Giáo viên ủng hộ với những yêu cầu đổi mới mạnh mẽ trong kiểm tra, đánh giá ở môn ngữ văn như sử dụng ngữ liệu kiểm tra ngoài sách giáo khoa (SGK)… Song, một số giáo viên cho rằng việc thực hiện cần đi kèm với những hướng dẫn và có lộ trình cụ thể, tránh “dục tốc bất đạt”.
Giáo viên đồng tình, ủng hộ với những yêu cầu đổi mới mạnh mẽ ở môn ngữ văn
Đổi mới là yêu cầu cấp bách
“Trải nghiệm học văn cùng cô Xuân” là dự án văn học… không thời hạn được cô Phạm Thanh Xuân (giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM) mở ra từ năm 2020. Theo đó, dự án bao gồm nhiều dự án nhỏ được cô Xuân tổ chức cho học sinh các khối lớp trong từng năm học. “Văn học luôn gắn liền với cuộc sống. Khi học văn, nếu học sinh có những trải nghiệm thực tế, các em sẽ cảm thụ văn học một cách sâu sắc, viết văn không khuôn mẫu, sáo mòn. Thông qua các dự án văn học, từng bài giảng trong SGK đã bước ra ngoài cuộc sống, do chính học sinh thể hiện. Ngoài kiến thức văn học trong chương trình, ở mỗi dự án, học sinh còn phải tìm hiểu thêm những kiến thức cuộc sống, đọc thêm nhiều nguồn tài liệu mở để tăng vốn hiểu biết cho bản thân”, cô Xuân chia sẻ.
Khác với cách học văn theo kiểu truyền thụ một chiều trước đây, theo cô Xuân, khi đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, còn học sinh phải chủ động trực tiếp tham gia vào bài học. Từ đó học sinh nắm chắc tư duy và phương pháp làm bài, chủ động xử lý trong các tình huống, dạng đề mở mà ngữ liệu bên ngoài SGK…
Nhìn nhận về việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở môn ngữ văn, cô Xuân cho rằng không phải bây giờ vấn đề đó mới được giáo viên tại TP.HCM thực hiện mà đã trở thành yêu cầu và nhiệm vụ xuyên suốt trong từng năm học ở mỗi nhà trường. Quá trình đổi mới bắt đầu từ việc thay đổi cách thức truyền thụ một chiều sang tương tác đa chiều, học sinh tự tìm hiểu kiến thức bài học qua các nhiệm vụ giáo viên giao. Việc đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá còn được thông qua các dự án, sản phẩm của chính học sinh thực hiện trong bài học, đa dạng với nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh để phát huy tối đa phẩm chất, năng lực các em. “Khi được làm quen với việc học và kiểm tra, đánh giá theo hướng mở, học sinh dễ dàng chủ động hơn khi tiếp cận với các đề kiểm tra theo hướng thực tế đang là xu hướng đánh giá hiện nay. Đặc biệt, việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở môn học càng có vai trò quan trọng, trở thành yêu cầu cấp bách trong tiến trình đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, cô Xuân nhấn mạnh.
Giáo viên cần mạnh dạn, song không nôn nóng
Một trong những yêu cầu của Bộ GD-ĐT về việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông từ năm học 2022-2023 nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng nề lý thuyết và học thuộc lòng theo văn mẫu là yêu cầu về việc đánh giá học sinh trong môn học tránh dùng lại các văn bản có trong SGK, khuyến khích xây dựng và sử dụng các đề kiểm tra mở… Tại TP.HCM, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở môn ngữ văn được thực hiện từ nhiều năm qua. Trong các kỳ thi như kỳ thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh vào lớp 10…, đề thi môn ngữ văn đều có yếu tố mới mẻ, thực tế với nhiều ngữ liệu ngoài SGK. Thầy Võ Kim Bảo (giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM) nhận định, yêu cầu không sử dụng lại ngữ liệu SGK trong kiểm tra cuối cấp, cuối học kỳ là rất đúng đắn, bởi sẽ hạn chế tình trạng học sinh học tủ, học vẹt, bói đề, đoán đề. Và nhất là buộc giáo viên phải đổi mới. Dù vậy, băn khoăn hiện nay là cách thức ra đề với ngữ liệu ngoài SGK sẽ như thế nào, đánh giá học sinh sẽ ra sao đối với đề kiểm tra đó. “Với yêu cầu đổi mới này thì cần làm một cách đồng bộ, xuyên suốt từ trên xuống. Giáo viên phải được tập huấn trong khâu ra đề, có những đề tham khảo để giáo viên dễ hình dung. Hiện nay, ngay cả khi có chung một ma trận đề, năng lực ra đề của mỗi giáo viên cũng không đồng đều. Như vậy, việc ra đề với ngữ liệu ngoài SGK thì Bộ GD-ĐT phải có hướng dẫn chấm, sao cho trước những sáng tạo của học sinh trong đề mở thì giáo viên phải có tư duy chấp nhận”, thầy Bảo đề xuất.
Việc ra đề kiểm tra với ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cần được thực hiện xuyên suốt, có lộ trình
Bày tỏ sự ủng hộ trước những yêu cầu đổi mới mạnh mẽ trong kiểm tra, đánh giá ở môn ngữ văn, ThS. Phan Thế Hòa (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM) khẳng định, việc tránh dùng lại các văn bản trong SGK có nhiều ưu điểm như triệt tiêu văn mẫu, chấm dứt học vẹt; khơi gợi sự hứng thú cho học sinh khi làm bài; đánh giá chính xác năng lực của người học… Theo ThS. Hoài, để thực hiện yêu cầu đổi mới này một cách đồng bộ, bài bản, trước hết giáo viên phải thay đổi phương pháp. Cụ thể, chấm dứt việc thầy đọc/chiếu, trò chép; việc truyền đạt một chiều, thay vào đó để học sinh phải chủ động, tích cực. Thứ hai, giáo viên phải thay đổi hình thức ra đề kiểm tra theo lối mòn. Cùng với đó là thay đổi cách đánh giá, trong đó ghi nhận sự tiến bộ của học sinh qua những phát hiện mới mẻ, thậm chí với cả những quan điểm trái chiều của học sinh. “Khi trao cho giáo viên công cụ đổi mới, Bộ GD-ĐT cần có sự chỉ đạo rõ ràng về chuyên môn giúp thầy cô, học sinh không bỡ ngỡ. Ví dụ, cách thức ra đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ, cấu trúc đề thi tuyển sinh, đề thi tốt nghiệp. Cùng với đó là các tiêu chí đánh giá có liên quan. Riêng nhà trường, cần trao quyền chủ động cho tổ chuyên môn. Như thế, đòi hỏi tổ trưởng chuyên môn phải vừa giỏi chuyên môn và nghiệp vụ”, ThS. Hoài đặt vấn đề.
Tuy nhiên, ThS. Hoài cho rằng yêu cầu đổi mới này cần phải có lộ trình, từng bước thực hiện, nếu không sẽ rơi vào tình trạng “dục tốc bất đạt”. Đơn cử như đề thi tuyển sinh lớp 10, đề thi tốt nghiệp THPT năm học 2022-2023 phải giữ nguyên, để học sinh và giáo viên làm quen.
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)