Môn giáo dục công dân do thầy Trần Tuấn Anh (Trường THCS Bạch Đằng, Q.3) giảng dạy với nhiều hình ảnh minh họa sinh động gây hứng thú HS trong giờ học. Ảnh: Tr. Tri
|
Điểm cốt lõi của việc “Đổi mới phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học sinh” là thay đổi mối tương tác thầy và trò để hình thành năng lực sáng tạo, rèn luyện khả năng tự học, tự ghi chép của học sinh (HS).
Để làm được điều này (và cũng để tránh tình trạng đọc – chép), ngay ở phần giới thiệu bài, giáo viên (GV) không thể cho HS ghi những gì đã có trong SGK mà nên đặt ra một tình huống giả định để các em tự giải quyết và gây hứng thú ở những phút đầu tiết học. Từ các câu trả lời của HS, GV dẫn dắt vào bài mới một cách tự nhiên, uyển chuyển. Ví dụ trong bài 8 (bài Khoan dung) của chương trình giáo dục công dân lớp 7, GV đặt câu hỏi: “Hoa học giỏi được bạn bè yêu mến, còn Hà ghen tức và thường hay nói xấu Hoa. Nếu là Hoa em sẽ cư xử như thế nào đối với Hà?”. Phần này GV đã dặn dò HS chuẩn bị ở nhà từ tiết học trước nên các em sẽ trả lời tập trung hơn. Tuy nhiên cũng cần tôn trọng ý kiến riêng của từng cá nhân, sau đó GV sẽ điều chỉnh nếu các em hiểu sai. Đặt HS trước tình huống có vấn đề và tìm cách giải quyết vấn đề là GV đã đạt được mục tiêu bài học.
Trong phần đọc truyện (theo SGK), nếu trước đây hoặc ở bộ môn văn, GV gọi từng em lên đọc cho cả lớp nghe thì theo phương pháp mới, GV cho HS đọc theo hình thức phân vai. Cách đọc sinh động này vừa gây sự thích thú, hấp dẫn vừa làm cho cả lớp tập trung hơn. Trong bài Hãy tha lỗi cho em nên phân công 3 HS đọc một lúc: Một em đọc lời dẫn, một em đọc lời thoại của Khôi và một em đọc lời thoại của cô giáo Vân. Trong quá trình nghe đọc, các em còn lại tự làm việc với SGK để theo dõi và hình thành tư duy nghiên cứu khoa học cho các em.
Mặc dù trong SGK đã miêu tả cụ thể thái độ của Khoa nhưng GV cũng nên đặt câu hỏi: “Thái độ lúc đầu của Khoa đối với cô giáo như thế nào?” để các em tự phát hiện thông qua thảo luận nhóm. Dựa vào SGK các em có thể trả lời: “Lúc đầu Khoa đứng dậy nói to, về sau chứng kiến cô tập viết lại rơm rớm nước mắt, giọng nghèn nghẹn, xin cô tha lỗi”. Tương tự, GV đặt tiếp những câu hỏi phát hiện, câu hỏi suy luận, câu hỏi mở rộng… để HS vận dụng tư duy cá nhân và tư duy tập thể để trả lời câu hỏi. Qua đó GV sẽ đánh giá được trình độ nhận thức và khả năng sáng tạo của HS. Tuy nhiên, câu hỏi không thể nêu ra tùy tiện trong lúc giảng bài mà phải kích thích sự suy nghĩ, tính tò mò khoa học của các em. Khi thầy cô hướng dẫn thảo luận nhóm, HS tự ghi chép thông qua lời giảng hoặc hướng dẫn của GV. Chú ý hệ thống câu hỏi phải hợp lý, phải vừa sức với trình độ và yêu cầu của đối tượng khối 7. Nội dung câu hỏi phải đặt đúng với nội dung bài học. Cuối cùng GV đặt câu hỏi: “Em rút ra bài học gì qua câu chuyện trên?”, sau đó cho các em đi đến kết luận: “Đặc điểm của lòng khoan dung là biết lắng nghe để hiểu người khác, biết tha thứ cho người khác. Không chấp nhặt, không thô bạo, không hẹp hòi khi nhận xét người khác. Phải luôn tôn trọng và chấp nhận người khác”. Khi hướng dẫn HS thảo luận nhóm hay tổ, GV phải đi theo 4 bước: Ghi danh sách, thảo luận, đặt câu hỏi và biết kiểm tra các hoạt động.
Trong phần tìm hiểu nội dung bài học, GV tiếp tục thực hiện các ý còn lại: Ý nghĩa của lòng khoan dung, cách rèn luyện lòng khoan dung. Trước khi chốt vấn đề theo 3 nội dung trên, GV đưa ra câu tục ngữ: “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại” và hướng dẫn HS giải thích. GV phải nhớ cho HS ghi phần dặn dò (chuẩn bị ở nhà) vì đây là khâu cần thiết. HS có làm việc ở nhà thì khi đến lớp mới phát huy được hết tính tích cực của mình. Phần luyện tập củng cố, GV cho HS trả lời tự do câu hỏi: “Em hãy kể một việc làm thể hiện lòng khoan dung của em. Một của em thiếu khoan dung đối với bạn?”.
Nói đổi mới trong giáo dục là phải đổi mới tư duy và từ đó đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động dạy và học. Giờ học môn giáo dục công dân phải làm sao lôi cuốn và thu hút HS như các giờ học khác. Đó chính là phương châm và cũng là nghệ thuật của GV dạy môn này. Nó đòi hỏi người thầy giáo phải có trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, khả năng sáng tạo, sự cảm hóa tinh tế và luôn yêu thích bộ môn.
Lâm Thị Lành
(GV Trường THCS Châu Văn Liêm, Q. Phú Nhuận)
Đổi mới trong giáo dục là phải đổi mới tư duy, từ đó đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động dạy và học. Giờ học công dân phải làm sao lôi cuốn và thu hút HS như các giờ học khác – đó là nghệ thuật của GV dạy môn này.
|
Bình luận (0)