Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đổi mới nhưng đừng quá xa lạ

Tạp Chí Giáo Dục

Xu hướng giáo dục hiện nay hướng đến việc hình thành cho học sinh những kỹ năng giải quyết vấn đề bằng các kiến thức được học, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Điều đó đòi hỏi sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, đổi mới trong cách kiểm tra, đánh giá. Đó cũng là những tiêu chí và yêu cầu trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.


Thí sinh ra về sau buổi thi môn toán kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TP.HCM năm 2024. Ảnh: Y.Hoa

Từ năm 2017 khi Bộ GD-ĐT chuyển từ hình thức thi tốt nghiệp THPT bằng tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm thì Sở GD-ĐT TP.HCM cũng thay đổi cấu trúc đề thi môn toán kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập theo hướng các câu hỏi mang tính vận dụng thực tế. Việc đổi mới đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập trong bối cảnh học sinh vẫn áp dụng chương trình cũ cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Số lượng các câu hỏi thực tế và mức độ vận dụng ngày càng tăng theo từng năm ít nhiều tạo áp lực với giáo viên và học sinh. Thống kê điểm thi sau mỗi kỳ thi tuyển sinh đều có khoảng 40-50% thí sinh dưới điểm trung bình môn toán. Điều đó cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc chứ không chỉ viện dẫn lý do “thi tuyển sinh là phải có phân hóa, chọn lọc”.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công l2ập năm nay là năm cuối còn áp dụng Chương trình giáo dục 2006 nên với cấu trúc đề thi tuyển sinh của TP.HCM được kỳ vọng cho các em học sinh tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học tới. Tuy vậy, sau khi kết thúc buổi thi môn toán, những giọt nước mắt tiếc nuối, thất vọng đã lăn trên khuôn mặt nhiều học sinh. Tất nhiên không phải lúc nào yêu cầu, mức độ đánh giá của đề thi cũng phù hợp với khả năng đáp ứng của học sinh và sự kỳ vọng của phụ huynh. Nhưng nhiều phụ huynh băn khoăn liệu rằng những câu hỏi trong đề thi có phải là “dạng lạ” với học sinh? Quan niệm từ trước tới giờ thì học sao thi vậy. Điều đó có những mặt tích cực, khuôn mẫu nhưng cũng có nhiều hạn chế.

Xu hướng giáo dục hiện nay, giáo viên không chỉ truyền tải kiến thức cho học sinh, nhưng có vai trò hướng dẫn, tổ chức hoạt động học tập, trao quyền chủ động học tập cho người học thông qua định hướng của giáo viên. Đây là vấn đề cốt lõi trong sự đổi mới giáo dục. Do đó, cách ra các dạng câu hỏi liên quan thực tế cũng là tiệm cận với xu hướng giáo dục tiên tiến. Tuy nhiên đổi mới phải từng bước, căn bản, đồng bộ phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học. Dù đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của TP.HCM có được coi là hay, sáng tạo nhưng có vẻ vẫn còn mới và vội vàng! Việc lồng ghép kiến thức đời sống vào bài học là cần thiết nhưng nếu đem hết tất cả vào kín hai mặt trang đề thi trong một khoảng thời gian làm bài nhất định cũng gây những áp lực không nhỏ cho các thí sinh. So sánh đề thi năm nay với đề thi các năm trước, tôi cho rằng mức độ vận dụng của các câu hỏi nhiều hơn. Cụ thể, bài 5 với một bài toán hình học không gian cho một khối cầu đặt trong khối lập phương và đặt trong khối trụ. Việc so sánh thể tích của khối lập phương và khối trụ ngoại tiếp khối cầu là mức độ vận dụng cao thay vì câu hỏi chỉ yêu cầu tính thể tích của một khối cầu, khối trụ khi biết các yếu tố liên quan. Một số câu học sinh đã được học ở lớp 8, như bài toán hai vật chuyển động ngược chiều ở bài 6, hay dạng bài toán hai vòi nước cùng chảy vào một bể ở bài 7 đều là những kiến thức học sinh đã được học qua. Tuy vậy, nếu một học sinh chỉ hoàn thành chương trình lớp 9 mà không ôn luyện các dạng toán trong đề thi tuyển sinh thì liệu rằng có thể giải quyết được yêu cầu của đề thi hay không? Vẫn còn đó những tranh luận về cái tốt, cái chưa tốt của một đề kiểm tra, đánh giá. Đề dài, đề ngắn cũng chưa chắc là đề dễ, đề khó. Đơn cử là đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của tỉnh Khánh Hòa năm nay, dù số câu hỏi ít hơn đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của TP.HCM nhưng không phải thí sinh nào cũng làm bài tốt.

Rất nhiều người băn khoăn liệu rằng chất lượng dạy học đã đáp ứng được yêu cầu của đề thi hay chưa? Tôi cho rằng cần có sự phối hợp giữa việc dạy, việc học và việc ra đề sao cho đồng bộ. Chính sự bất cập ngay từ ý kiến “đổi mới” chủ quan, nội dung đề thi chưa thật khớp với chương trình hiện hành, dù rằng gọi là “thi tuyển” để “lọc, lựa” nhưng người ra đề thi cũng cần cân nhắc số lượng câu hỏi phân hóa và mức độ yêu cầu nên vừa phải và vừa sức với học sinh. Không chỉ giữa chương trình cũ và nội dung đề thi tuyển sinh mới gặp tình trạng này, mà ngay chính giáo viên các trường THPT đang áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do thói quen cũ nên vẫn sử dụng nội dung câu hỏi không phù hợp vào các đề kiểm tra đánh giá thường xuyên hoặc đánh giá định kỳ. Tôi đơn cử trường hợp đề kiểm tra cuối học kỳ II năm học 2013-2014 của một trường phổ thông ở tỉnh Khánh Hòa có nội dung câu hỏi như sau: 

Tôi cho rằng đây là một bài toán không phù hợp để kiểm tra đánh giá, nội dung câu hỏi không nằm trong chương trình sách giáo khoa nhưng không biết vì lý do gì lại được chọn để làm câu hỏi của một đề kiểm tra cuối học kỳ. Chương trình toán lớp 10 đã áp dụng được 2 năm, thầy cô cũng đã làm quen với cấu trúc và các mạch kiến thức, cũng như những yêu cầu cần thực hiện trong quá trình giảng dạy. Điều đó đòi hỏi thầy cô phải nắm chắc kiến thức và hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của từng hoạt động trong mỗi tiết học. Nếu giáo viên vẫn giữ thói quen cũ, vẫn biện minh rằng “trước giờ tôi vẫn làm như thế” thì việc đổi mới trong giáo dục sẽ khó đạt được kết quả. Khi ra những đề thi “quá tầm” thì thầy cô cần hết sức thận trọng và hạn chế. Nó có thể làm hỏng những ý tưởng thiết kế mạch kiến thức được biên soạn trong sách giáo khoa. Nhất là nội dung những câu hỏi liên quan đến thực tế thì ngữ liệu và các thông tin trong bài toán đưa ra cần rõ ràng, phù hợp, có tính khả thi, kiến thức liên môn cần xét trong bối cảnh học sinh đã được học các kiến thức này ra sao, bởi lẽ ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 học sinh sẽ được chọn các nhóm tổ hợp môn khác nhau. Lồng ghép kiến thức đời sống để rèn kỹ năng, tăng cơ hội vận dụng kiến thức của học sinh là điều nên làm nhưng đừng lạm dụng. Đổi mới để học sinh thấy được cái hay của bài học chứ đừng để các em cảm thấy xa lạ, rồi chán ngán mỗi khi nhắc tới mấy từ “toán thực tế”.

Sự thay đổi công nghệ trên thế giới diễn ra từng ngày. Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đem lại nhiều lợi ích cho con người. Đây là một cơ hội rất lớn nhưng cũng là thách thức không hề nhỏ. Đổi mới giáo dục là cần thiết, cấp bách nhưng cần làm từng bước, từ việc xây dựng nền tảng cơ bản, đồng bộ, có tính chiến lược lâu dài. Việc ra đề tuyển sinh lớp 10 công lập của mỗi sở GD-ĐT để phù hợp với từng địa phương, cũng như đa dạng hình thức, tuy nhiên không tránh khỏi sự so sánh sự khác biệt của cách thức ra đề thi, dù rằng tất cả học sinh cùng học một chương trình giáo dục. Năm học tới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ áp dụng cho tất cả các khối lớp. Mong rằng sự đổi mới này sẽ đem lại điều tích cực cho giáo dục Việt Nam.

Lâm Vũ Công Chính

Bình luận (0)