Theo các giáo viên trường Tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm, Hà Nội), ứng dụng công nghệ thông tin với liều lượng thích hợp thì tiết học mới đạt hiệu quả cao.
Một tiết học ồn ào
Chúng tôi dự giờ môn địa lý do cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Hạnh thực hiện tại lớp 4D, trường Tiểu học Tràng An. Tiêu đề của bài học là Một số dân tộc ở Tây Nguyên. Máy tính xách tay, đèn chiếu được chuẩn bị sẵn sàng nhưng gần như trong suốt nửa đầu của tiết học, cô giáo Tuyết Hạnh không phải dùng đến các thiết bị này.
Hai phần đầu bài học, các thông tin trong sách giáo khoa được khai thác triệt để. Thay vì giảng giải cho học sinh về các dân tộc ở Tây Nguyên, giáo viên khơi gợi để chính học sinh đưa ra các thông tin cần thiết (căn cứ vào sách giáo khoa và một số tài liệu mà các em chuẩn bị từ nhà). Không vì vậy mà lớp học buồn chán.
Trong một giờ học ở lớp 1E trường Tiểu học Tràng An
Phần ba, cô giáo Tuyết Hạnh khai thác máy tính xách tay và đèn chiếu. Học sinh được xem một video clip dài một phút rưỡi về các dân tộc và các lễ hội ở Tây Nguyên do chính cô là người dựng phim, viết lời bình.
Sau đó, các em thảo luận để trả lời ba câu hỏi mà cô giáo đã đặt ra trước khi cả lớp xem đoạn băng tư liệu. Tiết học kết thúc trong giai điệu du dương, bay bổng của bài Bạn ơi lắng nghe (một bài hát của người Ba Na mà khi bắt đầu lên lớp bốn các em được học trong môn Âm nhạc) và nền là những hình ảnh đặc sắc của Tây Nguyên.
Trong suốt tiết học, khoảng gần 20 học sinh đứng lên phát biểu (sĩ số lớp học là 41).
Không quên bảng đen phấn trắng
Nhiều học sinh trường Tiểu học Tràng An cho biết, các em vẫn thường được học những tiết học hấp dẫn như vậy.
“Không phải lúc nào cô giáo cũng chiếu hình ảnh cho chúng em xem. Xem phim em rất thích, nhưng cũng chóng quên. Nhiều khi cô cho chơi trò chơi, ví dụ như trò chơi ô chữ, chúng em nhớ lâu hơn mà học cũng rất vui” – Nguyễn Quỳnh Trang, học sinh lớp 5C chia sẻ.
Theo cô giáo hiệu trưởng Lê Việt Thảo, tất cả giáo viên trong trường đều có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp dạy học. Để tránh lạm dụng thiết bị công nghệ cao, nhà trường không yêu cầu các giáo viên phải thường xuyên dạy học trên giáo án điện tử.
Các giáo viên sẽ tuỳ vào từng bài dạy cụ thể, nếu thấy cần thiết mới đăng ký đến dạy trong phòng chuyên đề của trường (nơi được trang bị máy chiếu).
Chẳng hạn tháng 12 này, cô giáo Tuyết Hạnh sẽ đăng ký cho lớp mình học một tiết ở phòng máy. Còn cô Vân Hà, (chủ nhiệm lớp 5A) đang cân nhắc nên đăng ký một hay hai tiết.
Cô Vân Hà cho biết: “Tất cả các tiết học chúng tôi đều sử dụng đồ dùng dạy học. Đặc biệt, nhà trường yêu cầu rất rõ ràng, việc viết bảng phải được phát huy triệt để. Chỉ có những kiến thức nào không đưa lên được trên bảng thì giáo viên mới sử dụng các thiết bị bổ trợ”.
Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên có kinh nghiệm ở trường Tràng An, nếu các cô giáo chủ quan, việc sử dụng phương pháp dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm sẽ chỉ có tác dụng tức thời là tạo lực hấp dẫn trong tiết học.
Do đó, dù cả lớp đang say sưa với các kiến thức lý thú nhưng giáo viên vẫn phải tỉnh táo để kiểm soát được lượng thông tin của học sinh ghi vào vở. “Một lớp học nhiều hoạt động và sôi nổi đến mấy thì điều quan trọng nhất vẫn là có bao nhiêu kiến thức đọng lại trong tâm trí học sinh”, một giáo viên nói.
Trường Tiểu học Tràng An luôn là một trong những trường dẫn đầu quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về chất lượng giáo dục. Năm học vừa qua, đội tuyển học sinh lớp 5 của trường đạt 5 giải nhất trong cuộc thi giao lưu học sinh giỏi thành phố; nhiều học sinh đạt giải cao cấp quận, cấp thành phố trong các cuộc thi vở sạch chữ đẹp, Olympic tiếng Anh, Tin học trẻ không chuyên…
Hàng chục giáo viên của trường đạt giải cao trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp quận, cấp thành phố. Nhân dịp 15 năm thành lập, trường được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng.
|
Quý Hiên/TPO
Bình luận (0)