Sự kiện giáo dụcTin tức

Đổi mới phương pháp dạy học: Hoàn thiện kỹ năng sống cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là một trong những mục tiêu lớn mà việc đổi mới phương pháp dạy học hướng tới. TS Trần Đình Châu, Vụ trưởng, Giám đốc Ban điều hành
Dự án Phát triển Giáo dục THCS II (Bộ GD-ĐT) cho biết: Việc đổi mới phương pháp dạy học trong thời gian qua đã đáp ứng yêu cầu phát huy được tính tích cực, tự giác chủ động, sáng tạo của học sinh, tăng khả năng làm việc theo nhóm, tạo được hứng thú trong việc học của các em.
Cô giáo Trần Minh Thúy (THCS Lê Chân – Hải Phòng) cho rằng: “Nhiều học sinh, vì thiếu kỹ năng sống đã trở thành nạn nhân của những tệ nạn xã hội, thành những đứa con hư. Do vậy, các em cần được rèn luyện kỹ năng sống từ sớm”.
Nhưng làm thế nào để rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là một bài toán khó, không dễ dàng áp dụng trong giảng dạy. Dạy theo lối “đọc – chép” sẽ khiến học sinh ngày càng thụ động, ỷ lại, không chịu trau dồi các năng lực, gò học sinh vào một nếp nghĩ nếp làm thiếu năng động sáng tạo, lười biếng…
Dạy học bằng bản đồ tư duy chính là phương pháp tích hợp, ngoài thay đổi cách học “đọc – chép” thông thường để tạo hứng thú trong học tập, phương pháp này còn giúp học sinh tập làm việc theo nhóm, từ đó tự trau dồi được rất nhiều vấn đề: Kiến thức, kĩ năng, thái độ hợp tác thân thiện… hoàn thiện kỹ năng sống hòa nhập với tập thể cùng lúc với trau dồi tri thức.
Tại trường THCS Thống Nhất (Hòa Bình), có tới 97% học sinh là người dân tộc Dao. Trước năm 2008, tình trạng học sinh bỏ học là “vấn nạn” phổ biến, nhưng những năm gần đây với việc cơ sở vật chất nhà trường được Dự án Phát triển Giáo dục THCS II – Bộ GD-ĐT quan tâm kết hợp với việc áp dụng phương pháp dạy học mới nên sĩ số các lớp lúc nào cũng duy trì ở mức 100%. Một thành quả “khó tin” mà rất nhiều trường vùng khó mơ ước.
Lớp học khoảng 40 học sinh sẽ được chia thành 4 nhóm. Các thành viên của một nhóm phải gắn kết với nhau để thể hiện toàn bộ nội dung bài học trên bản đồ tư duy. Em Hoàng Lan Hương, Trưởng nhóm I chia sẻ: “Từ khi được tiếp cận với BĐTD, em thấy mình học hiệu quả và dễ tổng hợp kiến thức. Các bạn trong nhóm đều có trách nhiệm học bài, nhìn thì có vẻ là khó nhưng trên thực tế thời gian để bọn em chuẩn bị bài học không quá nhiều”. Phương pháp học này cũng giúp học sinh có dịp giao lưu, thân thiết với nhau ngay trong thời gian học. Nhiều bạn đã bộc lộ khả năng lãnh đạo nhóm rất tốt. Đồng thời, nhiều học sinh vốn rụt rè, khép kín đã mạnh dạn hơn, chan hoà hơn.
Không chỉ giúp học sinh tăng khả năng tiếp thu kiến thức, phương pháp học mới còn giúp học sinh thể hiện được quan điểm, góc nhìn của mình. Cùng một chủ đề về bài học “Ô nhiễm môi trường” nhưng mỗi nhóm lại có những cách thể hiện khác nhau với những nét rất riêng. Có nhóm thể hiện bằng cách giải thích cặn kẽ nhưng có nhóm lại thể hiện rất đơn giản. Quan trọng nhất, các em đều rất tự tin lên bảng “thuyết trình” sản phẩm của mình trước lớp – điều vốn là điểm yếu của học sinh Việt Nam nói chung và học sinh dân tộc nói riêng.
TS.Trần Đình Châu, cho biết, để thiết lập nên một bản đồ tư duy, các học sinh sẽ phải sử dụng đến bố cục màu sắc, đường nét, các nhánh hay cả việc sắp xếp các ý sao cho vừa súc tích, trực quan, dễ hiểu và dễ tiếp thu… Từ đó góp phần giúp học sinh phát triển khả năng thẩm mỹ, việc sắp xếp ý tưởng một cách khoa học.
Hiện nay có rất nhiều trường trong cả nước đã sử dụng bản đồ tư duy vào phương pháp giảng dạy nhưng không phải đơn vị nào cũng có thể thành công. Theo bà Nguyễn Thị Hồng – Phó phòng GD-ĐT thành phố Hòa Bình thì công cụ BĐTD chỉ phát huy tính hiệu quả khi nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền với các bậc phụ huynh để họ ủng hộ. Bên cạnh đó cần phải linh động sử dụng đối với từng môn học, tiết học. Nếu chúng ta lạm dụng quá mà quên kết hợp với phương pháp giảng dạy truyền thống thì chắc chắn không có hiệu quả cao.
Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu, một bộ phận chưa đạt chuẩn, vì vậy để nâng cao chất lượng giáo dục, công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên hiện nay được coi là nhiệm vụ cấp thiết của toàn ngành giáo dục.
Tuy nhiên, làm việc theo nhóm chỉ là một phương pháp trong hệ phương pháp dạy học tích cực mà thôi. Mỗi một bài, một tiết lên lớp đòi hỏi giáo viên phải biết vận dụng sáng tạo và thích hợp các phương pháp, trong đó có một phương pháp làm chủ đạo. Phương pháp nào cũng đều có thể sử dụng được, chỉ có điều sử dụng sao cho phù hợp, linh hoạt và theo hướng chung là làm hoạt hóa các năng lực tự học, tự thực hành của học sinh, biến họ từ khách thể thành chủ thể của quá trình nhận thức và rèn tập.
Việc đổi mới phương pháp dạy học chỉ hiệu quả khi đề cao được trách nhiệm của đội ngũ giáo viên trong môi trường sư phạm thân thiện và phát huy được vai trò tích cực học tập của học sinh. Việc áp dụng phương pháp dạy và học tích cực là giải pháp có tầm quan trọng quyết định đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Đổi mới phương pháp dạy học không chỉ là việc của riêng giáo viên, mà phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các cấp quản lý từ Trung ương tới địa phương.
Từ đó, đổi mới phương pháp dạy học có thể sẽ phát triển lên một tầm mới, rõ nét cả về nội dung tiêu chí và phương pháp đánh giá, cả về kỹ thuật thực hiện cụ thể và công tác chỉ đạo, quản lý, để giáo dục Việt Nam không chỉ nâng cao chất lượng mà còn hội nhập được với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Theo Hoa – Anh
(baotintuc)

Bình luận (0)