GV cần kế thừa và phát huy các mặt tích cực của các phương pháp dạy truyền thống như đàm thoại, thuyết trình… (ảnh minh họa). Ảnh: N.Q
|
Để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên (GV) cần kế thừa và phát huy các mặt tích cực trong phương pháp truyền thống (thuyết trình, đàm thoại, trực quan…), đồng thời mạnh dạn áp dụng các xu hướng dạy học hiện đại. Hai xu hướng dạy học phát hiện – giải quyết vấn đề (GQVĐ) và dạy học hợp tác trong nhóm nhỏ được vận dụng rộng rãi và có hiệu quả, thích hợp với định hướng đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.
Dạy học phát hiện và GQVĐ
Nêu và GQVĐ là một trong những phương pháp dạy học được vận dụng nhiều và có hiệu quả tốt trong quá trình dạy học, đặc biệt là trong xu hướng dạy học hiện đại. Bởi, việc dạy học GQVĐ rất có ý nghĩa trong việc phát huy tư duy độc lập sáng tạo của người học. Qua thực tiễn vận dụng phương pháp dạy học nêu và GQVĐ, chúng tôi thấy có hai dạng thức khác nhau (mỗi dạng thức đặc trưng với những hệ thống hành động của GV và HS riêng), đó là dạng thức trình bày nêu và GQVĐ; dạy học tìm tòi một phần.
Thực chất của dạng thức trình bày nêu và GQVĐ là sau khi tạo ra những tình huống có vấn đề, GV nêu vấn đề và chỉ rõ logic của quá trình suy nghĩ GQVĐ. Theo đó, tri thức được trình bày không phải dưới dạng có sẵn mà là một sự mô phỏng và rút gọn quá trình khám phá thực sự. Như vậy sẽ gợi cho HS nhu cầu theo dõi logic của phần trình bày. Nếu có một bước nào đó trong phần trình bày của GV thiếu nhất quán hoặc thiếu cơ sở thì sẽ nảy sinh sự hoài nghi trong HS. Mặt khác, trong quá trình nghe một bài trình bày chặt chẽ HS có thể dự đoán được bước nghiên cứu tiếp theo hoặc xây dựng bước đó theo cách riêng của mình. Dạng thức này được vận dụng với những tình huống có vấn đề không vừa sức với HS. Nói cách khác, với dạng thức này, HS không hoàn thành tất cả các giai đoạn nghiên cứu tự học mà chỉ hoàn thành một phần của quá trình nghiên cứu tự học, vì vậy dạng thức này gọi là dạy học tìm tòi một phần.
Thế nào là dạy học tìm tòi một phần? Đó là dạng thức GV lập kế hoạch từng bước cho nội dung nghiên cứu, lập kế hoạch cho quá trình này dễ hơn, còn HS thì tự lực nghiên cứu một phần của vấn đề, những nội dung vừa sức trong vấn đề tự học. Phương pháp tìm tòi một phần được thực hiện như sau: Nếu HS không giải quyết được vấn đề nghiên cứu thì GV cần hướng dẫn xây dựng vấn đề nghiên cứu khác hẹp hơn hoặc chia nhỏ vấn đề nghiên cứu thành những vấn đề nhỏ hơn dễ giải quyết hơn. Mà giải quyết vấn đề nhỏ xem như giải quyết được các vấn đề cơ bản.
Phương pháp tìm tòi một phần còn được thể hiện qua đàm thoại có tính chất phát kiến. Đàm thoại phát kiến là hệ thống câu hỏi do GV xây dựng sao cho các câu hỏi sau được suy ra từ câu hỏi trước để việc đặt nó trong cuộc đàm thoại là có lý do, đồng thời tất cả các câu hỏi gợi mở đó tập hợp lại có thể giải quyết được một vấn đề nào đó trong nội dung tự học. Và điều chủ yếu là làm sao cho đa số câu hỏi hợp thành giải quyết những vấn đề nhỏ để đi đến lời giải cho vấn đề nghiên cứu. Với đàm thoại phát kiến, yêu cầu câu hỏi phải rõ ràng logic chặt chẽ. Tuy nhiên, phương pháp tìm tòi một phần vẫn không đảm bảo cho HS năng lực GQVĐ trọn vẹn.
Dạy học hợp tác trong nhóm nhỏ
Việc dạy học theo phương pháp này được kéo dài trong nhiều buổi học nên người dạy sẽ có cơ hội thiết lập và phát triển một không khí học tập năng động và hữu ích cho nhóm. Đây cũng là một kinh nghiệm quý giá cho GV. Để đạt được thành công, GV phải chuẩn bị bài chu đáo và có kỹ năng quản lý nhóm. GV không nên cho rằng việc thảo luận trong nhóm tất yếu sẽ xảy ra và điều này dù có diễn ra đi nữa thì nó thường mất trật tự, vô bổ và không đúng yêu cầu học tập. Để tránh tình trạng này người GV phải biết cách làm việc theo nhóm nhỏ và có thể kết hợp các phương pháp dạy học để dạy được thành công. Đặc điểm của nhóm nhỏ là dễ trao đổi, dễ thông cảm, dễ thân thiện và dễ thống nhất ý kiến. Khi phân chia nhóm nên dựa vào chủ đề của bài học, số lượng và đặc điểm của HS, trong đó nhóm trưởng phải là người chuẩn bị tốt nội dung và biết khởi động buổi thảo luận.
Người GV có vai trò như thế nào trong việc điều động nhóm? Trước hết GV phải là người điều động các nhóm nhỏ làm việc, theo dõi quan sát hoạt động công việc của từng nhóm đồng thời phát hiện được các sai lầm mà từng nhóm mắc phải. Bên cạnh việc đưa ra câu hỏi bổ sung, GV nên tóm tắt, tổng hợp và nhắc lại các ý kiến đã trình bày trước đó. Tùy theo nhu cầu và mục tiêu mà GV có thể chọn các phương tiện phù hợp như bài kiểm tra trắc nghiệm ngắn, giải quyết bằng một tình huống, xem tài liệu trực quan, tài liệu thu thập trên mạng internet… không ngoài mục đích làm cho tiết học sinh động và không nhàm chán.
Nguyễn Ngọc Nghĩa
(GV bộ môn toán Trường THCS Châu Văn Liêm, Q.Phú Nhuận)
Thực chất của dạng thức trình bày nêu và GQVĐ là sau khi tạo ra những tình huống có vấn đề, GV nêu vấn đề và chỉ rõ logic của quá trình suy nghĩ GQVĐ.
|
Bình luận (0)