Đổi mới phương pháp dạy học là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Để đáp ứng yêu cầu này, ngày 3/1 tại Nghệ An, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo “Chỉ đạo quản lý hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông”.
Về tham dự Hội thảo có Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân; ông Phạm Huy Hoàn – TBT Báo Khuyến học & Dân trí, báo Dân trí điện tử và đại diện các cấp quản lý giáo dục của 9 tỉnh, thành: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng.
Tại Hội thảo, ông Lê Quang Tần – Vụ trưởng vụ Trung học đã có những nhận xét rất sát từ thực tế sau khi dự giờ môn Tiếng Anh ở trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh): “Kiến thức của giáo viên đậm, nhưng kỹ năng còn nhạt, đáng chú ý là kỹ năng của học sinh rèn luyện ít. Bên cạnh đó giáo viên còn lệ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa, việc đổi mới còn hơi khiên cưỡng, đây là tình trạng chung của cả nước…”.
Ông Tần cũng đưa ra một số giải pháp cho vấn đề này như: Hãy chuyển bớt những việc của giáo viên cho học sinh làm, cần phải cân đối giữa kiến thức và kỹ năng. Bên cạnh đó, còn có một số tồn tại trong đổi mới phương pháp dạy học mà các đại biểu đã chỉ ra như tình trạng thảo luận nhóm còn hình thức, chưa khơi được “ngọn lửa” sáng tạo trong học sinh…
Ông Phạm Huy Hoàn, TBT Báo Dân trí phát biểu, về đổi mới phương pháp dạy học, thầy cô giáo phải biết trình độ học sinh của mình, cá biệt hoá được tới trình độ từng học sinh. Người thầy, bên cạnh trách nhiệm truyền đạt kiến thức cho các em, còn có nhiệm vụ quan trọng là phải biết phát hiện, động viên và “nuôi dưỡng” ngày càng nhiều học trò giỏi hơn mình đó là phải biết “thổi lửa” cho cảm hứng sáng tạo cho học sinh.
Ông Phạm Huy Hoàn – TBT báo Dân trí: "Dạy học hiện nay là phải giảm thiểu sớm nhất lối truyền thụ kiến thức kiểu thầy đọc – trò chép".
|
Về phía người dạy, ông Hoàn cho rằng, làm thế nào để các em học sinh càng ít phải học thuộc lòng càng tốt. Để có được điều đó, phải giảm thiểu sớm nhất lối truyền thụ kiến thức kiểu thầy đọc – trò chép…
Phát biểu tổng kết, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân “gút” lại một số vấn đề. Thứ nhất, Bộ sẽ không để giáo viên phải đơn độc trong công cuộc triển khai hoạt động đổi mới phương pháp dạy học. “Chúng ta phải giải thích rõ với giáo viên, đổi mới là vì trò và vì chính các thầy các cô. Chúng ta phải hướng dẫn, đừng để giáo viên đơn độc, đừng để giáo viên phải tự bơi” – người đứng đầu ngành giáo dục nhắc nhở lãnh đạo các trường phổ thông, Sở GD-ĐT.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, hiện nay Bộ GD-ĐT đang tìm cách để có chính sách tôn vinh xứng đáng những nhà giáo giỏi, chịu khó tìm tòi đổi mới phương pháp dạy học.
Thứ hai, giáo viên cần phải biết nguyên tắc đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) và nguyên tắc hướng dẫn học sinh tự học. Biết những điển hình về PPDH ở các bộ môn, tại trường, tỉnh của mình. Phải biết được điều kiện của trường mình có thể khai thác cho PPDH mới.
Đối với hiệu trưởng, phải tiên phong đổi mới, hướng dẫn giáo viên, cung cấp thông tin về phương pháp đổi mới, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ việc đổi mới. Lấy ý kiến của giáo viên, đánh giá khen thưởng giáo viên.
Đối với Sở GD-ĐT, thường xuyên bồi dưỡng về đổi mới cho các hiệu trưởng và giáo viên nòng cốt. Giới thiệu các điển hình trao đổi kinh nghiệm và phát động phong trào thi đua về đổi mới.
Với Bộ GD-ĐT cần làm rõ lý luận, hình thành những tài liệu hướng dẫn về đổi mới phương pháp dạy học, phổ biến điển hình và tổ chức phong trào thi đua, dùng nguồn lực tài chính hỗ trợ các địa phương.
Bộ trưởng cũng cho rằng, dựa vào nhận thức về quy luật quá trình tâm lý của học sinh, cộng với các phương tiện phục vụ dạy học đã thay đổi nhiều, điều kiện của học sinh và nhà trường thay đổi, các trường phải đánh giá hiệu quả phương pháp mình đang làm để tìm ra phương pháp hiệu quả hơn. Làm được điều đó, sẽ giúp cho học sinh sau khi tốt nghiệp phải biết cách tự học, có kỹ năng mới đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh của xã hội…
Duy Tuyên – Nguyễn Duy
Theo Dân trí
Bình luận (0)