng Huế
(Hiệu trưởng Trường TC Nghề Du lịch và khách sạn Khôi Việt)
Bình luận (0)