Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới phương pháp giảng dạy: Người dạy và người học phải chủ động

Tạp Chí Giáo Dục

SV tìm kiếm, tham khảo thêm tài liệu – một cách nâng cao tinh thần tự học

Bên cạnh việc đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp truyền đạt của giảng viên (GV)… thì việc tăng cường tính chủ động của sinh viên (SV) trong học tập, nghiên cứu là một trong những hướng nâng cao chất lượng đào tạo được nhiều đại biểu đồng tình tại hội thảo: “Đổi mới phương pháp giảng dạy” do Trường ĐH Sài Gòn tổ chức vừa qua.

Sinh viên ít “tự thân vận động”
Theo kết quả khảo sát ở hơn 10 trường ĐH trong nước do GV Vũ Hoài Nam (khoa SP Khoa học tự nhiên) công bố tại hội thảo, số SV cần phải tìm thêm tài liệu trên lớp chỉ khoảng 25%. Dù có nhiều lớp học, tài liệu dạy về khả năng giao tiếp và thích nghi của người trẻ trong những hoạt động tập thể nhưng vẫn còn 4% SV thú nhận không tham gia hoạt động tập thể nếu có người lạ; hơn 6% có tham gia nhưng chỉ ngồi một chỗ; gần 40% coi việc giao tiếp với người lạ là khó khăn nhưng vẫn cố gắng vượt qua.
Trong khi đó, số SV không thường xuyên tham gia hoạt động phong trào gần 50%. Xấp xỉ 15% SV tham gia hoạt động Đoàn, hội chỉ để… điểm danh. Một số nguyên nhân được GV Vũ Hoài Nam đề cập đến như: SV chưa thấy được tầm quan trọng của việc học; chưa biết cách tự học, thiếu tự tin, sáng tạo; lo làm thêm, không đủ kinh phí mua tài liệu hoặc lên mạng tìm hiểu thông tin; thụ hưởng một phương pháp truyền đạt cũ là đọc- chép từ GV; thiếu trang thiết bị học tập tại trường (sách chuyên ngành, máy vi tính nối mạng…). Liên quan đến vấn đề hạn chế trang thiết bị, ThS. Nguyễn Kiều Dung (khoa SP Khoa học tự nhiên) ước tính, trung bình một học kỳ (năm 2008-2009), riêng GV môn toán đảm nhận khoảng 50 lớp giảng dạy trong một tuần. Nhưng cả khoa SP Khoa học tự nhiên (gồm 4 bộ môn của 4 ngành) chỉ có hai phòng bộ môn trang bị máy chiếu (projector) và một máy rời. Những lớp đông SV không thể học phòng bộ môn. ThS. Dung còn nhận định, việc dạy học ứng dụng CNTT trong điều kiện phải đăng ký thủ tục mượn máy chiếu và màn chiếu từng buổi rồi trả lại sau giờ học là rất bất tiện. Chưa kể lúc cả ba máy đều bận hay các lớp học không nằm ở cơ sở chính.
“Thức tỉnh” SV
GV Nguyễn Phan Thu Hằng (khoa Quản trị kinh doanh) quan niệm dạy học là một nghệ thuật thức tỉnh SV tính ham hiểu biết, dạy SV biết suy nghĩ và hành động tích cực. “Dạy SV tính tự học, tự nghiên cứu không có nghĩa GV giao cho SV một lô sách để họ tự đọc, tự thảo luận vì như vậy, vai trò người dạy sẽ mờ nhạt. Người dạy nên giới thiệu SV những tài liệu môn học một cách có chọn lọc và vừa phải. Bởi thời lượng một môn học có hạn, cùng lúc SV lại phải học nhiều môn, nhiều tài liệu quá SV sẽ không “tải” nổi”, bà Thu Hằng khẳng định.
Riêng TS. Nguyễn Khắc Hùng (khoa Tài chính – Kế toán) bàn về phương án cắt giảm số tiết trên lớp nhằm tăng số tiết tự học của SV, nâng cao tính chủ động trong học tập của SV. Theo TS. Hùng, việc sử dụng các công cụ hỗ trợ (như power point) hay giảm bớt một số chương, cho SV tự nghiên cứu và thảo luận… là cơ sở để giảm số tiết trên lớp, giảm độc thoại từ GV, tăng cường tính chủ động cho SV. Tuy nhiên, cũng theo TS. Hùng, nếu nội dung chương trình đào tạo không xác định rõ ràng, việc giảm số tiết trên lớp thường kéo theo sự cắt giảm nội dung môn học, dẫn đến nhiều môn không đạt được độ sâu. Việc giảm tải trên lớp, tăng cường tính tự học cho SV này chỉ thực hiện thành công khi có đủ các điều kiện cần thiết như trang bị phương tiện cho lớp học, hệ thống thư viện, có phòng tự học cho SV để họ thảo luận nhóm.
Hơn ai hết, SV phải có tinh thần tự chữa bệnh “ì” cho chính mình. Bởi dù chương trình đào tạo được đổi mới và tiến bộ đến mấy, GV có nhiệt tình làm mới mình bao nhiêu mà SV cứ hoài thụ động, không chịu bắt tay hưởng ứng thì sẽ không đạt được chất lượng mong đợi.
MÊ TÂM

 

Bình luận (0)