Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới phương pháp dạy học: Đổi mới như thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Th.S Trương Thị Mỹ Lai – Phó hiệu trưởng Trường THCS Sông Đà phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp dạy học (PPDH)” do Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận tổ chức ngày 10-3, vấn đề được đại biểu đưa ra tranh luận nhiều nhất là đổi mới cái gì, đổi mới như thế nào và đổi mới bắt đầu từ đâu?
Đổi mới cái gì?
Trong lời đề dẫn, ThS. Ninh Văn Bình – Trưởng phòng GD -ĐT khẳng định: “Định hướng cơ bản trong đổi mới PPDH là nhằm phát huy tính tích cực và sáng tạo của người học. Đó cũng là xu hướng quốc tế trong đổi mới PPDH ở các trường phổ thông”. Tuy nhiên , theo ông Bình, chỉ khi nào mỗi giáo viên (GV) coi đổi mới PPDH như một nhu cầu tự nhiên, không mang tính ép buộc từ bên trên mà tự họ tìm tòi, không ngừng đổi mới và hoàn thiện tri thức, kĩ năng áp dụng và sáng tạo các PPDH tích cực thì việc đổi mới PPDH mới có hiệu quả cao. Ý kiến này cũng chính là “lối đi chung” của các bản tham luận tại hội nghị.
Từ mục tiêu “Học để biết, học để làm, học để cùng nhau chung sống và học để làm người”, trước hết giáo dục nhà trường phải hình thành và bồi dưỡng cho học sinh năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề. Việc trang bị tốt năng lực này là một trong những hoạt động trọng tâm của việc đổi mới PPDH trong điều kiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Sau khi đưa ra các câu hỏi trước hội thảo, ThS. Dương Thái Thanh Nhàn – chuyên viên Phòng GD đi đến kết luận: “Đổi mới phương pháp dạy học phải nhìn nhận vấn đề một cách rộng rãi và linh hoạt theo ba hướng: phát triển năng lực nội sinh của người học, đổi mới quan hệ thầy trò, đưa công nghệ hiện đại vào nhà trường”. Theo ThS. Thanh Nhàn, then chốt của việc đổi mới PPDH là điều chỉnh mối quan hệ giữa tái hiện và sáng tạo, phải hướng đến việc tăng cường các phương pháp sáng tạo nhằm đổi mới tính chất hoạt động nhận thức của học sinh trong quá trình dạy học. Cần đặt ra cho các em nhiệm vụ tìm tòi mâu thuẫn, các hiện tượng, những vấn đề, mối liên hệ mới cần phát hiện “tạo cho HS sự thành công” như cách nói của ThS.Trương Thị Mỹ Lai – Phó hiệu trưởng Trường THCS Sông Đà. Từng đi dự nhiều tiết dạy ở trường phổ thông, bà Thanh Nhàn nhận định hiện nay GV không chỉ dạy kiến thức mà còn đang dạy cho HS cách học. Thông qua đó các em không chỉ biết tái hiện mà còn biết sáng tạo theo suy nghĩ của mình thông qua kiến thức được tiếp nhận. ThS. Thanh Nhàn đưa một dẫn chứng, trong giờ kể chuyện các em không chỉ được nghe GV kể bằng lời mà kể chuyện qua tranh ảnh, thảo luận nhóm, nêu vấn đề, đóng vai, trả lời câu hỏi… Thông qua PPDH đó mà các em nhớ và thuộc câu chuyện qua giọng kể, cử chỉ, điệu bộ, ngôn ngữ được tái hiện rất sinh động. Bà Thanh Nhàn ví von: sản phẩm mà chúng ta cung cấp cho xã hội không phải là sản phẩm hàng loạt của nhà máy sản xuất dây chuyền mà mỗi sản phẩm con người đều có nét đặc thù riêng.
Đổi mới từ đâu?
 Một vấn đề từ trước đến nay ít được quan tâm là vai trò của hiệu trưởng trong việc đổi mới PPDH tại trường phổ thông. Tại hội thảo đã có 3 tham luận đề cập tới vấn đề này. ThS. Ninh Văn Bình đánh giá: “Hiện nay hiệu trưởng các trường phần lớn chỉ dừng lại ở chủ trương mà chưa có những biện pháp cụ thể để tác động và liên kết giữa GV và HS. Từ thực tế đó chúng tôi thấy trong đổi mới PPDH cần quan tâm tới vấn đề quản lý PPDH của hiệu trưởng. Muốn quản lý được việc đổi mới PPDH hiệu trưởng phải nắm được những kiến thức và nghiệp vụ sư phạm, nghĩa là nắm được nội dung đổi mới”. Theo ông Bình, bốn nội dung đổi mới PPDH là nâng cao năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề; phát triển khả năng tự học; tăng cường học tập có thể phối hợp với học tập hợp tác; tác động tình cảm đem lại niềm tin hứng thú học tập cho HS. Bên cạnh đó, không chỉ quản lý kế hoạch chương trình dạy học, việc soạn bài và chuẩn bị giờ lên lớp mà “người thủ lĩnh của đơn vị” còn phải quản lý việc GV kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS, công tác bồi dưỡng GV, quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và cả hoạt động học tập của HS. Góp thêm ý kiến cho vấn đề này, bà Mỹ Lai đưa ra định hướng: “Trước hết phải tạo nhận thức đúng về tầm quan trọng của đổi mới PPDH đồng thời tổ chức để GV quán triệt khái niệm ý nghĩa của việc HS tự học và mối quan hệ biện chứng giữa việc đổi mới phương pháp giảng dạy với phương pháp học tập của HS”. Ngoài yêu cầu cao trong việc bồi dưỡng cho HS phương pháp kĩ năng tự học và tăng cường tổ chức các hoạt động học tập tại lớp, hiệu trưởng cần bồi dưỡng cho GV kiến thức về tâm lý giáo dục và các kĩ năng khác nhằm hình thành năng lực tự học cho học sinh trong đó đặc biệt chú trọng PPDH phát hiện và giải quyết vấn đề. Từ đặc thù và những khó khăn của một trường công lập tự chủ tài chính, ThS. Nguyễn Hữu Chương – Phó hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây đưa ra các nội dung hoạt động tự học bao gồm các bước như làm tốt công tác chuẩn bị, tự lực nắm nội dung học vấn và cả khâu kiểm tra đánh giá. Để đi đúng hướng, nhà trường đã tập trung xây dựng động cơ học tập của HS, khuyến khích HS “làm việc với sách”, nghe, ghi và suy nghĩ theo tinh thần tự học. Đặt câu hỏi với GV: “Dạy trên lớp như thế nào để HS có thể tự học?”, ThS. Chương đưa ra những yêu cầu cần thiết từ bước chuẩn bị giáo án, tổ chức hoạt động tự học trên lớp đến khâu kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS. Có như vậy việc đổi mới PPDH mới đồng bộ và mang lại nhiều kết quả theo ý muốn. “Nếu biết phát huy tất cả các nội dung và biện pháp tối ưu vào tổ chức hoạt động dạy học của GV thì hiệu quả dạy học sẽ rất cao” – ông Ninh Văn Bình khẳng định.
Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)