Hội thảo “Chỉ đạo quản lý hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông” vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức tại Nghệ An nhằm tìm những giải pháp liên hoàn để dỡ bỏ những rào cản, những khó khăn mà các thầy, cô giáo đang gặp phải trong nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học.
Giờ học tiếng Anh với phương pháp giảng dạy mới tại Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh (Nghệ An)- Ảnh: QUÍ HIÊN |
Một số thầy cô giáo tham gia hội thảo cho rằng: “Thiếu định hướng, nhiều khi thấy mình như đi trong rừng rậm, phải tự tìm lấy đường đi nhưng cũng không chắc chắn, không tự tin đó là con đường đúng”.
Dỡ bỏ rào cản, hình thành ý thức
Cô giáo Phạm Thị Hải Yến, Trường THCS Đặng Thai Mai (Nghệ An), sau giờ dạy có Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân dự giờ đã cho biết: “Thời gian đầu với tôi rất khó khăn. Chỉ việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng không đơn giản. Có người cả tiết dạy chỉ lo trình chiếu, và học sinh thay vào việc nghe – đọc – chép thì nhìn – chép… Giữa đồng nghiệp cũng nhiều quan điểm khác nhau, không thống nhất. Điều này khiến nhiều giáo viên ngại đổi mới…”.
"Đề nghị các cơ sở giáo dục sẽ cùng chúng tôi suy nghĩ xem nên có một tên gọi, một danh hiệu thế nào để khen thưởng đặc biệt các thầy giáo, cô giáo có cống hiến cho việc đổi mới phương pháp dạy học hiệu quả. Việc này sẽ phải làm liên tục hằng năm. Bộ GD-ĐT sẽ có trách nhiệm hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học một cách chi tiết hơn. Chúng ta phải hỗ trợ các thầy cô giáo, không để các thầy cô đơn độc". (Phó thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân) |
Xu hướng sử dụng công nghệ thông tin như một cách “đổi mới phương pháp dạy học” phổ biến thời gian qua ở nhiều trường phổ thông là minh chứng việc đổi mới hình thức, chạy theo thành tích. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận xét: “Có nhiều thầy cô giáo đã coi thiết bị trình chiếu là vật trang trí cho tiết học nhưng không đem lại lợi ích. Thầy nhàn hơn nhưng trò thì bị nặng nề, mệt mỏi do phải cố gắng nhìn màn hình để chép”.
Một tình trạng phổ biến nữa là việc “lạm dụng sách giáo khoa, coi sách giáo khoa như pháp lệnh, phải dạy hết”. Trong khi chỉ đạo của Bộ GD-ĐT từ lâu là giáo viên chủ động lựa chọn những kiến thức cần thiết để dạy bám sát chuẩn kiến thức đã ban hành. Việc “dạy hết sách giáo khoa” gây sự quá tải, nặng nề, thiếu thời gian cho giáo viên và học sinh đổi mới phương pháp. Để xảy ra tình trạng trên, theo thứ trưởng Hiển, trách nhiệm lớn nhất ở những người quản lý, những người thiết kế “con đường cho việc đổi mới”.
Ông Lê Quán Tần, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học – Bộ GD-ĐT, nhận định sáu điểm yếu và cũng là rào cản: thói quen dạy thụ động, phù hợp với cách đánh giá qua thi cử “dạy, học gì thi nấy”; thói quen dạy chay do không làm chủ thiết bị, lười biếng, không bao quát đối tượng HS, bỏ rơi HS yếu, kém, chỉ chú trọng truyền đạt kiến thức, không chú trọng rèn kỹ năng, ứng dụng… Ông Lê Quán Tần cho rằng: phương pháp dạy học thật sự đi vào hoạt động dạy học chỉ khi được chuyển hóa từ tri thức sang ý thức, trở thành thói quen, kỹ năng của các thầy, cô giáo.
Việc của người ở “hậu trường”
Nếu giáo viên là người trực tiếp thực hiện đổi mới phương pháp thì những nhà quản lý các cấp là lực lượng hỗ trợ ở “hậu trường”. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã đưa ra một định hướng: thực hiện phương pháp dạy học tích cực. Theo đó, giáo viên phải biết cách tổ chức quá trình học tập của HS một cách chủ động, hứng thú. Giáo viên không phải là người đi “sửa lỗi” mà là người “khai thác lỗi” cho HS để HS tự điều chỉnh. Giáo viên phải có hồ sơ chuyên môn, chú ý đến mối liên hệ giữa các môn học, kiến thức của các lớp học có tính tiếp nối, mối liên hệ với thực tế.
Phó thủ tướng – Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Từ hội thảo này cần phải hình thành nhiệm vụ của các cấp, làm rõ trách nhiệm của các cấp, bộ phận trong ngành, trong các nhà trường. Trong đó vai trò của hiệu trưởng, tổ bộ môn rất quan trọng nhằm hỗ trợ giáo viên đổi mới. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định: Bộ GD-ĐT sẽ có trách nhiệm chăm lo tổ chức phong trào đổi mới phương pháp dạy học bằng nhiều hình thức, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương làm việc này. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện việc tôn vinh các nhà giáo có công trong việc tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học.
TRỊNH VĨNH HÀ (TTO)
Bình luận (0)