Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc THPT được xác định là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Do đó, đổi mới công tác hướng nghiệp cho học sinh trở thành yêu cầu cấp thiết, được nhiều trường THPT tại TP.HCM đẩy mạnh trong năm học này.
Theo các chuyên gia, hướng nghiệp tiệm cận theo nhu cầu học sinh sẽ mang lại hiệu quả cao
Tạo lập hệ sinh thái hướng nghiệp
Mới đây, Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) đã tổ chức chương trình hướng nghiệp cho học sinh với chủ đề “Ai quyết định tương lai của bạn”. Tại chương trình, các ngành học, trường học mà học sinh trong trường quan tâm đều được giáo viên giải đáp theo hình thức tư vấn chung, tư vấn riêng và gặp gỡ 1:1. Thầy Trần Công Tuấn (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ, khác với các chương trình hướng nghiệp truyền thống theo kiểu hướng nghiệp đại trà, công tác hướng nghiệp hiện nay được nhà trường “đánh mạnh” vào nguyện vọng của từng học sinh, song song tác động đến đội ngũ giáo viên chủ nhiệm. “Khi mời đại diện các trường đại học về tư vấn hướng nghiệp tại trường, nhà trường sẽ ghi nhận những thắc mắc của học sinh, nguyện vọng muốn tìm hiểu về ngành nghề để đặt hàng các đơn vị tư vấn chuyên sâu, sát sườn hơn. Ngoài ra, khi tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp có sự góp mặt của đại diện các trường đại học, nhà trường đều huy động đội ngũ giáo viên chủ nhiệm tham gia để bồi dưỡng, tập huấn thêm cho thầy cô kỹ năng, kiến thức về hướng nghiệp trong bối cảnh đổi mới giáo dục như hiện nay”, thầy Tuấn thông tin.
Trao đổi thêm, thầy Tuấn cho biết trên thực tế các ngành học, công việc ngày càng có sự đa dạng, đề án tuyển sinh của các trường đại học cũng có thể thay đổi, điều chỉnh theo từng năm thì vai trò của công tác hướng nghiệp học sinh ở trường phổ thông là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn độc thực hiện, trường phổ thông sẽ không thể hoàn thiện được vai trò của mình để mang lại hiệu quả hướng nghiệp cao nhất vì đội ngũ giáo viên tư vấn hướng nghiệp tại trường phổ thông chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng. “Phải có sự hỗ trợ từ các trường đại học, cụ thể trường phổ thông đặt hàng, trường đại học tư vấn, tạo ra hệ sinh thái trong công tác hướng nghiệp. Điều này không chỉ giúp học sinh thụ hưởng khi được giải đáp những băn khoăn, thắc mắc về ngành học, trường học; lựa chọn đúng ngành, đúng trường học phù hợp với năng lực, sở thích mà còn hướng tới mục tiêu hướng nghiệp đã đặt ra trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc THPT”, thầy Tuấn nhấn mạnh.
Tương tự, đại diện Trường THPT Long Trường (TP.Thủ Đức) khẳng định, hệ sinh thái hướng nghiệp càng phát huy hiệu quả với các trường phổ thông có đối tượng học sinh có điểm đầu vào chưa cao, bởi sẽ như “mưa dầm thấm lâu”. “Khi được tiếp cận với nhiều thông tin hướng nghiệp như ngành học, trường học, các yêu cầu về kỹ năng, năng lực, tố chất của bản thân đối với từng ngành nghề…, học sinh sẽ có thêm những hiểu biết về nhu cầu thị trường lao động ở các ngành nghề, về yêu cầu đòi hỏi của ngành học, soi chiếu với năng lực bản thân để xem có phù hợp hay không. Để làm được điều này, trường phổ thông cần sự hỗ trợ của các trường đại học, nhất là khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở bậc THPT”, đại diện Trường THPT Long Trường chỉ rõ.
Học sinh đặt hàng – nhà trường gỡ khó
Tại Trường THPT Hiệp Bình (TP.Thủ Đức), công tác hướng nghiệp cho học sinh trong năm học này được nhà trường chú trọng đẩy mạnh. Song song tổ chức chương trình tư vấn với đại diện các trường đại học, học sinh còn được trải nghiệm một ngày làm sinh viên tại trường đại học. Đặc biệt, nhà trường phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm, đổi mới bộ môn hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả cao nhất. “Giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp hiểu năng lực học sinh nhất, đồng thời cũng là thầy cô gắn bó, đồng hành với các em nhiều nhất, do vậy học sinh cũng có xu hướng chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm những băn khoăn, nguyện vọng ngành nghề của các em. Vì thế, nhà trường luôn khuyến khích giáo viên chủ nhiệm trò chuyện, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của học sinh để hỗ trợ kịp thời các em. Với những băn khoăn của học sinh mà giáo viên chủ nhiệm chưa thể giải đáp được, nhà trường sẽ thiết kế, xây dựng các chuyên đề có sự tham gia của chuyên gia hướng nghiệp để kịp thời giải đáp cho các em”, cô Lê Thị Ngọc Anh (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) trải nghiệm thực tế tại trường đại học
Trong khi đó, ở Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), công tác hướng nghiệp cho học sinh lại được thiết kế, tổ chức tiệm cận nhất với mong muốn, nguyện vọng của từng học sinh thông qua nhiều hình thức, như tư vấn chung, tư vấn riêng tại phòng tư vấn; hướng nghiệp trải nghiệm trực tiếp… Trong đó, đáng chú ý nhất là tư vấn theo hình thức: học sinh đặt hàng – nhà trường gỡ khó. Thầy Nguyễn Hùng Khương (Phó Hiệu trưởng nhà trường) thông tin, mỗi năm nhà trường tổ chức 5-7 chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh toàn trường và các khối lớp có sự gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với chuyên gia tư vấn đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố. Từ các chương trình tư vấn hướng nghiệp tại sân trường, nhà trường tổ chức các gian hàng, phòng tư vấn riêng để học sinh có nhu cầu tìm hiểu sâu thì gặp gỡ, đặt câu hỏi. Sau cùng, học sinh sẽ đăng ký các nguyện vọng tìm hiểu ngành nghề, trường học để “đặt hàng” nhà trường tổ chức trải nghiệm thực tế tận nơi. Năm rồi do dịch bệnh nên cách thức hướng nghiệp này được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Năm nay, học sinh nhà trường đã đến trải nghiệm thực tế về các ngành học tại 16 trường đại học mà các em có mong muốn tìm hiểu.
Thầy Khương đánh giá, với học sinh khối lớp 12, chuyến trải nghiệm thực tế sẽ giúp các em có thêm động lực học tập, tự tin hơn với lựa chọn của mình hoặc là nhận ra sự chưa phù hợp để thay đổi nguyện vọng phù hợp với bản thân. Còn với học sinh khối lớp 10, 11, những chuyến trải nghiệm thực tế lại giúp các em có cái nhìn sớm về định hướng nghề nghiệp để lựa chọn ngành học một cách phù hợp nhất. “Để đổi mới công tác hướng nghiệp khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từng trường học phải mạnh dạn, chủ động, không thể ngồi yên một chỗ. Làm sao công tác hướng nghiệp phải hướng đến nhu cầu thực tế của mỗi học sinh cũng như thực tế triển khai chương trình tại trường, có như vậy mới thực sự hiệu quả”, thầy Khương nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)