Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đổi mới phương pháp dạy học ở ĐH: Loay hoay tìm giải pháp

Tạp Chí Giáo Dục

Cấp thiết phải đổi mới

Giờ học tại ĐH Hùng Vương

PGS.Nguyễn Cảnh Lương, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng yêu cầu đổi mới tại ĐH Bách khoa Hà Nội là rất cần thiết. Vì mô hình đào tạo 5+2+3, kém hiệu quả và kém tương thích với thế giới; chương trình còn nặng nề, mang nặng tính hàn lâm, thiếu tính thực tế, kém hiệu quả; cơ cấu ngành nghề đa số ngành hẹp do bộ môn quản lý, kém hiệu quả, phân ngành cứng nhắc, dựa theo năng lực của khoa, bộ môn; phương pháp giảng dạy chủ yếu theo cách truyền thống, chưa lấy người học làm trung tâm. TS. Lê Thanh Nhu, khoa Sư phạm kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, thực trạng dạy trên lớp của ĐH Bách khoa hiện nay là nặng về độc thoại, giáo viên đưa ra vấn đề và rồi tự mình giải quyết vấn đề, khẳng định kết quả, chưa thực sự tạo điều kiện để sinh viên tham gia tư duy, tham gia vào việc chiếm lĩnh các kiến thức. Có giáo án môn học, song hầu hết chỉ chú ý nội dung, chưa chú ý đến phương pháp truyền đạt nội dung này đến sinh viên làm sao có hiệu quả. Trong khi đó, giáo dục ĐH thế giới đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ tạo nên sự cạnh tranh giữa các trường ĐH ngay cả trong nước và nước ngoài.
Nhưng…
“Cái khó luôn bó cái khôn”. Ngay trong bản thân đổi mới PPDH cũng có nhiều khó khăn. Giảng viên, sinh viên khó thay đổi tư duy, ngại thay đổi thói quen. Ít chuyên gia về PPDH ĐH đặc biệt cho các ngành kỹ thuật. Còn nhiều quan điểm chưa thống nhất, thậm chí nhận thức chưa đúng đắn về đổi mới PPDH như nhầm lẫn giữa phương pháp giảng dạy và phương tiện giảng dạy. Cơ sở vật chất cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến đổi mới PPDH. So với các trường ĐH khác, ĐH Bách khoa có thể tự hào là một trong những trường ĐH có nhiều phòng thí nghiệm nhất hiện nay. TS. Bùi Đức Hùng, Phòng Công tác chính trị và Công tác sinh viên của trường cho biết, hiện nhà trường có 153 phòng thí nghiệm, 32 xưởng thực hành, 10 phòng thí nghiệm đầu tư tập trung. Với 83 bộ môn không kể các trung tâm thuộc khoa thì trung bình mỗi bộ môn có tới 2 phòng thí nghiệm và cứ 3 bộ môn có 1 xưởng thực hành. Tuy nhiên, TS. Hùng đưa ra thực tế, trừ những phòng thí nghiệm trọng điểm, đầu tư tập trung có trang thiết bị hiện đại và đồng bộ thì phần lớn các phòng thí nghiệm khác các thiết bị đã cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo được các thông số kỹ thuật vận hành để sử dụng cho thí nghiệm đồng thời không còn phù hợp với sự phát triển của ngành đào tạo. Kinh phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên gặp nhiều khó khăn nên nhiều môn học có bài thí nghiệm song sinh viên vẫn không được thực hiện do thiết bị hư hỏng hoặc nếu được thì cũng chỉ cưỡi ngựa xem hoa bởi có quá nhiều lý do khiến cho bài thí nghiệm khó toàn vẹn. Ngay cả những phòng thí nghiệm tập trung với những thiết bị đồng bộ, hiện đại song lại là nơi thể hiện rõ nhất sự lãng phí. Việc khai thác không hiệu quả, thiếu nguồn nhân lực đáp ứng và chưa có sự liên kết với các phòng thí nghiệm trọng điểm khác hoặc các cơ sở sản xuất để nghiên cứu đề tài khoa học xứng tầm với giá trị đầu tư. Cán bộ phục vụ hướng dẫn thí nghiệm chỉ biết hướng dẫn bài thí nghiệm quen thuộc, ít có ý tưởng xây dựng các bài thí nghiệm mới phù hợp với bài giảng thực tế đã thay đổi từ lâu.
Trong 32 xưởng thực hành của trường, rất ít xưởng có tác dụng thực sự và có hiệu quả trong việc đào tạo thực hành cho sinh viên. TS. Hùng cho biết, số máy móc trang bị từ năm 1959 – 1975 hiện vẫn đang được sử dụng (xưởng cơ, xưởng điện) vừa không đảm bảo kỹ thuật vừa không đảm bảo an toàn cho người vận hành.
Trong khi đó, đề án đổi mới mô hình và chương trình đào tạo tại Trường ĐH Bách khoa, theo kế hoạch sẽ triển khai áp dụng ngay cho các khoa nhập học từ năm 2009.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)