Chủ động đổi mới, sáng tạo trong dạy, học và kiểm tra đánh giá là điều rất đáng hoan nghênh, ghi nhận song mỗi giáo viên cần phải nhìn nhận việc đổi mới, sáng tạo phù hợp trong những lằn ranh, hành lang, ba rem cho phép, từ đó phân biệt được đâu là sáng tạo phù hợp, tránh chạy theo trào lưu mà không xác định được mục tiêu giáo dục và không đánh giá được năng lực của bộ môn.
Đổi mới kiểm tra đánh giá là cần thiết song giáo viên phải tính toán để phù hợp
Khi nào thì nên “bắt trend” học sinh vào kiểm tra, đánh giá?
Trên thực tế, trong quá trình đổi mới, ở một số môn học, giáo viên thường có xu hướng “bắt trend” học sinh, tức là đưa những vấn đề, sự việc, hiện tượng đang được học sinh yêu thích, quan tâm vào trong nội dung giảng dạy, đặc biệt là kiểm tra đánh giá. Điều này đã thực sự “thổi được hơi thở” thời cuộc đời sống học sinh vào môn học, tạo ra sự thích thú cho học sinh trong môn học, đưa môn học đến gần hơn với học sinh, hạn chế tình trạng học tủ, học vẹt. Nhất là với bộ môn ngữ văn, bằng cách thức đổi mới này giúp môn học “ghi điểm” trong mắt người học, “kéo” bộ môn đến gần hơn với người học…
Nhìn nhận một cách bao quát, khách quan, nhiều giáo viên cho rằng, việc “bắt trend” đưa vào trong nội dung kiểm tra, đánh giá học sinh là điều giáo viên nên làm, rất đáng hoan nghênh. Song, để hiệu quả và mang ý nghĩa giáo dục, đạt được mục tiêu đánh giá được năng lực, phẩm chất của học sinh trong môn học thì không phải cứ “đu theo trend” là tốt, càng không phải là chạy theo xu hướng. Thậm chí, có những xu hướng, có thể sẽ chỉ phù hợp khi đưa vào phạm vi này song lại không phù hợp khi bê nguyên xi trong phạm vi khác…
“Mới đây, trong đề thi thử THPT môn ngữ văn, một trường THPT ở Q.1 có đưa lời bài hát Đi về nhà của Đen & Justatee – ca sĩ đang rất “hot” trong giới trẻ vào, sử dụng làm văn bản đọc hiểu, làm “dậy sóng” trong giới học sinh. Với cách ra đề đổi mới này, phải nói là bản thân tôi thấy người ra đề rất dũng cảm và chịu đổi mới, dám đổi mới, “hao tâm khổ tứ” nhiều để có thể suy nghĩ ra một đề thi khiến học sinh thích thú như vậy. Xét về mặt tích cực, rõ ràng việc đổi mới của giáo viên là rất đáng ghi nhận khi trao cho học sinh cơ hội sáng tạo mà không quá phụ thuộc vào các lối mòn đồng thời vẫn hướng được học sinh đến các giá trị thẩm mỹ tích cực trong cuộc sống khi chọn được một văn bản có chiều sâu…”, giáo viên ngữ văn một trường THPT Q.Bình Tân đánh giá.
Mặc dù vậy, giáo viên này cho rằng, nếu nhìn nhận một cách thật sự sâu xa và trọn vẹn thì đề thi thử này có yếu tố mới, lạ, có hay nhưng chưa thật sự phù hợp. “Cũng với ngữ liệu ấy nhưng nếu đưa vào một bài kiểm tra thường xuyên hay định kỳ trên lớp thì sẽ hợp lý hơn bởi nó vừa mang tính đổi mới, sáng tạo, vừa giúp giáo viên đánh giá được năng lực của học sinh trong lớp mình. Còn một khi đã được “khoác lên tấm áo” là đề thi thử tốt nghiệp THPT, đề đòi hỏi tính chuẩn mực, phổ cập và bao quát, đồng thời đòi hỏi các giá trị về văn học, thẩm mỹ của văn bản phải cao hơn. Điều này thì một văn bản lời bài hát “mới nổi” có thể có nhưng chưa trọn vẹn”, giáo viên này thẳng thắn.
Trong khi đó, từ quan điểm của cá nhân người ra đề, thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1) cho biết, trước khi quyết định sử dụng ngữ liệu bài hát vào đề thi thử, bản thân đã cân nhắc rất nhiều. Đề thi cũng được tính toán để bám sát và “tiệm cận” với ma trận yêu cầu của một đề thi tốt nghiệp THPT, sử dụng văn bản mang yếu tố giáo dục cao. “Nhìn đi nhìn lại, bất kỳ các yếu tố đổi mới nào cũng sẽ gặp phải những luồng ý kiến. Trong khuôn khổ đề thi, bản thân tôi mong muốn khơi lên được yếu tố cảm xúc, thẩm mỹ cho học sinh. Quan trọng hơn cả là vượt ra ngoài rào cản môn học, qua văn bản đó, tôi muốn trao gửi đến học sinh một thông điệp giản dị về những giá trị gần gũi, nhân văn, tình yêu thương về gia đình, để các em vừa học vừa hiểu…”.
Muốn hay trước hết phải chuẩn!
Trước câu hỏi nên hay không nên sử dụng lời bài hát theo trend để đưa vào đề kiểm tra, đánh giá học sinh, nhất là đưa vào một đề thi thử tốt nghiệp THPT, thạc sĩ ngôn ngữ Phan Thế Hoài nhận định, điều cần phải bàn ở đây là lời bài hát đó như thế nào, giá trị và sức sống của nó ở đâu…“Nhiều giáo viên ngữ văn, nhất là các giáo viên trẻ thế hệ 9X, đồng tình việc sử dụng lời bài hát Đi về nhà của Đen & Justatee làm ngữ liệu đọc hiểu trong đề thi thử. Bởi lẽ, theo các đồng nghiệp này, Đen & Justatee là nghệ sĩ khá nghiêm túc về đời tư, có thể được xem là chuẩn mực về đạo đức. Thứ hai, là khi đưa vào tạo cho học sinh sự thích thú vì phù hợp với tâm lý học sinh”.
Mặc dù vậy, ThS. Hoài cho rằng, việc sử dụng lời bài hát Đi về nhà để đưa vào đề thi thử là chưa phù hợp. ThS. Hoài nhìn nhận, lời bài hát có thể hay, nhận được sự yêu mến của tuổi trẻ nhưng phần lời này chưa có sự kiểm định, chưa có sức sống lâu dài. Một bài hát sẽ thích hợp để đưa vào làm ngữ liệu cho đề thi tốt nghiệp THPT nếu như bài hát đó đã có một sức sống, trải qua nhiều thế hệ, ghi dấu ấn trong lòng khán giả nhiều thế hệ. Một giai điệu hay chưa đủ, giai điệu đó còn phải đảm bảo tính chính thống, đảm bảo các giá trị về thẩm mỹ, sự chuẩn mực về ngôn từ, sáng tạo, thẩm mỹ, chuyên chở được những giá trị thẩm mỹ, văn học, đạo đức…
Ngoài ra, theo ThS. Hoài, để được gọi là một đề thi thử tốt nghiệp THPT thì phải tuân theo các quy chuẩn chứ không phải là chạy theo trào lưu, không phải là bắt trend. Đã gọi là trào lưu thì sự việc nhanh đến, nhanh đi, không đọng lại giá trị gì sâu xa. Làm như vậy, giáo viên đang chỉ chạy theo thị hiếu của học sinh mà quên đi tính nghiêm túc của một đề thi đòi hỏi tính phổ quát về học thuật.
“Giáo viên có thể sử dụng đề như thế này để cho học sinh luyện tập, giúp các em bớt nhàm chán, đơn điệu trong việc học hoặc cùng lắm là đưa vào làm đề kiểm tra thường xuyên. Còn để trở thành một đề thi thử tốt nghiệp THPT, dù đổi mới thế nào giáo viên cũng phải hợp với cái chung, có thể lấy đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT làm hệ quy chiếu cho cả hình thức và nội dung. Đặc biệt, đề thi muốn hay trước hết phải chuẩn, phải mang tính học thuật”, ThS. Hoài nhấn mạnh.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)