Các chuyên gia, nhà giáo, bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến về Tuổi Trẻ tham gia diễn đàn “Đổi mới phương pháp giảng dạy”.
Bất cứ giáo viên nào cũng hiểu một điều cơ bản là trong giảng dạy không có phương pháp nào ưu việt tuyệt đối, mỗi phương pháp có mặt ưu, khuyết của nó. Điều tôi muốn đề cập ở đây là nghệ thuật áp dụng của người giáo viên trong thực tế lớp học. Một tiết học muốn thành công phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố bên ngoài, trong đó cơ sở vật chất, thiết bị và trình độ người học (và đương nhiên có áp lực thành tích) là những yếu tố cơ bản nhất. Theo tôi, giáo viên nào trong khả năng vật chất thấp nhất mà đảm bảo hiệu quả truyền đạt cao nhất cho học sinh là giáo viên đó thành công, đã lấy người học làm trung tâm chứ không nhất thiết phải chia nhóm, thảo luận hay đi thực tế mới là đổi mới phương pháp giảng dạy.
Một thời người ta kịch liệt phản đối chuyện giáo viên đọc chép, diễn giảng cho đó là lạc hậu, lỗi thời, phải chia nhóm, phải cho học sinh thảo luận, phải dạy bằng giáo án điện tử thì nhất nhất đó mới là đổi mới phương pháp giảng dạy. Và trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, người ta cũng đưa những tiêu chí như trên lên hàng đầu, không có nó xem như giáo viên đó không “đi kịp thời đại”. Nhưng thực tế thì sao? Có bao nhiêu giáo viên dạy giỏi duy trì được phương pháp mà mình đem ra thi hay chính những giáo viên như thầy Tuấn Anh, cô Trịnh Thị Định và nhiều giáo viên thầm lặng khác nữa mới là người tạo được hứng thú nơi học sinh, mới là những người thực thi rõ ràng nhất câu “chơi mà học, học mà chơi”.
Có lẽ ràng buộc đầu tiên mà chúng ta phải tháo bỏ đó là ràng buộc về mặt tâm lý, quan niệm đã tồn tại dai dẳng xoay quanh cụm từ đổi mới phương pháp trong hệ thống giáo dục, phải tạo cho giáo viên có quyền tuyệt đối (đương nhiên là kèm theo cam kết) trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy tiếp cận vấn đề trong chuyên môn của mình. Bởi vì không ai hiểu rõ học sinh bằng chính người thầy trực tiếp giảng dạy, không ai hiểu rõ người thầy hơn chính người thầy trong việc xác định điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình.
Điều ràng buộc thứ hai cần phải dỡ bỏ, theo tôi, là áp lực chạy theo chương trình. Tại sao chúng ta không lấy người học làm trung tâm vì sự phát triển bên trong của họ mà lại lấy chỉ số tiến độ kịp hay không kịp chương trình làm thước đo thi đua? Ai cũng biết việc chạy theo thành tích, tiến độ định sẵn ảnh hưởng thế nào đến chất lượng, phương pháp giảng dạy của người thầy nếu không muốn nói là việc ấy gián tiếp cổ vũ việc “đọc chép như máy” của giáo viên trên lớp.
Điều cuối cùng có lẽ là việc chúng ta cần xem lại quan niệm về giáo án điện tử. Ở nhiều trường, giáo viên đi dạy phải có giáo án điện tử mới xem là hiện đại, thời thượng và có đổi mới phương pháp (đương nhiên hệ quả của nó là tạo ra hàng loạt giáo án giống nhau, bất kể trình độ học sinh, mà điều này là đại kỵ trong giáo dục). Ai còn soạn giáo án trên giấy theo kiểu truyền thống thì bị xem là thiếu đổi mới, không theo kịp thời đại. Thật ra rất nhiều người đồng tình rằng khi soạn tay, giáo viên chăm chút hơn, lựa chọn hơn trong cách truyền thụ của mình.
Dạy theo phương pháp nêu vấn đề Hơn bốn năm theo dõi thường xuyên bằng dự giờ trực tiếp ở các lớp, tôi thấy nếu giáo viên biết cách nêu vấn đề để gợi ý cho học sinh tìm hiểu bài một cách có hệ thống, khoa học, đúng theo quy trình, đúng theo mục đích yêu cầu thì sẽ mang lại hiệu quả cao. Vì qua đó, học sinh sẽ được trao đổi, bàn bạc, thảo luận, hợp tác và mạnh dạn trình bày ý kiến của mình, không khí học tập nhẹ nhàng vui tươi nhưng mang lại hiệu quả cao, học sinh học xong hiểu bài ngay tại lớp và nhớ được lâu. Để vận dụng phương pháp này hiệu quả, điều đầu tiên giáo viên phải nắm chắc mục tiêu và nội dung bài dạy, suy nghĩ và tiên lượng những điều cần nêu rõ cho học sinh biết trong bài có những gì cần tìm tòi, khám phá. Khi đưa ra kết luận, học sinh phải biết dựa vào vốn hiểu biết kinh nghiệm sống và thực tế trong đời sống của bản thân mà trả lời. Tình huống vấn đề giáo viên đưa ra là những yếu tố mơ hồ hay mâu thuẫn mà trong bài học khó lý giải. Giáo viên giúp đỡ học sinh bằng những câu hỏi gợi mở để khám phá, tìm kiếm làm rõ vấn đề bằng cách vận dụng kỹ năng, kiến thức để đưa ra lời giải hợp lý, đúng. Phương pháp dạy học nêu vấn đề là phương pháp học tập tích cực rèn học sinh có năng lực giải quyết vấn đề có khả năng thích ứng, hợp tác xây dựng bài rèn học sinh nói rõ ràng, rành mạch, khúc chiết, lưu loát. TRẦN VĂN TÁM Giảm tải chương trình Tôi rất muốn rèn luyện cho các em kỹ năng diễn đạt, phân tích, lập luận, tổng hợp, đánh giá… nhưng thời gian đâu? Vào lớp là lo dạy cho hết khối lượng kiến thức, đúng theo phân phối chương trình của bộ. Trong khi khối lượng kiến thức thì rất nhiều, không dám bỏ bớt vì nếu bỏ bớt học trò sẽ thi không đạt do cách thi hiện nay đang bám sát sách giáo khoa. Chỉ riêng việc cung cấp hết kiến thức trong sách giáo khoa đã hết thời gian. Ai cũng biết muốn rèn những kỹ năng trên cần phải được thực hành nhiều, nhưng thầy trò chúng tôi lấy đâu ra thời gian để thực hành? Tôi dạy môn lịch sử, một học kỳ có nhiều nhất năm bài kiểm tra. Với năm bài kiểm tra thì có thể rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá được không? Tình hình cũng tương tự ở các môn còn lại, nhất là môn văn. Tôi rất muốn cho học sinh làm bài luận để rèn luyện các kỹ năng, nhưng học sinh đâu phải chỉ học mỗi môn mình dạy mà còn rất nhiều môn, môn nào cũng nặng. Vì vậy theo tôi, để đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết cần phải giảm tải chương trình (đừng quá tham lam muốn học sinh phải biết tất cả), thay đổi cách kiểm tra, đánh giá hiện nay. Có như vậy mới “giải phóng” người dạy, người học, phát huy được khả năng sáng tạo, tư duy độc lập tích cực của người dạy và người học. THU THỦY (Đà Nẵng) |
LÂM QUANG VINH
(giảng viên Trường ĐH Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh)
Bình luận (0)