Một tiết dạy toán bằng giáo án điện tử tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM). Ảnh: ANh Khôi
|
Bộ GD-ĐT đã và đang bắt đầu thực hiện cải cách chương trình giáo dục một cách tổng thể và toàn diện.
Khởi đi từ thay đổi cách thức tuyển sinh ĐH kết hợp xét tốt nghiệp THPT bằng một kỳ thi quốc gia chung cho hai mục đích. Trước đó, đầu năm học 2014-2015 là thay đổi cách đánh giá học sinh (HS) tiểu học theo hình thức nhận xét thay cho điểm số, cùng nhiều thay đổi nhỏ trước đó.
Trong rất nhiều những thay đổi, những cải cách, những đổi mới thì một yếu tố then chốt trong tất cả đó là thay đổi, đổi mới cho ai, vì ai? Người viết không muốn dùng từ ngữ “triết lý giáo dục” hoa mỹ vì nó quá rộng. Chỉ xin mạn phép dùng cụm từ “đổi mới hoạt động giáo dục” trong nhà trường.
Đổi mới hoạt động giáo dục phải lấy con người, cụ thể là HS và giáo viên (GV) làm nền tảng, và hết thảy phải quy chiếu đến con người. Bởi suy cho cùng nếu không làm con người ngày càng thăng tiến hơn, xã hội không an bình hạnh phúc thì mọi cố gắng cải cách đều đổ sông đổ biển.
Bậc THCS, nơi kiến thức mang tính chất là nền móng, mỗi môn học phải mang tính định hướng để các em HS bộc lộ thiên hướng, đam mê, thế mạnh hay khả năng riêng. Vì vậy, cái cần mà nhà trường tạo ra phải là niềm vui, hứng thú với môn học, khơi gơi vẻ đẹp của khoa học. Song tinh thần gợi mở đam mê khoa học đang ở đâu đó xa vời. HS đang chỉ được đón nhận nội dung do GV “cho phép” nói, học, đọc… theo đúng chương trình sách giáo khoa khô khan và gò bó mất đi cốt lõi “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Lứa tuổi HS bậc THCS đang trở nên thụ động, mất dần tính chủ động, sáng tạo với lối học “khuôn mẫu”.
Dạy tâm thế “làm người” bước vào cuộc sống xã hội của HS đang “thất thoát” nếu so sánh với nội dung các môn học cần điểm để thi cử. Hình dạng con người cụ thể của quốc gia trong tương lai cần có kỹ năng ứng xử, có văn hóa, có nét đặc trưng riêng đang không được quan tâm đúng mực. Nhân cách, đạo đức, lối sống cao đẹp như nhường lại cho điểm số, lên lớp – ở lại… với chỉ tiêu ấn định sẵn.
Có những thay đổi được các chuyên gia, nhà giáo dục, người dân đồng tình ủng hộ, và cũng có những thay đổi nhận được nhiều phản ứng trái chiều khác nhau ở các hội thảo với những phản biện tích cực cho công cuộc đổi mới của ngành giáo dục.
|
Khi nói đến đổi mới hay cải cách thường nghĩ ngay đến sách giáo khoa, chương trình, phương pháp… nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cho HS mà quên mất rằng GV là chủ thể, linh hồn cho đổi mới hoạt động giáo dục trong nhà trường đạt kết quả. Tất nhiên, khi thay đổi phương pháp, cách đánh giá… là đã tính đến nâng cao chất lượng của GV. Nhưng trong rất nhiều những quyết sách đem vào áp dụng nơi nhà trường thì hầu như chưa được lấy ý kiến GV trước khi ban hành! Hay khi gặp phản ứng từ chủ thể của quá trình dạy thì lúc đó mới giải thích, mới mong thông cảm, mới xin chỉnh sửa…
Tham vọng của Bộ GD-ĐT là mang lại và đem đến cho bộ mặt giáo dục Việt Nam nhiều đổi thay tích cực, nhiều cơ hội tiếp cận và sánh ngang tầm vóc quốc tế thật đáng ghi nhận. Thiết nghĩ, cần tạo ra cho GV và HS không gian dạy và học thật tự nhiên, là người dạy giới thiệu, gợi mở, kích thích, hướng dẫn người học tìm tòi, khám phá, nêu luận điểm riêng… Còn nhà trường hỗ trợ tích cực cho những sáng tạo, đột phá có giá trị chứ không quy kết là “chơi trội”, “sai chỉ đạo”…; cần giảm bớt giấy tờ nhiêu khê cho GV, khuyến khích và công nhận những hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng bên cạnh dạy học để GV có thêm nhiều kinh nghiệm và sức nặng trong việc dạy học trò làm người.
Nguyễn Minh Thanh
Dạy chỉ với mục đích đi thi thì khó phát huy tính sáng tạo
Có thể nói, cùng với đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra – đánh giá là đòn bẩy trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Tuy nhiên, đề thi hiện nay vẫn còn nghiêng về kiểu nhớ, học thuộc lòng và chưa thoát ra một khuôn mẫu chung mà nguyên nhân là do người dạy chưa đầu tư và thiếu định hướng trong kiểm tra – đánh giá năng lực học sinh. Nhiều bài tập đi theo lối mòn khuôn mẫu nên kết quả không đạt được như ý muốn, làm giảm đi sự sáng tạo cho người học.
Trong khi đó phương pháp dạy vẫn còn chuyên dụng, học thuộc bài càng nhiều càng tốt nên việc kêu gọi và thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy còn vô cùng nan giải. Hệ quả là người học không biết cách học và không tự tìm kiến thức để học được. Vì thế, nếu không đổi mới kiểm tra – đánh giá, dạy chỉ với mục đích để có kiến thức đi thi thì học sinh khó phát huy được tính năng động, sáng tạo, học nhiều mà không áp dụng được bao nhiêu. Sau một kỳ thi không chỉ bình luận đề đó dễ hay khó mà xem thử đề thi đó có ích gì đối với cuộc sống.
TS. Lê Đức Ánh
(Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế, TP.HCM)
|
Bình luận (0)