Hội nhậpGiáo dục phát triển

Đổi mới quản lý giáo dục đại học – yêu cầu tất yếu và khách quan trong giai đoạn hội nhập

Tạp Chí Giáo Dục

Đổi mới toàn diện GD, đặc biệt là GD Đại học (ĐH), để đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn mới từ lâu đã là chủ trương của Đảng, Nhà nước ta và là một trong những nhiệm vụ chính của ngành GD&ĐT. Trong quá trình đổi mới GD, Bộ GD&ĐT từ lâu đã chủ trương đẩy mạnh và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Trên lĩnh vực đổi mới quản lý GD, trong đó có GD ĐH, hàng năm Bộ đều tổ chức những đoàn cán bộ quản lý đi bồi dưỡng, học hỏi mô hình quản lý của các nền GD tiên tiến trên thế giới. Gần đây nhất vào tháng 11/2008, Bộ GD&ĐT đã tổ chức lớp bồi dưỡng Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ năm 2008. Lớp bồi dưỡng do Ban chỉ đạo của Bộ GD&ĐT chủ trì và giao cho Học viện Quản lý GD tổ chức thực hiện diễn ra từ 3/11/2008 đến 16/11/2008, trong đó từ 3/11/2008 đến 8/1/2008 học tập tại Việt Nam và từ 9/11/2008 đến 16/11/2008 khảo sát tại Mỹ. Dưới đây là những nhìn nhận của ông Trần Trung – Phó Hiệu trưởng Trường Dự bị ĐH Dân tộc Sầm Sơn (Bộ GD&ĐT) – sau khi tham gia khoá bồi dưỡng.

GDĐH trong bối cảnh mới, phải luôn luôn đổi mới

Trong thời gian bồi dưỡng 1 tuần tại Việt Nam, chúng tôi đã tham gia 08 chuyên đề thực sự bổ ích đối với công tác quản lý GD, do các chuyên gia quốc tế trình bày. Thời gian lớp bồi dưỡng khảo sát thực tế tại Hoa Kỳ, chúng tôi đã tham gia các nội dung: Trao đổi công tác với trường College of Staten Island (CSI) thuộc Đại học thành phố New York (CUNY); Thăm và làm việc với trường ĐH Hunter, một trong những trường ĐH công lập lâu đời nhất nước Mỹ và là trường thành viên lớn nhất của ĐH thành phố New York ở New York; Làm việc với Viện GD quốc tế Hoa Kỳ; Thăm và làm việc với ĐH Harvard; tham quan Office of University Marshal, thuộc ĐH Harvard và làm việc với Trường Harvard Kennedy School.

Cái nhìn đầu tiên sau khóa bồi dưỡng và chuyến khảo sát thực tế là gì? Đó là yêu cầu về đổi mới. GDĐH trong bối cảnh mới phải luôn luôn đổi mới. Quốc tế hiện nay có hệ thống GD đa dạng. Một số vấn đề đã được chuẩn hoá, nhưng không mô tả được đầy đủ tính đa dạng này. Trình độ đào tạo có mối tương quan với tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp ở phụ nữ cao hơn so với ở nam giới; thu nhập ngày càng cao ở người có đào tạo; Tỷ suất lợi nhuận càng cao đối với người đầu tư vào khu vực GD ĐH. Giữa các nước, các khu vực có sự khác nhau về đầu tư cho GD, khác nhau về kết quả GD-ĐT. Thế giới có các xu thế: Cơ cấu độ tuổi thay đổi; những vấn đề về dân số (thành thị nhiều lên, dân số tăng mạnh ở vùng kém phát triển, giàu nghèo càng xa nhau, di dân …); Nền kinh tế tri thức mang tính toàn cầu; Thị trường lao động thay đổi; GD, nhất là GDĐH có ưu thế và đạt được nhiều kết quả; Tiến bộ khoa học công nghệ phát triển mạnh, nhanh; Các cơ quan nhà nước thay đổi, các giá trị gia đình thay đổi; kinh tế phát triển và hội nhập. Những thực tế trên đòi hỏi GD, nhất là GDĐH phải đổi mới và đổi mới liên tục.

Phát triển đội ngũ – ưu tiên số một trong phát triển GDĐH

Xã hội trông mong vào các trường có chiến lược, chính sách phát triển đội ngũ. Cơ sở đào tạo cần con người đủ năng lực và đội ngũ ấy phải có khả năng luôn thay đổi, mềm dẻo để thích ứng với sự luôn đổi mới của giáo dục. Chất lượng đội ngũ chính là danh tiếng của trường. Phát triển đội ngũ đối với lãnh đạo cấp trường, cấp khoa, cấp bộ môn; phát triển đội ngũ thầy giáo và với đội ngũ quản lý (bao gồm cả lãnh đạo trưởng, phó phòng ban và chuyên viên hành chính). Trong phát triển đội ngũ giảng viên đặc biệt chú ý tới vai trò giảng dạy và vai trò nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nhệ (coi 2 nhiệm vụ này ngang nhau, đôi khi nghiên cứu khoa học phải được trú trọng hơn).

Ưu tiên phát triển đội ngũ trong phát triển GDĐH. Bên cạnh đó, chúng ta phải chấp nhận thực tế: Toàn cầu hoá là khách quan; Quốc tế hoá là tất yếu của các cơ sở GD ĐH; Hợp tác quốc tế là một mặt của quốc tế hoá. Quốc tế hoá GDĐH là sự đối đáp với toàn cầu hoá của mỗi quốc gia, mỗi cơ sở GD-ĐT; nó chịu ảnh hưởng của toàn cầu hóa và ảnh hưởng trở lại quá trình toàn cầu hoá. Quốc tế hoá GDĐH được thể hiện trong từng chương trình, nội dung đào tạo; trong mỗi môn học, mỗi cuốn sách, mỗi đề tài nghiên cứu. Quốc tế hoá còn thể hiện sâu sắc ở tổ chức đào tạo, đánh giá, cấp bằng (linh hoạt, liên thông không chỉ trong phạm vi một trường mà trong nhiều trường, không chỉ trong một quốc gia mà trong nhiều quốc gia). Ngay cả các hoạt động mang tính văn hoá, văn nghệ, thể thao trong mỗi trường ĐH cùng phải được giao lưu và hội nhập.

Hợp tác quốc tế là một mặt của quốc tế hoá. Các nước, các trường có điều kiện nguồn lực thấp vẫn phải tham gia hợp tác (chẳng hạn một trường ĐH luôn mong có học bổng từ một trường khác ở nước ngoài để cho SV, HV, nghiên cứu sinh trường mình đi nghiên cứu ở trường đó, thì cũng phải có một số suất học bổng dù khiêm tốn để SV các nước khác đến trường mình). GDĐH thế giới đi từ GD hướng tới sự tồn tại sang GD hướng tới hiệu quả và hiện nay đang hướng tới GDĐH phát huy tối đa năng lực người học. Vì vậy, đó là lý do để chúng ta cần quốc tế hoá mạnh trong GD-ĐT, nếu muốn nâng cao chất lượng.

Ở tất cả các cơ sở GD-ĐT tại Hoa Kỳ mà chúng tôi khảo sát thực tế đều thực hiện tuyển chọn và đánh giá giáo viên không chỉ qua giảng dạy mà còn qua các hoạt động khoa học công nghệ (KHCN). Việc này gần đây cũng đã có một số cơ sở GDĐH hàng đầu ở nước ta thực hiện, tuy nhiên chưa phổ biến. Các chuyên gia quốc tế về quản lý GD cũng khẳng định trong tuyển nhân lực (đội ngũ) cả về chất lượng và về số lượng đều cần phải tính đến nhiệm vụ nghiên cứu KH và chuyển giao CN. Thực tế ở các cơ sở GDĐH trong nước cũng cho thấy đó là những hướng đi cần thiết, bên cạnh việc cần có chiến lược và thực hiện quyết liệt chiến lược KHCN trên các mặt. Chúng ta phải coi KHCN là một chiến lược trọng điểm, cải cách hệ thống quản lý và thực hiện; tạo ra sự cách tân. KHCN phải sống được trong xã hội và nhân dân, phải mang tính quốc tế.

Thấu hiểu thêm nền GDĐH Việt Nam qua cách nhìn của chuyên gia GD quốc tế

GS. Thomasj Vallely là giám đốc chương trình Việt Nam của Trường Đại học Kennerdy thuộc ĐH Harvard, trong một buổi làm việc đã nhận xét về GDĐH Việt Nam như sau:

Thứ nhất, có 3 yếu tố tạo cho sự tồn tại của GDĐH Việt Nam, đó là: Sự bùng nổ Internet trong 8 năm gần đây đã tạo điều kiện cho người cần học, người học tiếp cận với môi trường ĐH thế giới; Truyền thống hiếu học của người Việt Nam; Thi vào ĐH chính quy rất nghiêm túc, chọn được các em giỏi hơn, khá hơn vào ĐH.

Thứ hai, Việt Nam có 6 điều nhận thức chưa đúng (“ngộ nhận”) cần thay đổi để đổi mới giáo dục Việt Nam mới đưa được GDĐH Việt Nam phát triển. Đó là:

Về tiêu chuẩn để các trường ĐH đang áp dụng nhằm hướng tới chất lượng cao. GDĐH Việt Nam cần so sánh với hệ thống giáo dục ĐH các nước, không nên so sánh với chính mình. Các trường ĐH Việt Nam còn ít quan hệ với các trường ĐH nước ngoài (điều này ở Trung Quốc làm tốt hơn).

Tăng nhiều nguồn lực vật chất sẽ tạo ra chất lượng cao hơn. Nguồn lực vật chất là cần, là quan trọng. Nhưng không phải càng tăng vật chất thì chất lượng đào tạo đồng biến theo. GDĐH Việt Nam cần phải đổi mới hệ thống quản trị. Rất lo cho sự ra đời của nhiều trường dân lập hiện nay. Nó ra đời từ lợi nhuận. Mà lợi nhuận và chất lượng cao không đồng biến với nhau.

Nhận thức không đúng về các trường Đại học nước ngoài đến với Việt Nam. Các trường ĐH nước ngoài đến Việt Nam vì lợi nhuận là chính. Nếu tôi (GS. Thomasj Vallely) có con vào ĐH RMIT hay ĐH Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, tôi sẽ chọn trường ĐH Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh vì RMIT thi dễ, chỉ cần đóng đủ tiền học phí là được vào học.

Nhận thức không đúng về "Việt Nam cứ tiếp tục cải cách từ từ để có được GDĐH có chất lượng". Cần có kiểm định chất lượng, cần có cạnh tranh cao giữa các trường. Việt Nam cần có cơ chế , chính sách như "Khoán 10" trong nông nghiệp đối với GDĐH.

Nhận thức không đúng về nhân lực. GDĐH Việt Nam cần có hệ thống nhân sự thực tế, vì vậy cần đổi mới. Chương trình tiên tiến mà GDĐH Việt Nam đang thí điểm sẽ không có hiệu quả, nếu hệ thống nhân sự thực hiện chương trình tiên tiến không đổi mới. Hệ thống nhân sự muốn tốt thì cần phải dựa vào trình độ chuyên môn, năng lực khoa học của bản thân cán bộ, chứ không dựa vào gia đình bạn bè, hoặc cấp trên. Vai trò của Nhà nước với hệ thống GDĐH cũng phải đổi mới nhiều hơn nữa.

Nhận thức không đúng về kết quả của cải cách hành chính. Không nên coi cải cách hành chính là tạo nên sự thay đổi hệ thống nhân sự, mà vấn đề làm sao thu hút người tài giỏi về với trường.

Những ý kiến trên của Giáo sư Thomasj Vallely rõ ràng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Tất nhiên có những ý còn phải bàn, phải trao đổi thêm, có ý kiến chỉ để tham khảo. Thế nhưng thực tế cho thấy yêu cầu đổi mới, cải cách nền GDĐH theo hướng quốc tế hoá đã thực sự là một yêu cầu khách quan mà chúng ta khó né tránh trong thời đại toàn cầu hoá này.

Thiết nghĩ những cái nhìn từ bên ngoài có thể giúp chúng ta nhìn rõ hơn GD nước nhà và có suy nghĩ, hành động đúng hướng để đưa GDĐH Việt Nam hội nhập. Vấn đề đặt ra là vận dụng vào công việc của mỗi người, mỗi môi trường như thế nào để tiếp tục đổi mới GDĐH Việt Nam cho ngày càng tốt hơn.

Theo GD&TĐ

Bình luận (0)