Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới nội dung tiết chào cờ

Tạp Chí Giáo Dục

Tiết chào cờ mở đầu tuần học mới có vai trò quan trọng trong việc kích thích, tạo sự hứng thú học tập, rèn luyện đối với học sinh. Tuy nhiên, có một thực tế là, có nhiều học sinh hiện nay tỏ ra không mấy hào hứng với tiết chào cờ bởi nội dung đơn điệu. Ở nhiều trường học, tiết chào cờ vẫn được tổ chức với một kịch bản nhàm chán: Sau phần nghi lễ, hát Quốc ca là đến phần hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng tổng kết tuần, trong đó chủ yếu nhắc nhở, phê bình những tập thể lớp, cá nhân học sinh vi phạm và biểu dương những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong tuần. Không ít trường còn dành khoảng thời gian đáng kể để phạt đứng dưới cờ đối với những học sinh vi phạm nội quy trong tuần. Điều này thường xuyên lặp lại dẫn đến việc tiết chào cờ trở nên nặng nề, không phát huy được tính giáo dục đối với học sinh.

Để tiết chào cờ đầu tuần thật sự hấp dẫn học sinh, các trường học cần chủ động làm mới nội dung. Theo đó, phần lễ được tổ chức đầy đủ trong không khí trang nghiêm nhưng ngắn gọn, súc tích. Trong đó, yêu cầu toàn thể giáo viên và học sinh thực hiện tốt việc hát Quốc ca trực tiếp, không sử dụng băng đĩa có sẵn. Bên cạnh hoạt động tổng kết tuần và nêu kế hoạch ngắn gọn, thời gian còn lại nên được sử dụng để lồng ghép với các chủ đề, chủ điểm có liên quan, chẳng hạn như: Tháng 11 hướng đến chủ đề tri ân thầy cô; tháng 12 hướng đến chủ đề nhân rộng gương người tốt, việc tốt… Tùy theo điều kiện cụ thể, các trường cũng có thể lồng ghép tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống thiết thực, phù hợp như: giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại tình dục; phòng chống tai nạn thương tích, giao thông, đuối nước… Những hoạt động này có thể được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa do học sinh đảm nhiệm dưới sự hướng dẫn, tương tác của giáo viên. Với việc sáng tạo ra nhiều hoạt động sôi nổi, hào hứng, tiết chào cờ sẽ mang ý nghĩa giáo dục, góp phần tạo cho thầy và trò bước vào một tuần học tập, rèn luyện mới tràn đầy năng lượng, đạt được kết quả cao.

Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên Trường THPT Kim Liên,
Nam Đàn, Nghệ An)

Bình luận (0)