Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới phương pháp dạy học văn: Còn tùy thuộc vào cơ sở vật chất trường, lớp…

Tạp Chí Giáo Dục

Có một thực tế là các giáo viên dạy văn ở cấp phổ thông sau khi được tập huấn về “phương pháp dạy học mới” đều có chung suy nghĩ là tập huấn thì tập huấn nhưng áp dụng vào giảng dạy một tiết học văn theo “phương pháp mới” là điều vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là không thể.

Những khó khăn khi áp dụng “phương pháp dạy học mới”

Một là, thực tế cơ sở vật chất của nhiều trường phổ thông hiện nay ở nước ta còn nghèo nàn, thiếu thốn, không thể áp dụng “phương pháp dạy học mới” với những máy vi tính, Projector… rất hiện đại nhưng cũng rất tốn kém. Bên cạnh đó, thực tế sĩ số lớp học bình quân ở các trường phổ thông ít gì cũng từ 35 đến 45 học sinh nên giáo viên không thể tổ chức thuyết trình hay seminar theo yêu cầu của “phương pháp dạy học mới” được. Giáo viên không thể nào kiểm soát nổi buổi thuyết trình hay seminar với mấy chục học sinh một cách toàn diện và chu đáo (đó là chưa nói đến yêu cầu của giáo viên phổ thông là phải tìm hiểu nhằm phân loại học sinh yếu, kém để từ đó có phương án bồi dưỡng kèm cặp thêm cho các em).

Hai là, có một thực tế mà giáo viên dạy văn ở phổ thông ai cũng sợ là nếu áp dụng “phương pháp dạy học mới” sẽ bị “cháy giáo án” do áp lực thời gian và chương trình dạy. Để tổ chức một buổi thuyết trình hay seminar theo yêu cầu đổi mới là dạy học tương tác, lấy người học làm trung tâm, ngoài việc lớp học phải được trang bị đầy đủ những thiết bị dạy học cần thiết (bàn ghế nhỏ, gọn dễ di chuyển, máy chiếu, máy vi tính…) hay sĩ số học sinh vừa phải thì vấn đề thời gian là một trong những vấn đề cực kì quan trọng. Thế nhưng, thực tế thì thời lượng phân bổ cho chương trình dạy văn ở phổ thông đã được Bộ Giáo dục quy định rất rõ ràng nên nếu áp dụng theo “phương pháp dạy học mới” người dạy sẽ không thể theo đúng theo tiến độ.

Ba là, cũng có số ít giáo viên muốn áp dụng “phương pháp mới” nhưng lại rất lo lắng vì bị thêm một áp lực nữa đó là sợ ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp cuối cấp của học sinh. Có thể nói hiện nay, tuy nhiều nơi buộc giáo viên phải dạy văn theo “phương pháp mới” trong khi quy trình chấm thi môn văn gần như không có thay đổi gì (nếu không muốn nói là vẫn giữ nguyên theo phương pháp dạy học cũ). Tức là, kết quả học tập chung của học sinh vẫn được thực hiện trên cơ sở lấy điểm bình quân kiểm tra và thi cuối học kì, cuối năm là chủ yếu. Đó là chưa kể việc khi chấm thi vẫn giữ nguyên cách chấm “có ý là có điểm” chứ ít chú ý đến “sự sáng tạo” mà theo yêu cầu của “phương pháp dạy học mới” đã đề ra. Từ áp lực này nên có giáo viên phổ thông thậm chí đã cho rằng: “dạy học theo “phương pháp mới” có khi không khéo học sinh không thi đậu tốt nghiệp”.

Một vài trao đổi, kiến nghị

Cùng nhau bàn bạc trao đổi nhằm tìm ra một (hay một vài) phương pháp dạy học văn nào đó giúp cho học sinh hứng thú và học tốt môn văn hơn là việc cần làm đối với mỗi nhà giáo có trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Tuy vậy, việc thay đổi hay triển khai, áp dụng vào thực tế dạy học một “phương pháp mới” nào đó thiết nghĩ trước hết, phải nhìn thẳng vào thực tế và hoàn cảnh mỗi trường, mỗi vùng, miền… xem có thể áp dụng “phương pháp mới” được hay không? Như đã nói, thực tế hiện nay ở nước ta, ngoài một số trường đại học trọng điểm có cơ sở vật chất tương đối hiện đại (có thể áp dụng “phương pháp dạy học mới” nào đó từ mô hình của các nước có nền giáo dục tiên tiến) thì hầu hết trường và lớp học của chúng ta đều rất khó khăn, thiếu thốn. Việc các “nhà phương pháp” cứ máy móc yêu cầu giáo viên phải áp dụng “phương pháp mới” vào dạy học văn như hiện nay là rất không nên. Học hỏi, tiếp thu những thành tựu, phương pháp dạy học của bạn bè thế giới là cần thiết nhưng không nên rập khuôn theo họ. Không thể nói rằng nước ngoài họ làm vậy, chúng ta cứ áp dụng theo là sẽ thành công. Tại sao chúng ta không nhìn thẳng vào một thực tế là đất nước ta còn nghèo, cơ sở vật chất, trường lớp cho con em chúng ta học còn thiếu thốn mà đề ra một phương pháp dạy học nào đó cho phù hợp? Sao chúng ta không học theo “phương pháp” của cha ông ta ngày xưa đã dạy là “liệu cơm gắp mắm” hay “nhập gia tùy tục”? Chúng ta bỏ ra không biết bao nhiêu kinh phí và công sức cho hội thảo, cho tập huấn “phương pháp mới” như hiện nay làm gì để rồi cuối cùng chỉ nhìn nhau và thầm nói với nhau rằng: “không thể áp dụng được”?

Cuối cùng, mỗi khi tiếp thu được một “phương pháp mới” nào đó, nhiều người có thói quen quay lại phê phán, phủ nhận những phương pháp dạy học trước đó. Thật ra mà nói từ xa xưa nhất cho tới nay không có một người thầy nào cầm phấn đứng trên bục giảng mà không “hướng về phía học trò” mình để giảng dạy!

Nguyễn Trọng Bình (Vĩnh Long)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)