Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đổi mới mô hình tổ chức đảng bộ doanh nghiệp nhà nước

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 13-8, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 196-QĐ/TW về tổ chức đảng trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; quyết định197/QĐ-TW về Quy chế phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với cấp ủy địa phương của Ban Bí thư. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng đề án mô hình tổ chức đảng bộ doanh nghiệp nhà nước chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị và các ý kiến phát biểu tại hội nghị đã cho rằng: Hầu hết các nội dung quy định trong Quy định số 196 và Quyết định số 197, nhất là các nội dung quy định về mô hình tổ chức đảng; điều kiện thành lập đảng bộ toàn doanh nghiệp; việc thành lập đảng bộ công ty mẹ doanh nghiệp; việc thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở có vị trí quan trọng, nhiều đầu mối trực thuộc, đông đảng viên; việc xây dựng các quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, trách nhiệm, quyền hạn của các đảng ủy doanh nghiệp; việc chuyển giao tổ chức đảng doanh nghiệp về trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và cấp ủy địa phương đảm bảo theo quy định Điều lệ Đảng, đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được.

Các tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước nhìn chung đã được sắp xếp, tổ chức cơ bản theo quy định, bước đầu hoạt động có hiệu quả, góp phần lãnh đạo việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, cơ bản tập trung vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà nhà nước cần nắm giữ, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nhu cầu quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, vai trò của tổ chức đảng doanh nghiệp nhà nước vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm hạn chế vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước là mô hình tổ chức của đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại còn có những bất cập, chưa được kịp thời kiện toàn phù hợp.

Tại hội nghị, từ thực tế công tác, các đại biểu đánh giá về các mô hình tổ chức đảng theo Quy định 196, nêu những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện; đề xuất hướng sắp xếp mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng phù hợp hơn với thực tiễn để bảo đảm và tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng trọng các doanh nghiệp nhà nước; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước. Các đại biểu trao đổi kinh nghiệm và hiệu quả phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với cấp ủy địa phương; đóng góp ý kiến vào đề án mô hình tổ chức đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước.

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thanh Hải đề nghị, trong thời gian tới, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương, nhất là các đảng ủy doanh nghiệp nhà nước cần rút kinh nghiệm, xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện tốt Quy định số 196 và Quyết định số 197 của Ban Bí thư. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với tổ chức có liên quan sớm nghiên cứu trình Ban Bí thư xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung những tiêu chí về việc thành lập đảng bộ toàn doanh nghiệp nhà nước; đảng bộ công ty mẹ doanh nghiệp nhà nước và việc chuyển các tổ chức đảng doanh nghiệp về trực thuộc Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương hoặc về cấp ủy địa phương cho phù hợp với thực tiễn công tác trong doanh nghiệp hiện nay. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp nghiên cứu, đề xuất Ban Bí thư ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của đảng ủy doanh nghiệp nhà nước (cấp ủy là cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng).

Các đảng ủy doanh nghiệp nhà nước cần tăng cường ký quy chế phối hợp công tác với cấp ủy địa phương, nơi đơn vị thành viên đóng trên địa bàn. Các đảng ủy doanh nghiệp nhà nước đã ký quy chế phối hợp cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Để khắc phục những bất cập về mô hình tổ chức đảng, Ban Chỉ đạo đề nghị Ban Bí thư giao cho Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xác định rõ tiêu chí đối với đảng bộ toàn doanh nghiệp hoặc không toàn doanh nghiệp để có cơ sở thực hiện và khắc phục được những khó khăn, tồn tại. Khi xác định mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước phải căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Quy định số 196 (đã sửa đổi, bổ sung) để đảm bảo lãnh đạo doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển bền vững, tăng lợi nhuận, góp phần ổn định kinh tế – xã hội; chú ý xem xét đến lịch sử, quá trình trưởng thành và phát triển của doanh nghiệp và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Đối với các doanh nghiệp quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, doanh nghiệp mà nhà nước giữ cổ phần chi phối, chức năng, nhiệm vụ của đảng ủy, đảng bộ phải đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện đối với doanh nghiệp; nghiên cứu mô hình ban cán sự đảng ở một số tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước.

Ban Chỉ đạo xây dựng đề án mô hình tổ chức đảng bộ doanh nghiệp nhà nước đề nghị Ban Bí thư giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ chủ trì cùng với các ban Đảng trung ương và các tổ chức có liên quan tiến hành rà soát, đánh giá đề xuất với cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập, chưa đồng bộ giữa các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, chính sách cán bộ trong các doanh nghiệp nhà nước nói chung và cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp nhà nước nói riêng.

NGỌC MINH

(SGGP)

Bình luận (0)