ThS. Tạ Văn Doanh phát biểu tại buổi tọa đàm |
Sáng ngày 9-12, Sở GD-ĐT và Báo Giáo Dục TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm “Đổi mới & phát triển giáo dục chuyên nghiệp”. Tại buổi tọa đàm nhiều đại biểu đại diện các trường đã nêu lên thực trạng hiện nay đội ngũ giáo viên (GV) giảng dạy tại các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) còn thiếu và yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, chương trình đào tạo thì chưa phù hợp, giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung.
Giáo viên, cơ sở vật chất: Một bài toán khó
Theo Th.S Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì hiện nay đội ngũ GV đang giảng dạy tại các trường TCCN là hơn 4.700 GV, đạt tỷ lệ 11 HS/GV, đặc biệt GV đạt chuẩn trên 90%. Song song đó cán bộ quản lý các trường là 438 người và hầu hết có trình độ chuyên môn. Tuy vậy Th.S Phạm Ngọc Thanh cho rằng: “Để đổi mới giáo dục TCCN phải làm toàn diện, tuy đội ngũ GV hiện nay là đáp ứng được việc giảng dạy nhưng muốn phát triển tốt hơn nữa thì cần tiếp tục nâng cao trình độ, đặc biệt là về trình độ tiếng Anh, kỹ năng mềm; GV dạy thực hành cần phải cập nhật những máy móc hiện đại để theo kịp với sự đầu tư của doanh nghiệp”.
Đồng quan điểm trên thầy Đỗ Ngọc Mỹ, Trưởng khoa Khoa học cơ bản Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng cho biết: “Thực tế hiện nay đầu vào của hệ TC rất thấp, thường là những HS có học lực trung bình, yếu… Vì HS có học lực khá hơn thì “chê” hệ 9+2 và 9+3,5 nên 2 năm nay nhà trường đã bị “xóa sổ” hai hệ này. Tuy đầu vào thấp nhưng nhà trường đã cố gắng để khi ra trường các em phải đạt một chuẩn nhất định nhằm đáp ứng được công việc của doanh nghiệp. Để “giải mã” được điều này thì cần có đội ngũ GV giỏi, tâm huyết”. Thầy Đỗ Ngọc Mỹ cho rằng, thực tế hiện nay nhiều GV vẫn còn khập khiễng giữa lý thuyết và thực hành; trình độ ngoại ngữ cũng là rào cản lớn đối với đội ngũ GV để họ tiếp cận với những tài liệu nước ngoài. Vì vậy, nên đưa GV đi thực tế thậm chí làm việc tại nhà máy của các doanh nghiệp trong thời gian ngắn để GV có thêm kiến thức thực hành dạy cho HS.
Thầy Bạch Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường TC Công nghệ Thông tin Sài Gòn trăn trở: “Phải thừa nhận rằng GV TCCN còn khó khăn để đáp ứng được tốc độ phát triển của giáo dục nghề nghiệp trong điều kiện mới. Mặc dù rất nhiệt tình trong công tác giảng dạy nhưng nhiều GV còn thiếu hụt về chuyên môn nghề nghiệp, yếu về nghiệp vụ sư phạm. Đặc biệt là GV thiếu những kỹ năng nghề, những kỹ năng mềm khác để trau dồi cho học sinh. Đây là một nguyên nhân dẫn tới chất lượng đào tạo TCCN chưa thuyết phục được các nhà sử dụng lao động. GV không thường xuyên cập nhật trong khi năng lực thực hành còn yếu. Kiến thức và kỹ năng sư phạm của giáo viên TCCN còn bộc lộ nhiều hạn chế mặc dù phần đông đã có chứng chỉ sư phạm bậc I, II…”.
Thầy Hoàng Văn Thảo, Trưởng khoa Du lịch Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Vạn Tường, đưa ra vấn đề ở góc độ khác: “Cơ sở vật chất là vấn đề nan giải nhất đối với các trường TCCN hiện nay. Các trường công lập đã khó, các trường ngoài công lập thì khó gấp bội. Vì vậy nhiều trường TCCN hiện nay thầy trò còn phải dạy và học ở các cơ sở thuê, mượn nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo”. Thầy Thảo đưa ra ví dụ, để mua được đất xây dựng cơ sở II của trường ở phường Tân Thới Nhất, quận 12, nhà trường đã rất khó khăn, phải mất mấy năm nhà trường mới có được cơ sở khang trang để đáp ứng việc học của học sinh nhà trường.
Trường và doanh nghiệp “chưa bén duyên nhau”
SV Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành |
Cô Huỳnh Ngọc Anh Thư, Trưởng khoa Kinh tế, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức chia sẻ: “Hiện nay các trường đào tạo chưa thật sự gắn với nhu cầu doanh nghiệp, nói cách khác là đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động “chưa bén duyên nhau”. Sắp tới, theo kế hoạch của nhà trường sẽ tổ chức lấy ý kiến của doanh nghiệp, HS về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Mời một số đơn vị cùng với nhà trường tham gia đào tạo và các trường sẽ nhận HS sau khi ra trường về làm việc tại doanh nghiệp mình”.
Th.S Tạ Văn Doanh, Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng giáo dục chuyên nghiệp không chỉ có nhà trường mà vai trò của các doanh nghiệp cũng rất lớn. Thực tế cho thấy các trường giải được bài toán này sẽ giải quyết được đầu ra. Tuy vậy, chúng ta không nên cố sức chạy theo doanh nghiệp mà quên chất lượng đào tạo, nếu chất lượng đào tạo của nhà trường có “thương hiệu” doanh nghiệp sẽ tìm đến đặt hàng”. Từ đây, thầy Trần Thanh Sơn, Trưởng khoa Cơ khí Trường TC KT-NV Nguyễn Hữu Cảnh đưa ra kiến nghị: “Nên chăng chúng ta thành lập CLB giữa ban giám hiệu nhà trường và doanh nghiệp hoạt động theo định kỳ. CLB này sẽ nhằm thắt chặt mối quan hệ và trao đổi thông tin giữa các trường với doanh nghiệp. Từ đó các doanh nghiệp trực tiếp tham gia đào tạo cùng với nhà trường, sản phẩm sẽ đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp hơn”.
Th.S Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, tổng kết: “Đây sẽ là những đóng góp quan trọng, trong kế hoạch “Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp” theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT TP.HCM. Sắp tới Sở và Báo Giáo Dục TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức một số buổi tọa đàm lấy ý kiến của doanh nghiệp và HS”.
Văn Mạnh
Bình luận (0)