Giáo viên chia học sinh thành từng cặp để em học giỏi kèm em học yếu nhằm giúp bạn nâng cao trình độ (ảnh minh họa). Ảnh: T.L |
Đối với môn tiếng Anh, thay vì sau khi dạy xong vài bài thì giáo viên (GV) mới ôn tập cho học sinh (HS) kiểm tra một tiết, hoặc sau khi dạy xong một số bài nhất định nào đó mới tổ chức ôn tập để HS kiểm tra học kỳ… Đổi lại, GV nên giúp HS ôn tập ngay sau khi dạy xong một đơn vị bài học.
Theo đó, khi thầy cô đã nắm trong tay danh sách các điểm ngữ pháp cần thiết nhất để giúp HS ôn tập thì phải bắt tay vào làm việc này trước. GV sẽ đánh máy toàn bộ các dạng bài tập được trích ra trong sách bài tập sẽ cho HS sử dụng tại lớp theo từng chủ điểm ngữ pháp. Để thực hiện được điều này, GV cần:
1. Lên kế hoạch cụ thể
Sau khi đã thống kê các dạng bài tập thuộc các điểm ngữ pháp cần phải ôn tập cho HS, GV sẽ yêu cầu các em chia cuốn tập ra từng phần riêng biệt theo từng điểm ngữ pháp đã chọn. Ví dụ: 10 trang dành cho phần các thì và các dạng của động từ; 8 trang dành cho phần câu bị động; 5 trang dành cho phần giới từ… Khi dạy xong một đơn vị bài học, đã cho HS làm bài tập đầy đủ và đã giải đáp cẩn thận các yêu cầu của bài tập, GV sẽ yêu cầu các em về nhà liệt kê hết những loại bài tập có liên quan đến những điểm ngữ pháp chính. Để giúp cho HS không bị nhàm chán và không có cảm giác nặng nề thầy cô nên tổ chức cho các em hoạt động theo cặp. Một cặp HS cùng làm việc với nhau thì nên có trình độ khác nhau; GV nên động viên các bạn khá giỏi cần phải có tinh thần giúp đỡ bạn và thuyết phục các em để các em nhận ra rằng đây là một cơ hội tốt để tự nâng cao trình độ của mình khi nhận ra được lỗi sai của bạn. GV sẽ cho hai HS trong cùng một cặp trao đổi vở cho nhau; lần lượt thay phiên nhau đọc lên từng câu một để cùng kiểm tra xem bạn mình đã viết lại các câu ấy chính xác chưa. Lưu ý một điều là khi em nào phát hiện chỗ sai của bạn thì nên dùng bút đỏ sửa ngay lỗi sai đó. Trong khi HS làm công việc này, GV sẽ đi quanh lớp học để đảm bảo tính nghiêm túc của công việc. Bên cạnh đó GV sẽ đưa ra sự trợ giúp cần thiết nếu được các em yêu cầu.
2. Phần ôn tập của HS
GV yêu cầu HS về nhà ôn tập những điểm ngữ pháp nhất định nào đó theo qui định của bài kiểm tra. Lên lớp GV phát tài liệu cho HS làm để kiểm tra xem các em đã nắm kỹ bài chưa! Sau khi các em làm xong GV sẽ cho HS chấm chéo bài của nhau, vì đây là những bài tập HS đã từng làm rồi. Trong quá trình sửa bài GV nên yêu cầu HS dùng bút đỏ làm nổi bật lên những chỗ sai để các bạn sẽ chú ý tập trung và học kỹ những phần đó hơn.
Việc giúp HS thống kê những điểm ngữ pháp theo từng đơn vị bài học sẽ giúp các em nhìn lại toàn bộ kiến thức đã học, đã làm để qua đó các em có thể xem lại điểm ngữ pháp nào còn chưa vững nhằm kịp thời điều chỉnh ngay trước khi qua bài mới. Ngoài ra việc làm đi làm lại những dạng bài tập đã từng làm sẽ giúp cho các em nắm vững và nhớ lâu những kiến thức đã học. Nhờ đó sẽ cảm thấy tự tin khi làm bài kiểm tra. Biện pháp này còn giúp HS tự tích lũy cho bản thân một số vốn kiến thức căn bản cần thiết về ngữ pháp tiếng Anh. Ngoài ra trong mỗi một lớp học đều có những thành phần HS chậm hiểu hoặc HS lười biếng khiến cho tiến trình thực hiện công việc chắc chắn sẽ gặp không ít cản trở. Đối với những HS chậm hiểu thì khi phân cặp GV phải phân cho những HS đó làm việc cùng với những HS vừa giỏi, vừa cẩn thận, và phải thật sự tế nhị để không chạm tự ái và lòng tự trọng của bạn. GV cũng cần duy trì chặt chẽ việc cho HS cùng nhau đọc ra thành tiếng những bài tập mà các em đã sửa cho nhau; vì khi đọc lên như thế sẽ giúp cho kiến thức phản hồi ngược lại trong tâm trí HS như thế sẽ giúp các em nhớ lâu hơn phần kiến thức đã học.
Trần Thị Thúy Hằng
(GV Trường THCS Độc Lập, Phú Nhuận)
Bình luận (0)