Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đổi mới quản lý và nâng chất GDĐH giai đoạn 2010-2012: Phải giải được bài toán lượng và chất

Tạp Chí Giáo Dục

SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận bằng tốt nghiệp

Yếu tố tạo nên chất lượng đào tạo ĐH là gì? Nguyên nhân khiến cho chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) chưa cao nằm ở đâu? Giải pháp và những chính sách phát triển, giảng dạy nào thật sự phù hợp với mục tiêu nâng chất GDĐH? Đó là những ý kiến được các đại biểu nêu lên trong Hội thảo về đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GDĐH giai đoạn 2010-2012 vừa được tổ chức tại ĐH SPKT TP.HCM.
Bắt đầu từ nhận thức của mỗi người
TS. Đặng Trường Sơn, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH SPKT phát biểu tại hội thảo: “Bên cạnh những nội dung cần được nghiên cứu, thay đổi và điều chỉnh thì việc đổi mới chương trình đào tạo sao cho sát với nhu cầu thực tế là việc phải tập trung làm ngay. Bởi mỗi chương trình đào tạo đều có những mục tiêu ngành nghề riêng. Tuy nhiên, những thay đổi không ngừng của xã hội buộc chúng ta phải nhanh chóng thích ứng. Đặc thù phát triển của thế giới hiện nay là toàn cầu hóa, chính vì thế chương trình đào tạo phải vừa đáp ứng được nhu cầu lao động trong nước, vừa có khả năng thích ứng, mở rộng ra các môi trường lao động quốc tế. Chúng ta cần phải thẳng thắn xem lại tình hình thực tiễn của các chương trình đào tạo trong nước. Mục tiêu ấy cần được xây dựng trên chiến lược phát triển của toàn ngành và phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội. Chất lượng GDĐH sẽ không thể nâng cao nếu chúng ta không thường xuyên xác định đối tượng đào tạo của mình là ai? Đội ngũ giảng viên hiện có đã thật sự phù hợp chưa? Tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là bao nhiêu…? Đồng ý với quan điểm trên, Th.S Lý Thiên Trang, Trung tâm Đào tạo hợp tác quốc tế cho rằng: “Sẽ không thể có chất lượng GDĐH tốt nếu mọi nguồn lực đều hạn hẹp, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Để nâng cao chất lượng GDĐH, trước tiên phải giải được bài toán giữa số lượng và chất của quá trình đào tạo. Song song đó, công tác liên kết với các doanh nghiệp cũng giúp nâng cao chất lượng GDĐH một cách hữu hiệu, khi mà doanh nghiệp chính là nơi tiếp nhận sản phẩm của trường học. Nếu nhà trường không tạo được mối liên kết thì không thể nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp (nhu cầu xã hội) để từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế xã hội”. Còn theo TS. Đặng Thiên Ngôn, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy, điều quan trọng nhất của quá trình thay đổi, nâng chất GDĐH phải bắt nguồn từ việc đổi mới nhận thức của mỗi người. Sẽ không thể có được một bài giảng hay, chất lượng hoặc một chính sách phát triển, nâng chất toàn diện khi bản thân người thầy vẫn chưa có sự “vận hành” trong đổi mới nhận thức.
Và giải pháp hiệu quả
Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng GDĐH được xem là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn 2010-2015. Chính vì thế, bên cạnh những giải pháp cấp thiết được các đại biểu đưa ra: đổi mới công tác quản lý, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, nâng cao tầm quan trọng của công tác đánh giá SV, GV, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong SV và GV… thì hội thảo cũng đề cập đến các giải pháp mang tính căn cơ, chiều sâu và có tính vững bền như: nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, lộ trình xây dựng và phát triển GDĐH theo từng giai đoạn, phân cấp quản lý một cách triệt để và hướng đến việc đào tạo, giảng dạy theo hướng mở…
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu phó Trường ĐH SPKT chia sẻ: “Muốn xóa bỏ được những hạn chế, tháo gỡ những tồn đọng về các quy luật như: quy luật cung cầu, quy luật về mối quan hệ giữa lượng và chất, quy luật về sự cạnh tranh hay những ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đến hệ thống giáo dục; hệ thống giáo dục cần phải có sự tự thích ứng với môi trường sống”. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDĐH là một công việc dài hơi, mang tính chiến lược, không thể đòi hỏi có kết quả ngay trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, các trường cần phải bắt tay ngay vào việc, làm một cách triệt để, để sớm đưa kế hoạch và lộ trình đổi mới, phát triển đi vào “đường ray” ổn định. Hy vọng, với sự đồng thuận, đồng lòng của đội ngũ thầy cô giáo, các nhà khoa học, cùng toàn thể GS, TS giàu kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu giáo dục, công cuộc đổi mới và nâng chất GDĐH sẽ thật sự mang lại hiệu quả trong thời gian tới”.
Nguyên Hải
“Nếu không có một giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo một cách đồng bộ và không tập trung triệt để vào những mục tiêu trọng tâm đã được xác định thì công tác nâng chất GDĐH và đổi mới quản lý sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng “đánh trống bỏ dùi” và vướng vào căn bệnh thành tích” – Thứ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại hội thảo.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)