Trong 3 ngày 10, 11 và 12-12, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo quốc tế chủ đề “Đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông – kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện Việt Nam”. Tham dự hội thảo có các học giả, nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia trong ngành giáo dục Việt Nam và quốc tế.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Giáo dục Việt Nam đang phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi nhanh và phức tạp. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế về giáo dục đã trở thành xu thế tất yếu. Cách mạng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, kinh tế tri thức ngày càng phát triển mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến sự phát triển của các nền giáo dục trên thế giới. Trong thời gian qua, chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam đã góp phần đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới, chương trình cũng bộc lộ những điểm bất cập về cách tiếp cận phát triển chương trình, xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá kết quả giáo dục.
Trong hội thảo này, các nhà khoa học giáo dục Việt Nam sẽ chia sẻ các kết quả nghiên cứu bước đầu các chủ đề nêu trên và tham vấn những ý kiến, kinh nghiệm của chuyên gia nước ngoài.
Theo GS. Jens Rasmussen – Trường ĐH Aarhus (Đan Mạch), một số xu hướng quốc tế trong xây dựng chương trình, SGK phổ thông: Thứ nhất là chương trình chỉ đưa ra một số mục tiêu chung cho hệ thống các nhà trường và sẽ tập trung, tăng cường kết quả của học sinh, giảm khoảng cách học sinh yếu kém và học sinh giỏi. Thứ hai là tập trung vào những yếu tố kiến thức cơ bản. Thứ ba là tập trung vào năng lực kết quả học sinh. Vấn đề quan trọng là giáo viên, họ chỉ có thể làm việc chuyên nghiệp nếu xây dựng nền văn hóa chuyên môn ở các nhà trường. Với việc dạy học, đổi mới chương trình dạy học cần xác định khung, tiêu chuẩn đánh giá thi cử, tiêu chuẩn của giáo viên. Kinh nghiệm cho thấy những quốc gia có xếp hạng cao về chất lượng giáo dục đều có giáo viên chất lượng tốt. Các nước như Canada, Singapore, Phần Lan nằm trong tốp đầu, đều có giáo viên chất lượng cao.
Các nội dung được đề cập tại hội thảo lần này là mục tiêu, chuẩn đầu ra của giáo dục phổ thông và của từng cấp học; năng lực và cách thức xác định các năng lực chung cốt lõi của học sinh; xây dựng kế hoạch dạy học, xác định các lĩnh vực/môn học và thời lượng cho mỗi lĩnh vực, môn học; phương án thực hiện dạy học tích hợp và dạy học phân hóa; phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực của học sinh; nội dung và hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập; hình thức thử nghiệm, tiêu chí đánh giá chương trình, SGK; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh…
Thiên Lam
Bình luận (0)