Sự kiện giáo dụcTin tức

Đổi mới quản lý nhà trường và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông: Hiệu trưởng và giáo viên giữ vai trò then chốt

Tạp Chí Giáo Dục

Thảo luận nhóm là một phương pháp học hiệu quả hiện nay ở một số trường

Sáng 8-12, Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức hội thảo “Đổi mới quản lý trường học, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông” với sự tham dự của hiệu trưởng trường THTP nằm trên địa bàn thành phố.
Đổi mới bắt đầu từ nhận thức
Đổi mới quản lý trường học và nâng cao chất lượng giáo dục có mối quan hệ chặt chẽ với một quá trình lâu dài và toàn diện. Tuy nhiên, để thực hiện tốt cũng cần có nhiều thay đổi như lời Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Hoài Chương: “Có thể nói nền giáo dục chúng ta quá nặng nề trong vấn đề thi cử chứ không phải do chương trình nặng nề hay phương pháp lạc hậu như nhận định của nhiều người. Tôi cho rằng đổi mới diễn ra hàng ngày và để thực hiện đổi mới quản lý trước hết phải đổi mới về tư duy và phương pháp quản lý. Đồng thời đổi mới không thể đi chệch xa ba yếu tố là được điều hành bằng công tác kế hoạch, bằng công tác thanh kiểm tra và bằng công tác thi đua”. Ý kiến này cũng được thầy Lê Trọng Tín, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến đồng tình. Thầy Tín nói: “Chuẩn để đổi mới vẫn là con người. Trọng tâm thực hiện đổi mới là hai nhân vật trung tâm: thầy và trò. Vì vậy khi nhà quản lý đổi mới công tác quản lý chắc chắn tác động đến hai đối tượng này. Đổi mới là kết hợp sự tác động chủ đạo của thầy và vai trò chủ động của trò. Từ đó, chọn dạy học cá thể để định hướng phát triển cho học sinh”. Thầy Lê Trọng Tín khẳng định không có học sinh yếu chỉ có nhà trường không phân loại để tạo điều kiện phát huy năng lực cá nhân. Thầy Tín minh họa: “Thời gian dạy học tại vùng rừng núi, tôi nhận thấy học sinh vùng này có nhiều kiến thức về cây cỏ và lâm sản. Nếu chúng ta đưa những em này về TP.HCM hay Hà Nội để học toán, lý, hóa hay ngoại ngữ, chắc chắn các em này sẽ không đạt kết quả tốt. Tại sao chúng ta không định hướng cho các em theo học các ngành liên quan đến nông nghiệp, lâm nghiệp?”. Thầy Nguyễn Phùng Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung Phú cho biết: “Trường chúng tôi cũng phân loại học sinh để có kế hoạch và phương pháp giáo dục. Với cách làm như vậy kết quả đã được thể hiện nhiều năm nay”. Bên cạnh đó cũng có ý kiến đổi mới cần quan tâm đầu tư cho hoạt động văn thể mỹ như lời phân tích rất chi tiết quá trình thực hiện đổi mới quản lý của thầy Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi. Thầy Kiên cho biết: “Chúng tôi đầu tư cho hoạt động văn thể mỹ để thông qua đó đẩy mạnh hoạt động dạy và học. Kế hoạch này, nhà trường luôn đưa ra bàn bạc với tập thể để lấy ý kiến đóng góp. Nhìn lại, chúng tôi thấy kết quả chuyển biến rất rõ và nâng lên hàng năm cho cả hoạt động văn thể mỹ và dạy học”.
Đổi mới cần sự quán triệt từ tất cả mọi người với nhiều giải pháp và phải được tiến hành nhiều mặt một cách đồng bộ. Dù vậy cũng chú ý đến đặc thù của mỗi trường. Mỗi cơ sở giáo dục phải tự xây dựng cho mình một phương pháp đổi mới phù hợp với điều kiện thực có. “Mỗi trường phải chọn cho mình một lộ trình riêng. Có trường đi theo lộ trình đổi mới tương đối nhanh nhưng có trường đi rất chậm. Điều đó không quan trọng, tôi nghĩ chúng ta không cần nôn nóng, chậm nhưng chắc là điều tối ưu”, thầy Lê Trọng Tín nhấn mạnh.
Hiệu trưởng là đầu tàu

Thầy Nguyễn Bác Dụng – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trình bày quan điểm mới

Khi đề cập đến vấn đề đổi mới quản lý nhà trường nhằm nâng chất lượng giáo dục phải nói đến vai trò chủ đạo trọng tâm của người hiệu trưởng. Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Hoài Chương khẳng định: “Hiệu trưởng là đầu tàu, là người nắm giữ vai trò quan trọng nhất trong công tác quản lý nhà trường. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm mọi hoạt động có liên quan đến ngôi trường mình đang đảm nhiệm. Vì vậy, để nâng chất lượng giáo dục đòi hỏi người hiệu trưởng phải nhạy bén, phải nắm rõ nhà trường đang cần gì? Cần đầu tư sâu hoạt động nào?…”. Đồng tình với ý kiến này, thầy Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nói: “Hiệu trưởng quyết định hướng đi cũng như mọi hoạt động nhà trường; giáo viên là người quyết định chất lượng giáo dục; phụ huynh là người tạo điều kiện cho con em mình học hành thật tốt. Vì thế, thực hiện đổi mới quản lý nhà trường để nâng chất lượng giáo dục đòi hỏi hiệu trưởng phải thay đổi tư duy và có những kế sách tối ưu phù hợp với nhà trường; giáo viên cũng phải thay đổi tư duy, đổi mới phương pháp giảng dạy; học sinh phải thay đổi phương pháp học tập theo sự hướng dẫn của thầy cô”.
Dù không phải nội dung trọng tâm của hội thảo, nhưng vấn đề thu nhập của giáo viên cũng được một số hiệu trưởng nêu ra và cho rằng một trong vài nguyên nhân kìm hãm sự đổi mới đó là lương bổng. Thầy Nguyễn Phùng Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung Phú bức xúc: “Thầy cô không thể uống nước lã để dạy, thu nhập của người thầy thu vén hết sức chỉ tạm đủ sống. Chính vì vậy, tôi kiến nghị cần xem xét lại. Bởi như nhiều người đã nói: đổi mới quản lý đòi hỏi sự đồng bộ và phối hợp giữa người làm công tác quản lý với giáo viên”. Dù ngân sách dành cho ngành GD-ĐT dao động từ 20 đến 21%, tỉ lệ này chỉ đủ để trả lương. Trong khi giá cả cùng những dịch vụ của đời sống lại khá cao, dẫn đến cuộc sống của nhà giáo khó khăn. Thực tế đã minh chứng khá rõ mức sống có thể gọi là thấp của đông đảo đội ngũ thầy cô giáo. Khi thu nhập thấp, đời sống khó khăn chắc chắn thời gian dành cho việc giảng dạy ắt phải hạn chế nói gì đến công tác nghiên cứu. Trao đổi bên lề hội nghị, thầy Nguyễn Bác Dụng cho rằng: “Muốn đổi mới quản lý nhà trường phải có kế hoạch đào tạo đội ngũ quản lý, không thể chọn những giáo viên đạt thành tích trong dạy học để làm phó hiệu trưởng, rồi hiệu trưởng. Với cách làm như vậy vô tình làm mất những thầy cô giỏi”.
Hội thảo đã thành công như nhận xét của Phó giám đốc Nguyễn Hoài Chương: “Dù số hiệu trưởng THPT hiện diện chưa đầy đủ, nhưng ít nhiều hội thảo đã mang lại những ý kiến hay, bổ ích cho những người làm công tác quản lý”.
Trần Thanh Quang – Ngọc Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)