Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới quản lý giáo dục: Bài toán khó?

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, diễn đàn “Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục?” đã đăng nhiều ý kiến của bạn đọc là những người đang đảm nhiệm công việc quản lý ở các trường công lập, tư thục… Tất cả các ý kiến đều hướng đến mục tiêu là làm mọi cách để nâng cao chất lượng giáo dục. Các ý kiến phản ánh và kiến giải vấn đề theo những cách nhìn khác nhau. Để kết thúc diễn đàn, Giáo dục xinđược lược ghi một cách khái quát cùng những trăn trở của người theo dõi vấn đề này.

Trang thiết bị hiện đại cũng là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục
Đổi mới thế nào?
Có ý kiến cho rằng đầu tư cơ sở vật chất cũng là yếu tố giúp nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động dạy và học, là nguồn động viên đội ngũ thầy cô giáo; từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự nhiệt tình; lại có ý kiến cho rằng đẩy mạnh hoạt động phong trào để làm đòn bẩy nâng chất lượng giáo dục, hoặc như ý kiến thầy Nguyễn Bác Dụng: “Quản lý giáo dục không phải quản lý con người mà là quản lý công việc, quản lý kế hoạch, chiến lược”; còn một bạn đọc ở Quảng Bình cho rằng đổi mới quản lý là đầu tư cho đội ngũ giáo viên… Mỗi ý kiến đều thể hiện tính độc đáo nhưng sự mới mẻ lại chưa có nhiều. Bởi thực chất, hàng chục năm qua, ngành GD-ĐT trải qua không biết bao nhiêu lần hết cải cách rồi cải tiến. Cả những ý kiến bày tỏ trong các hội nghị tổ chức ở địa phương cũng như trung ương đã nói đến những yếu tố trên khi đề cập đến vấn đề: làm thế nào để nâng chất lượng giáo dục? Phải chăng, muốn đổi mới quản lý để nâng chất lượng giáo dục đạt hiệu quả cần tổng hòa các ý kiến trên? Và nếu đúng như vậy, thực chất của đổi mới không có gì mới mà có thể đổi mới bằng cách làm mới? Một hiệu trưởng THPT đã nói: “Đổi mới như một vài trường đang làm và cho rằng đó là đổi mới, tôi thấy không ổn. Chẳng qua đó chỉ là cách lặp lại những gì đã làm trước đây. Tôi nghĩ, muốn thực hiện đổi mới dù là phương pháp dạy và học hay quản lý, yếu tố chính vẫn là con người. Phải lo cho họ có cuộc sống ổn định thông qua thu nhập; các trường sư phạm phải cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, những cái hay cái mới của thế giới để cung cấp cho những nhà giáo tương lai”. Tựa như ý kiến của GS.NGND Hoàng Như Mai, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, cho rằng: “Cần xem lại việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý”, vì đó là yếu tố quyết định hiệu quả đổi mới quản lý giáo dục.
“Có thực mới vực được đạo”
Nhiều câu hỏi đặt ra: Tại sao một trường tư thục bình thường như Nguyễn Khuyến (TP.HCM), đầu vào không thi tuyển, tập hợp học sinh từ nhiều nguồn, vậy mà tỉ lệ tốt nghiệp THPT luôn đạt 100%, trong đó tỉ lệ tốt nghiệp xếp loại giỏi rất cao nằm trong top 5 của TP.HCM và có số lượng học sinh đỗ thủ khoa trong các kỳ tuyển sinh ĐH luôn cao? Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi thấy điều cơ bản để Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyễn đạt được kết quả trên là do đồng lương của đội ngũ giáo viên, giám thị, quản nhiệm cũng như cán bộ công nhân viên nhà trường rất cao. Thu nhập của họ không chỉ đủ nuôi bản thân mà còn thừa để tích lũy. Bên cạnh đó, trường tập trung suốt thời gian trong tuần cho việc học (trừ chủ nhật), riêng lớp 12 thời gian nghỉ trong tuần rất ít. Đã có lần một tờ báo ở TP.HCM ví nhà trường như trại lính! Vậy mà, phụ huynh vẫn tìm mọi cách để cho con em mình có được một chỗ học tại trường! Khi hỏi về “bí quyết” nào để trường có những kết quả này, cố nhà giáo Nguyễn Ngọc Phấn, nguyên Phó hiệu trưởng cho biết: “Chẳng có bí quyết gì, lo cho thầy cô đủ sống để thầy cô an tâm dạy là khâu quan trọng nhất”. Còn GS.NGND Lê Trí Viễn, nguyên Hiệu trưởng thì nói: “Nhiệm vụ chính của học sinh là học tập, vào trường này là phải tiến bộ để con đường vào ĐH thẳng tắp”. Ở một vài trường dân lập tư thục đã định danh và xác định uy tín, lãnh đạo nhà trường cũng có những ý kiến tương tự chứ họ không giáo điều. Từ đó nhìn lại các trường công lập, cơ chế phần nào trói buộc làm hạn chế như: muốn đầu tư cơ sở vật chất phải chờ phê duyệt; phê duyệt xong phải chờ cấp ngân sách, thời gian để thực hiện phải mất rất lâu, vài năm không phải là chuyện lạ; muốn bổ sung giáo viên cũng phải xin và chờ “rót”. Cụ thể như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã “tuột khỏi tay” không ít thầy giỏi do không được tự tuyển. Học phí trường công lập hơn 10 năm không thay đổi, trong khi giá cả trượt liên tục… Những hạn chế này đã kìm hãm sự năng động và cả việc nâng chất lượng giáo dục. Còn trình độ đội ngũ cán bộ quản lý chưa đồng đều và cung cách giải quyết vấn đề cũng khác. Trường hợp một nữ sinh buộc phải nghỉ học chỉ vì ông hiệu trưởng một trường THPT không đồng ý cho em làm hồ sơ nhập học vào lớp 10 với lý do nộp hồ sơ nhập học trễ. Hiệu trưởng Trường THPT khác đồng ý nhận và đề nghị cho em rút hồ sơ, nhưng ông hiệu trưởng “khắc nghiệt” này lại cũng không cho rút. Nộp xin học không cho, rút hồ sơ xin chuyển qua trường khác cũng không cho, vậy là em đành chấp nhận bỏ học. Con đường học vấn của em đã thật sự bị khép lại do sự “khắc nghiệt” lạ lùng của ông hiệu trưởng kia. Chính vì thế, chúng ta kêu gào đổi mới nhưng không đổi mới con người liệu có thực hiện hoàn hảo? Đổi mới nhưng vẫn là lặp lại cái cũ vậy có là đổi mới? Đổi mới chương trình nhưng chưa đổi mới thi cử liệu có ổn?
Trần Thanh Quang

Bình luận (0)